top-banner-2

Thứ ba, 01/08/2017, 17:11 GMT+7

Cấm dịch vụ đi chung xe của Grab, Uber là kìm hãm sự phát triển chung?

Viết bởi ducanh   
Thứ ba, 01/08/2017, 17:11 GMT+7

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường, TP.HCM là thành phố rất năng động, vì thế nếu không đưa vào ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến sẽ dẫn đến kìm hãm sự phát triển chung. Hiện nay, Uber và Grab không chỉ dừng ở việc ứng dụng phần mềm công nghệ mà còn mở rộng dịch vụ đi chung xe.

1-taxi-uber

Bộ Giao thông vận tải đã cấm dịch vụ đi chung xe của Grab và Uber - Ảnh minh họa

Cấm dịch vụ đi chung xe của Uber, Grab

Vào tháng 5.2017, hãng Grab và Uber đã chính thức ra mắt dịch vụ đi chung xe. Dịch vụ này cho phép hành khách hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ đặt xe thông thường, đồng thời giúp tài xế tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe và giảm lượng xe lưu thông trên đường. 

Tuy nhiên, dịch vụ đi chung xe của Grab, Uber vừa được triển khai chưa được bao lâu thì cuối tháng 6.2017, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu không triển khai dịch vụ này do không phù hợp và gây bất tiện cho khách hàng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, Thông tư 63/2014 của Bộ quy định mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng vận chuyển khách. Nghị định 46/2016 cũng quy định tương tự. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc áp dụng dịch vụ trên đối với xe hợp đồng là không phù hợp với quy định hiện hành.

Tại Hà Nội, mới đây, chính quyền thành phố này cũng đã “cấm cửa” dịch vụ đi chung xe của Uber và Grab vì cho rằng chưa có quy định quản lý với loại hình dịch vụ này, nên sẽ chưa áp dụng hình thức đi chung xe trên địa bàn thành phố.

Theo UBND TP. Hà Nội, dịch vụ đi chung xe ghép các hành khách có trùng hành trình vào một chuyến xe (chia sẻ hành trình), do vậy sẽ tối ưu hóa hiệu quả vận hành xe và giảm số lượng xe lưu thông trên đường. Tuy nhiên, dịch vụ này chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe, bảo vệ quyền lợi của hành khách.

Trong khi đó, tại TP.HCM, Hiệp hội Taxi TP.HCM cũng đã liên tục có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị về việc dừng tính năng đi chung xe Grabshare của Công ty TNHH GrabTaxi.

Hiệp hội Taxi TP.HCM còn kiến nghị Bộ giao thanh tra Bộ ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm của Công ty TNHH GrabTaxi và Bộ cũng cần yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi dừng ngay tính năng đi chung xe GrabShare trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Việc đi chung xe là tốt cho hành khách, cho giao thông

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường, TP.HCM là thành phố rất năng động, vì thế nếu không đưa vào ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến sẽ dẫn đến kìm hãm sự phát triển chung. Hiện nay, Uber và Grab không chỉ dừng ở việc ứng dụng phần mềm công nghệ mà còn mở rộng dịch vụ đi chung xe.

Ông Cường cho rằng nếu xét trên góc độ giao thông đang quá tải của thành phố hiện nay thì việc đi xe chung là tốt vì hành khách có thể chia sẻ hành trình, giảm lượng xe cộ và người tham gia giao thông. Còn ở góc độ pháp lý, hiện nay Bộ Giao thông vận tải chưa đồng ý với đề án đi chung xe của Grab và Uber.

Do đó, thời gian tới, ông Cường nói rằng cần sớm hoàn thiện các khung pháp lý để quản lý phương tiện giao thông công cộng như taxi công nghệ. Thời gian qua, nhà nước đã cho phép các loại hình taxi công nghệ như Grab, Uber hoạt động. Các hãng taxi truyền thống cũng đã bắt đầu phát triển theo hướng công nghệ nhưng vẫn chưa có khung pháp lý để quản lý chặt chẽ.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có đề nghị thiết lập dịch vụ xe đạp dùng chung, xe máy dùng chung... điều kiện cơ sở có thể thực hiện được nhưng vẫn chưa có khung pháp lý để triển khai. Vì vậy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị Nhà nước cần có sự chỉ đạo nhằm chuẩn hóa về mặt pháp lý. Khi TP.HCM làm được và triển khai hiệu quả thì xem như mô hình để cả nước có thể áp dụng. 

Theo thống kê từ Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện thành phố có khoảng gần 7,9 triệu phương tiện; chưa tính hơn 1 triệu lượng phương tiện ngoại tỉnh đang lưu thông.

Với số lượng này, theo tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, nếu 60% phương tiện lưu thông trên đường thì diện tích mặt đường đô thị toàn TP.HCM vượt năng lực khoảng 1,2 lần diện tích mặt đường đô thị.

Trong đó, đối với khu vực trung tâm như: quận 1, 3, 5 và 10, tỷ lệ này khoảng 2 lần năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông đô thị thành phố. Trong khi đó, với tổng số hơn 4.100 km chiều dài cầu đường, có hơn 1.700 km đường có bề rộng lòng đường trên 7 m (chiếm hơn 41%), gần 2.100 km đường không có vỉa hè hoặc có nhưng rất nhỏ dưới 1 m (chiếm hơn 51%), khiến cho các phương tiện tham gia giao thông rất khó khăn.

Vì vậy, nếu hạn chế được xe chạy rỗng trên đường sẽ tận dụng nhiều hành khách đi cùng một chuyến, một lộ trình. Từ đó, tạo sự minh bạch trong cung cấp dịch vụ cho hành khách, giảm hệ số chạy rỗng của phương tiện, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

 Theo Phan Diệu - Motthegioi.vn - 1/8/2017


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cấm dịch vụ đi chung xe của Grab, Uber là kìm hãm sự phát triển chung?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc