top-banner-2

Thứ ba, 05/12/2023, 09:25 GMT+7

Việt Nam nỗ lực hiện thực hóa tham vọng Net-Zero vào năm 2050

Viết bởi ducanh   
Thứ ba, 05/12/2023, 09:25 GMT+7

Là một trong những nước châu Á đặt tham vọng lớn nhất, chiến lược phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 43,5% lượng phát thải. Tuy nhiên, áp lực gia tăng từ các quy định liên quan đến môi trường ngày càng khắt khe của các nước phát triển đang hối thúc Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam phải nhập cuộc nhanh, mạnh mẽ hơn nữa trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Việc giảm lượng khí thải giờ đây đã trở thành mệnh lệnh của cả quốc gia.

viet-nam-hien-thuc-hoa-tham-vong-net-zero

Không gian Triển lãm sản phẩm, dịch vụ tăng trưởng xanh tại tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh NGUYỆT BẮC)

Bài 1: Buộc phải nhập cuộc nhanh, mạnh

Đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero) vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới và cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Giảm phát thải khí nhà kính cùng với chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, carbon thấp vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và tận dụng cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư mới.

Các doanh nghiệp chính là đối tượng bị điều chỉnh trực tiếp khi các quốc gia vận dụng mạnh mẽ công cụ thúc đẩy phát triển bền vững. Và thực tế, một số ngành sản xuất của Việt Nam đã bắt đầu phải chịu áp lực từ các thị trường nhập khẩu lớn như châu Âu, Hoa Kỳ trong việc áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon.

Những bước tiên phong

“Trước đây, cứ nói đến sản xuất nhựa là nhiều người nghĩ ngay đến ô nhiễm môi trường và chúng tôi muốn thay đổi điều đó”, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Tiền Phong Nguyễn Văn Thức chia sẻ về quyết tâm xanh hóa sản xuất mà công ty đã thực hiện trong nhiều năm qua. Với sản lượng nhựa công nghiệp hơn 100 nghìn tấn/năm, việc nhanh chóng giảm thiểu sự tác động đến môi trường là khó khả thi đối với Nhựa Tiền Phong. Nhưng với phương châm phát triển bền vững, công ty đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp hướng tới bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động cũng như bảo đảm xanh, sạch trong sản xuất.

Nhựa Tiền Phong xây dựng hệ thống xử lý nước thải đồng bộ tại nhà máy mới, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại của châu Âu, thay hệ thống đèn cao áp bằng đèn led và lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để giảm công suất sử dụng điện. Công ty đã triển khai tự động hoá các khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến cấp nguyên liệu vào đầu máy sản xuất để giảm rác thải vụn; mạnh dạn thay thế chất ổn định chì trong sản xuất nhựa PVC (mặc dù quy định tại Việt Nam vẫn cho phép) bằng chất ổn định canxi kẽm trong sản xuất ống và chất ổn định thiếc trong sản xuất phụ tùng.

Bên cạnh áp dụng hệ thống quản lý theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2015, Nhựa Tiền Phong còn áp dụng nhiều hệ thống quản lý môi trường, quản lý năng lượng cũng như quản lý bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động. Những minh chứng này cho thấy, Nhựa Tiền Phong đang sẵn sàng chung tay với quốc gia cùng hướng tới mục tiêu Net-Zero vào năm 2050.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đô thị có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP, hơn 24% thu ngân sách quốc gia, số doanh nghiệp hoạt động cũng chiếm gần 30% cả nước, đồng thời cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn/năm, chiếm 23,3% cả nước). Về cơ bản, thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, dự báo đến năm 2050 có đến 55% phường (61% diện tích thành phố) thường xuyên ngập lụt.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy cho biết: Thành phố chứng kiến rõ ràng những tác động của biến đổi khí hậu và điều này thúc giục chúng ta phải gắn kết chặt chẽ, hành động mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa để ứng phó. Sự phát triển kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu nên việc chuyển hướng và kiến tạo hành trình mới - hành trình về tăng trưởng xanh với tầm nhìn về một tương lai bền vững là đòi hỏi bức thiết. Thành phố đang khẩn trương hoàn thiện Khung chiến lược Phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu trở thành đô thị văn minh, hiện đại, điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.

