Thành viên gia đình thoái vốn: Cơ hội hay rủi ro? |
Viết bởi ducanh | |
Thứ sáu, 21/07/2017, 15:14 GMT+7 | |
Theo các chuyên gia, việc này phụ thuộc vào sự chủ động hay bị động của doanh nghiệp đó. Thoái vốn là một hiện tượng khá phổ biến trên thị trường hiện nay, khi các cổ đông không còn mặn mà với đơn vị góp vốn, hoặc cảm nhận được rằng khoản đầu tư của mình đã đến lúc thu thành quả. Tuy nhiên, việc thoái vốn này có sự ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây là cơ hội hay rủi ro? Có thể so sánh câu chuyện thoái vốn của các cổ đông sáng lập tại doanh nghiệp gia đình, giống như việc hai vợ chồng góp vốn chung để xây nhà, sau đó thì ly hôn. Tất nhiên, việc một người dứt áo ra đi sẽ làm người còn lại chới với về mặt tâm lý, tài sản là ngôi nhà cũng không còn được vẹn nguyên nữa mà phải chia năm xẻ bảy. Không chỉ như thế, cuộc chia tay này còn ảnh hưởng đến tâm lý của những đứa trẻ, hàng xóm láng giềng, họ hàng xầm xì… Sự so sánh này để thấy được những rủi ro doanh nghiệp gia đình gặp phải, khi những cổ đông lớn quyết định thoái vốn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, không phải các cuộc chia ly đều xấu. Đôi khi đó là cơ hội để chúng ta tìm được đối tác tốt hơn, gắn bó hơn, để chung sức tái cấu trúc ngôi nhà mới. Quan trọng nhất vẫn là sự chuẩn bị của người trong cuộc, để có tâm lý vững vàng, và có lộ trình đổi mới phù hợp. Đối với các doanh nghiệp gia đình cũng vậy, đôi khi sự ra đi của các cổ đông lớn lại là cơ hội để các doanh nghiệp này tìm được các đối tác chiến lược tiềm năng hơn. Những vấn đề này đã được đề cập đến trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình - Quyền kiểm soát và sở hữu”. Chương trình sẽ phát sóng vào 10h sáng chủ nhật ngày 23/07/2017 trên VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam.
Hai chuyên gia đang tư vấn cho CEO trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công Trong số phát sóng tuần trước, chúng ta đã chứng kiến vấn đề của một doanh nghiệp gia đình hoạt động trong lĩnh vực dệt may có danh tiếng và đã phát triển thành công cả thị trường trong và ngoài nước. Hiện doanh nghiệp có sự tham gia sở hữu của nhiều thành viên thuộc cả hai thế hệ trong một gia đình. Thế hệ thứ nhất là các anh chị em và thế hệ thứ hai là các dâu, rể, con cháu. Người sáng lập ra doanh nghiệp vì nhiều lý do sức khỏe không thể tiếp tục tham gia các hoạt động của doanh nghiệp nên đã trao lại quyền cho em gái của mình và các thành viên thuộc thế hệ sau (dâu, rể, con cháu). Tuy nhiên, sau một thời gian người em gái được trao quyền này cũng vì nhiều lý do liên quan đến tuổi tác, sức khỏe và khả năng chuyên môn nên lại chuyển giao toàn quyền sở hữu cho các con của mình. Thế nhưng, chỉ có một số con cháu và người thừa kế đã và đang tham gia điều hành và quản lý trực tiếp các hoạt động của doanh nghiệp. Một số khác có sở hữu lớn nhưng chỉ tham gia ngồi trong HĐQT và không trực tiếp điều hành. Sau một thời gian, vì nhiều lý do khác nhau nên các thành viên HĐQT được thừa kế này tỏ vẻ nản chí và muốn rút khỏi công ty, chuyển nhượng quyền sở hữu cho người khác/hoặc chỉ giữ vai trò đầu tư tài chính. Trước tình hình này, CEO và các thành viên chủ chốt khác trong HĐQT đã ngồi lại với nhau để bàn bạc giải pháp cho vấn đề. CEO (đồng thời là cổ đông gia đình lớn nhất hiện nay) phản đối việc rút vốn. Tuy nhiên, các cổ đông khác lại cho rằng: Một khi các thành viên HĐQT này không còn tâm huyết với sự phát triển công ty nữa thì nên để họ chuyển nhượng lại cổ phần. Sau quá trình tranh biện CEO và các cổ đông vẫn không thể tìm ra tiếng nói chung cho bài toán thoái vốn hiện tại. Vì vậy, CEO đã tìm đến các chuyên gia có uy tín và chuyên môn để xin tư vấn. Tư vấn cho CEO trong chủ đề này là Chuyên gia Doanh nhân Lê Vĩnh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà, và chuyên gia Hoàng Đức Hùng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách mảng Doanh nghiệp trong nước Công ty tư vấn PWC Việt Nam. Ông Sơn cho rằng CEO nên tìm ra căn nguyên của việc thoái vốn này, do các cổ đông khó khăn về tài chính, do sự mâu thuẫn nội bộ hay chính là những vấn đề của Công ty khiến cổ đông thiếu niềm tin vào sự phát triển doanh nghiệp. Từ việc hiểu rõ nguyên nhân thì CEO mới có thể có những phương án phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Ông Hùng lại đưa ra giải pháp chính là vấn đề quản lý nguồn vốn cho doanh nghiệp. Theo ông, quản lý tốt nguồn vốn sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trước các vấn đề bất cập về tài chính. Ông tư vấn về việc thành lập quỹ dự phòng để dự trù rủi ro. Ngoài ra phải có được những thỏa thuận chặt chẽ với các nhà đầu tư để đảm bảo lộ trình rút vốn không ảnh hưởng tới hoạt động và uy tín của doanh nghiệp. Các chuyên gia còn lường trước tất cả những cơ hội cũng như rủi ro cho doanh nghiệp gia đình khi cổ đông lớn rút vốn. Những tư vấn đó cụ thể như thế nào, chúng ta sẽ cũng theo dõi tại chương trình CEO - Chìa khoá thành công vào 10h Chủ Nhật ngày 23/07/2017.
Thạch Ngọc Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|