Doanh nghiệp gia đình - Thương hiệu hậu M&A |
Viết bởi ducanh |
Thứ sáu, 28/07/2017, 08:31 GMT+7 |
Các doanh nghiệp thường ưa chuộng hình thức mua bán và sáp nhập khi muốn đặt chân vào một thị trường mới, mở rộng ngành nghề kinh doanh hoặc gia tăng lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, các chuyên gia đánh giá, đây là một xu thế tất yếu của nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, và khu vực doanh nghiệp gia đình sẽ diễn ra hoạt động M&A sôi nổi nhất. Tuy nhiên, hậu M&A mới là bài toán mà các doanh nghiệp này đang vướng mắc. Theo công ty tư vấn toàn cầu PwC, Việt Nam đứng thứ 28 trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Chính vì thế mà các thương vụ mua bán và sáp nhập tại mảng thị trường này luôn sôi động. Có thể kể đến một số thương vụ đình đám như Tập đoàn Mondelez International của Mỹ mua lại 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo của Công ty CP Tập đoàn Kinh Đô; Central Group của Thái Lan mua lại 49% cổ phần của hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim hay Vin Group mua lại 100% cổ phần tại Công ty CP Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương của Ocean Group. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tới 50% các thương vụ M&A không thành công. Có thể do không tìm được tiếng nói chung trong định giá doanh nghiệp, trong việc nắm quyền điều hành, sắp xếp lại nhân sự, và hay nảy sinh mâu thuẫn nhất ở vấn đề về thương hiệu hậu M&A. Sau khi hai doanh nghiệp sáp nhập lại với nhau, nên giữ nguyên tên cũ của từng doanh nghiệp, nên ghép tên hay nên xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu hoàn toàn mới? Các doanh nghiệp phần lớn đều loay hoay với bài toán khó này. Chương trình CEO - Chìa khóa thành công đã đưa vấn đề này vào chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình - thương hiệu hậu M&A”. Chương trình phát sóng vào 10h sáng chủ nhật ngày 30/07/2017 trên VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam.
CEO Phạm Thị Yến Nhi - Người sáng lập và điều hành Công ty Giải trí Mầm Trúc - Tanabata Tham gia chương trình trong vai trò CEO là nữ doanh nhân Phạm Thị Yến Nhi - người sáng lập và điều hành Công ty giải trí Mầm Trúc - Tanabata. Vị CEO này đã tiên phong xây nên chuỗi bar Nhật đầu tiên tại Việt Nam, trải dài từ Bắc vào Nam, được các khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Dự kiến cuối năm 2017, Tanataba sẽ có 50 quán Bar khắp Việt Nam và Đông Nam Á. Con số này sẽ lên tới 100 vào năm 2018. Trong chương trình, nữ CEO này cùng các cổ đông phải giải quyết là vấn đề của một doanh nghiệp gia đình có lịch sử hơn 20 năm trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo và đang rất thành công khi sở hữu một thương hiệu rất nổi tiếng. Trong xu hướng hội nhập và phát triển mạnh mẽ của các hoạt động M&A, nhiều tập đoàn lớn từ nước ngoài tìm cách tham gia thị trường Việt Nam bằng cách hợp tác, mua bán và sáp nhập với các doanh nghiệp và thương hiệu dẫn đầu trên thị trường ở trong nước. Trong quá trình đó, doanh nghiệp cũng nhận được rất nhiều lời đề nghị hợp tác hấp dẫn đến từ các đối tác ngoại. Sau nhiều đắn đo, HĐQT quyết định bắt tay với một tập đoàn chuyên kinh doanh bánh kẹo, rạp chiếu phim, tòa nhà văn phòng đến từ Hàn Quốc. Lý do thuyết phục nhất của tập đoàn này là có chung mảng kinh doanh bánh kẹo (lĩnh vực kinh doanh khởi phát), hợp tác với họ, công ty sẽ tận dụng công nghệ, bán hàng và tiếp thị, nghiên cứu phát triển của họ. Hơn nữa, họ có thâm niên kinh doanh và tên tuổi thành công tại VN trong lĩnh vực rạp chiếu phim, toà nhà văn phòng. Và đặc biệt, giá chào mua của họ rất hấp dẫn. Các cuộc đàm phán, xúc tiến thương vụ được tiến hành khẩn trương và thuận lợi cho đến khi hai bên bàn tới vấn đề thương hiệu. Phía đối tác đưa ra yêu cầu tiên quyết là sau khi M&A, thương hiệu hiện nay của doanh nghiệp phải đổi thành tên ghép của 2 của bên. Trước yêu cầu này của đối tác, giữa CEO (cũng là thành viên HĐQT) và các thành viên khác trong HĐQT đã này sinh ý kiến trái chiều. CEO kiên quyết phản đối vì cho rằng: Người tiêu dùng Việt Nam đã quá quen thuộc với thương hiệu bánh kẹo hiện tại của công ty. Còn thương hiệu của đối tác tuy có nổi tiếng nhưng tại Việt Nam nó chỉ gắn liền với hình ảnh của rạp chiếu phim và văn phòng cho thuê, không liên quan đến bánh kẹo. Khi ghép lại vừa làm giảm sức mạnh của thương hiệu hiện tại của công ty vừa gây sự hiểu nhầm cho khách hàng. Do đó, CEO đề nghị không tiến hành ghép thương hiệu hai công ty. Tuy nhiên, các cổ đông lại cho rằng: Đối tác đến từ Hàn Quốc có nhiều tiềm lực, có nhiều kinh nghiệm. Khi đề nghị hợp tác trong mảng bánh kẹo tức là họ có chủ trưởng đẩy mạnh sự phát triển của mảng này tại Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp sẽ đề nghị họ tham gia để tăng cường đầu tư truyền thông khi hai thương hiệu này ghép vào làm một. Với những chiến dịch truyền thông bài bản, mạnh mẽ và đánh đúng khách hàng thì sau một thời gian nữa khách hàng sẽ quen thuộc với thương hiệu sản phẩm ngay.
CEO và các cổ đông tranh biện trong chương trình CEO Chìa khóa thành công trên VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam Cuộc tranh biện giữa CEO và các cổ đông diễn ra khá căng thẳng và gay gắt. Sức nóng của nó đã tạo nên sức hút lớn đối với khán giả. Đại diện cho những khán giả ủng hộ CEO, bạn Kienhuyen chia sẻ: “Chưa bao giờ xem một cuộc tranh biện giữa CEO và cổ đông nào nảy lửa như thế, nhiều lúc cảm giác nín thở để chờ diễn biến tiếp theo. Quan điểm của mình là ủng hộ CEO, càng về cuối những lý luận của chị càng sắc bén và thuyết phục. Rõ ràng ghép tên rủi ro nhiều hơn là giữ nguyên tên cũ.” Khán giả Minhhong lại đồng tình với ý kiến các cổ đông: “Bản thân mình thấy nếu không ghép tên, công ty có thể sẽ mất cơ hội hợp tác với doanh nghiệp ngoại này, nên mình nghiêng nhiều hơn về phía các cổ đông. Phải nói đây là một trận rất đáng xem.” Để có cái nhìn toàn cảnh về cuộc tranh biện hấp dẫn lần này, cùng đón xem chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình – thương hiệu hậu M&A” vào 10h chủ nhật ngày 30/07/2017. Chương trình CEO - Chìa Khóa Thành Công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Novaland. Xem lại chương trình tại: CEO - Chìa khóa thành công trên Youtube. Fanpage chính thức tại: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Hotline đăng ký tham gia chương trình : 098 148 6868 PV *Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của TST Tags: Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|