Sự phát triển kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu nên việc chuyển hướng và kiến tạo hành trình mới - hành trình về tăng trưởng xanh với tầm nhìn về một tương lai bền vững là đòi hỏi bức thiết. Thành phố đang khẩn trương hoàn thiện Khung chiến lược Phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 với mục tiêu trở thành đô thị văn minh, hiện đại, điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh

Khung chiến lược này xác định người dân, du khách và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi, thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột, bao gồm: Phát triển nguồn lực xanh; xây dựng hạ tầng xanh; phát triển hành vi xanh; thúc đẩy các ngành hoặc lĩnh vực tiên phong như sản xuất công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, khởi nghiệp xanh-đổi mới sáng tạo, du lịch xanh, thực phẩm xanh,… Song song với đó, thành phố cũng triển khai nhiều biện pháp khuyến khích đổi mới, tạo môi trường và cơ hội thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp chung tay xây dựng hành trình tăng trưởng xanh, hướng tới giảm phát thải ròng bằng “0”.

Ở tầm vĩ mô, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Việt Nam ủng hộ và luôn đồng hành cùng Liên hợp quốc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết mạnh mẽ Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về Tăng trưởng xanh đã được ban hành với mục tiêu giảm phát thải, xanh hóa các lĩnh vực kinh tế và phát triển có tính bao trùm; Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, để thực hiện các cam kết quốc tế cũng như triển khai hiệu quả chủ trương lớn về phát triển bền vững, chỉ nỗ lực hay quyết tâm chính trị vẫn chưa đủ, mà cần sự thấu hiểu, ủng hộ và chung tay của đông đảo người dân; sự sáng tạo, tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và địa phương; tính đồng bộ và hiệu quả của chính sách. Đồng thời, còn cần huy động nguồn lực to lớn từ xã hội và các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Áp lực ngày càng tăng

Tiến sĩ Phạm Phương Nam, CEO Công ty Klinova (chuyên cung cấp dịch vụ và giải pháp về lĩnh vực “xanh”) đánh giá, Việt Nam đã có những cam kết rất mạnh mẽ về phát triển bền vững với thế giới. Nhưng đây cũng là bài toán lớn không chỉ của Chính phủ mà thuộc trách nhiệm của tất cả người dân Việt Nam và trọng tâm là các doanh nghiệp. Chuyển đổi xanh với các doanh nghiệp đã trở thành nhiệm vụ bắt buộc trước xu thế “xanh” hóa không thể đảo ngược.

Theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU), từ ngày 1/10 vừa qua, các doanh nghiệp ngành thép sẽ phải thực hiện báo cáo về tổng phát thải tích hợp trong hàng hóa xuất khẩu vào EU. Sau khi được vận hành chính thức từ ngày 1/1/2026, doanh nghiệp thép sẽ bắt buộc phải mua 1 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2, tương đương có trong sản phẩm nhập khẩu vào EU dựa trên hạn ngạch miễn phí ETS và phần trăm CBAM.

Đến năm 2034, cơ chế CBAM có hiệu lực và các doanh nghiệp thép sẽ phải nộp 100% phí. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Đinh Quốc Thái, EU là một trong những thị trường lớn nhất của ngành thép trong nước hiện nay. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp thép không ứng phó tốt với CBAM, không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất thì sản phẩm xuất khẩu sang EU sẽ rất khó cạnh tranh.

Như vậy, sẽ có 4 nhóm hàng gồm sắt thép, nhôm, xi-măng và phân bón của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng của cơ chế này, trong đó các sản phẩm sắt thép chiếm 96% tổng giá trị. Điều đáng lưu tâm là Nghị viện châu Âu đã đề nghị bổ sung thêm vào CBAM các hóa chất hữu cơ, nhựa, hydrogen, amoniac và thậm chí nhiều hàng hóa khác.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng này đã và đang hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.

Tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng này đã và đang hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như CBAM, BAT, Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork),… “Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới tính xanh của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.

Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Quản lý tài nguyên và Chính sách thương mại (Tổ chức Forest Trends) cho biết: Thuế carbon là công cụ mà Chính phủ các nước đưa ra, áp dụng mức thuế lên một hoạt động sản xuất có thể sản sinh ra khí phát thải. Theo xu hướng hiện nay, các mức thuế này sẽ ngày càng nhiều, ngày càng tăng để hướng tới một nền sản xuất phát thải thấp trong tương lai và nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tài chính để thực hiện các cam kết về tăng trưởng bền vững, chống biến đổi khí hậu.

Các thị trường phát triển đã có cách thức thay đổi cuộc chơi thông qua các chính sách, quy định kỹ thuật và kinh tế, để khái niệm bền vững không còn là sự lựa chọn mang tính khuyến khích mà trở thành bắt buộc. Doanh nghiệp sẽ làm phát sinh chi phí rất lớn. Chính phủ đã lên kế hoạch hành động, nhưng các cơ quan chức năng cần tăng tốc nhanh hơn nữa để giúp doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng, tận dụng cơ hội, tối ưu hóa năng lực vốn có.

(nguồn: nhandan.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Việt Nam nỗ lực hiện thực hóa tham vọng Net-Zero vào năm 2050

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc