top-banner-2

Thứ hai, 23/12/2024, 10:03 GMT+7

Tham gia cuộc chơi ‘xanh’ toàn cầu: Cần ngay nhiều giải pháp

Viết bởi ducanh   
Thứ hai, 23/12/2024, 10:03 GMT+7

Tăng trưởng xanh là một yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững. Các chuyên gia đã chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ nhiều giải pháp cần triển khai trước mắt và lâu dài để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

tham-gia-cuoc-choi-xanh-toan-cau-can-ngay-nhieu-giai-phap

Ông Quách Quang Đông: Để chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững, vươn mình ra thế giới, các doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, bảo đảm lợi ích lâu dài, bảo đảm tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá và đáp ứng xu thế chung của toàn cầu

Tăng trưởng xanh là định hướng chiến lược 

Theo ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương, xu thế cũng như đòi hỏi tất yếu của phát triển xanh và bền vững là để đáp ứng bối cảnh toàn cầu hiện nay cũng như việc ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Tính tất yếu của xu hướng này được thể hiện trong mọi khía cạnh từ kinh tế, xã hội, môi trường tới yêu cầu của cách mạng 4.0 cũng như bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Do vậy, ông Quách Quang Đông cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn mình ra thế giới phải nhận thức một cách sâu sắc và bảo đảm chiều hướng này để đưa doanh nghiệp phát triển một cách dài hạn và có chiến lược.

Điều này yêu cầu các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, quá trình cung ứng dịch vụ phải tính đến các yếu tố về giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đến giảm phát thải, đến các yếu tố về phát huy nguồn lực, đổi mới công nghệ, sáng tạo, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh cũng như khả năng hạn chế rủi ro và nhận thức thấu đáo về áp dụng kinh tế tuần hoàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, tăng cường hội nhập và trách nhiệm đối với toàn cầu.

Bên cạnh sự chủ động nắm bắt và vươn lên của doanh nghiệp, trong tiến trình tăng trưởng xanh, vai trò hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước thông qua cơ chế chính sách hết sức quan trọng. "Đối với nội dung này, phía cơ quan nhà nước đã xác định rõ những nội dung sẽ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp", ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&ĐT khẳng định.

Thứ nhất, về cơ chế chính sách, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đang nhanh chóng, kịp thời ban hành đầy đủ để hỗ trợ cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Thứ hai, phải huy động đủ nguồn lực tài chính để các tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đủ nguồn lực để triển khai và hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Thứ ba là tăng cường nâng cao nhận thức cho cả khối doanh nghiệp và người dân, bởi hàng hóa sản xuất cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường thì sẽ tạo ra động lực rất mạnh để doanh nghiệp tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh của mình.

Ngoài ra, sản phẩm xanh hiện nay cơ bản có giá thành cao hơn so với các sản phẩm thông thường. "Khi chúng ta đã huy động và đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc tiêu dùng các sản phẩm xanh thì tôi tin sẽ là động lực quan trọng hàng đầu để doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tiếp tục triển khai tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh", ông Lê Việt Anh cho hay.

Xây dựng hiệu quả các khu công nghiệp xanh

Từ phía địa phương, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam, việc xây dựng các khu công nghiệp xanh sẽ giúp cải thiện môi trường cũng như phát triển cộng đồng bền vững.

Hiện nay ở Việt Nam đã hình thành các khu công nghiệp xanh ở một số địa phương. Tuy nhiên, để phát triển các khu công nghiệp xanh, ông Nam cho rằng trước hết cần huy động các nguồn lực để xây dựng hiệu quả các khu công nghiệp xanh, nhất là nguồn lực về tài chính.

Thứ hai là hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp về các nguồn vốn vay ưu đãi để đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, sử dụng tối đa các nguồn lực và giảm thiểu đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp được tiếp cận các phương thức sản xuất mới, tiên tiến, cải tiến công nghệ để sản xuất sạch hơn.

Thứ ba là tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức, hỗ trợ về kỹ năng, kỹ thuật trong giám sát và đánh giá các tác động của công nghiệp tới môi trường, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp để nâng cao hoạt động của các khu công nghiệp, đặc biệt là tuân thủ các tiêu chí của khu công nghiệp xanh; xây dựng pháp luật về bảo vệ môi trường một cách đầy đủ, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả, đồng thời nâng cao năng lực thực thi kiểm tra, giám sát về việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, theo ông Nam, Nhà nước cần có chính sách đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, triển khai các dự án, chương trình ưu tiên; nghiên cứu, triển khai nâng cao năng lực quản lý môi trường, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm dịch vụ môi trường cho ngành công nghiệp môi trường.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa về tăng trường xanh, về phát triển bền vững. Việt Nam cần phải cải thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.

Thứ hai, "tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt, nhưng vẫn còn dư địa lớn phải làm, đó là phát triển nguồn nhân lực để có thể triển khai việc phát triển bền vững, phát triển xanh", ông Binu Jacob chia sẻ.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là chúng ta cần xây dựng những sáng kiến, mô hình ở địa phương. Bởi những mô hình tăng trưởng bền vững, mô hình tăng trưởng xanh chúng ta thường thấy trên thế giới cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương tại Việt Nam, chứ không phải bê nguyên mẫu để áp dụng.

Xây dựng khung pháp lý dành cho tăng trưởng xanh

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng, bộ ngành cần quan tâm cùng hướng đến một mục tiêu chung, đồng thuận về những giải pháp, nhiệm vụ phải triển khai trong thời gian tới, để có thể thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư vào các dự án xanh.

Tham gia cuộc chơi ‘xanh’ toàn cầu: Cần ngay nhiều giải pháp- Ảnh 11.

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ông Lê Việt Anh nhấn mạnh nội dung xây dựng khung khổ pháp lý dành cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Rõ ràng về pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng của hệ thống phân loại xanh quốc gia. Đối với nội dung này, Chính phủ đã có chỉ đạo hết sức quyết liệt và rõ ràng, tuy nhiên, trong thời gian tới các cơ quan, bộ ngành có liên quan phải phối hợp lắng nghe doanh nghiệp, để đưa ra được một hệ thống phân loại xanh đạt chuẩn mực Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

"Chúng ta biết rằng đây là cuộc chơi không phải chỉ có chúng ta tham gia mà là cuộc chơi toàn cầu. Chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu của toàn cầu, cũng như đáp ứng các nhu cầu của bối cảnh trong nước", Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ KH&ĐT trao đổi.

Bộ KH&ĐT với tư cách là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được ý kiến tham gia đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương cũng như khối doanh nghiệp, để ban hành được một hệ thống phân loại xanh và hệ thống ngành kinh tế xanh chuẩn mực nhất, phù hợp nhất với tiến trình của quốc gia cũng như cam kết toàn cầu. "Chúng tôi xin cam kết hệ thống này sẽ tạo ra được cơ chế, chính sách phù hợp và rõ ràng nhất đối với các doanh nghiệp, để doanh nghiệp biết mình cần phải đáp ứng điều kiện gì và sẽ được những ưu đãi, khuyến khích gì trong cơ chế chính sách quốc gia", ông Việt Anh nói.

Hệ thống phân loại xanh này cũng sẽ đảm bảo được tính tiến bộ và có thể linh hoạt thay đổi hoặc bổ sung. Công nghệ sẽ thay đổi nên không thể có một hệ thống phân loại xanh cứng; chúng ta phải có một hệ thống tương đối mở, đảm bảo các công nghệ mới, các loại hình kinh doanh mới sẽ tiếp tục được bổ sung, cập nhật vào hệ thống này và sẽ được hưởng các ưu đãi, chính sách của Chính phủ.

Điều này có nghĩa là những người tiên phong trong tiến trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững sẽ là được hưởng ưu đãi chuẩn xác nhất từ phía Chính phủ.

Những bài học hay, kinh nghiệm quý cũng như các khuyến nghị, đề xuất của các chuyên gia có ý nghĩa hết sức thiết thực để các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho tăng trưởng và phát triển xanh, từ đó tạo điều kiện, mở ra những cơ hội, triển vọng hợp tác đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xanh, góp phần tích cực thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

(nguồn: baochinhphu.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Tham gia cuộc chơi ‘xanh’ toàn cầu: Cần ngay nhiều giải pháp

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc