top-banner-2

Thứ năm, 26/12/2024, 09:41 GMT+7

Nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới

Viết bởi ducanh   
Thứ năm, 26/12/2024, 09:41 GMT+7

Việt Nam là nền kinh tế mở, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) là loại hình kinh doanh TMĐT dựa trên nền tảng số, dự báo sẽ có xu hướng mở rộng. Do vậy, công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới ngày càng cần phải được coi trọng và đặt lên hàng đầu.

 nang-cao-hieu-qua-quan-ly-thue-doi-voi-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi

Ngành thuế đang nỗ lực nâng hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới

Thu 20.261 tỷ đồng từ các nhà cung cấp nước ngoài

Trước thời điểm Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn được ban hành, việc quản lý thuế đối với các nhà cung cấp dịch vụ số nước ngoài như Google, Facebook, TikTok... được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, các tổ chức trong nước khi mua dịch vụ, hàng hóa hoặc phần phối hàng hóa, dịch vụ của các nhà cung cấp nước ngoài có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của các nhà cung cấp nước ngoài.

Tuy nhiên, đặc thù hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số có thể được thực hiện hoàn toàn thông qua mạng internet đến trực tiếp người tiêu dùng cuối cùng. Do vậy, cơ chế thuế nhà thầu bộc lộ một số yếu điểm không bao quát hết nguồn thu ngân sách nhà nước khi các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người dùng là cá nhân tại Việt Nam.

Triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, ngày 21/03/2022, Tổng cục Thuế đã xây dựng và chính thức đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN). Cổng thông tin điện tử đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các NCCNN chủ động thực hiện quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời đại kinh tế số. Qua kênh này, NCCNN có thể truy cập từ bất cứ đâu trên thế giới để thực hiện đăng ký thuế, điều chỉnh thông tin đăng ký thuế, kê khai, nộp tờ khai, điều chỉnh thông tin kê khai; hỗ trợ tra cứu hồ sơ, tra cứu tình trạng khoản nộp và nộp thuế vào NSNN Việt Nam...

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, đến nay, sau hơn 2 năm triển khai vận hành, tổng số NCCNN đã đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng TTĐT từ thời điểm triển khai vận hành là 116 NCCNN. Các NCCNN trên đến từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Ireland, Lithuania, Thụy Sĩ, Australia, Anh...

Bên cạnh đó, số liệu của Tổng cục Thuế cũng cho thấy, kể từ thời điểm triển khai vận hành Cổng điện tử, tổng số thu NSNN từ các NCCNN đã đạt 20.261 tỷ đồng, trong đó: Số thu năm 2022 là 3.478 tỷ đồng (bao gồm 1.850 tỷ đồng khai - nộp trực tiếp qua Cổng và 1.628 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay); số thu năm 2023 là 8.096 tỷ đồng (bao gồm 6.896 tỷ đồng khai, nộp trực tiếp qua Cổng và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay); số nộp NSNN trực tiếp thông qua Cổng sau hơn 10 tháng đầu năm 2024 đạt 8.687 tỷ đồng.

Theo đại diện lãnh đạo Tổng cục Thuế, qua thực tiễn triển khai, cơ quan thuế đang phát sinh một số khó khăn. Theo đó, về chính sách thuế, hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới là hoạt động mới, phát triển mạnh mẽ trong các năm gần đây, đối tượng là các NCCNN không hình thành pháp nhân tại Việt Nam. Điều này dẫn đến việc một số quy định không phù hợp với hoạt động này như hóa đơn của NCCNN, quy định về cơ sở thường trú của NCCNN...

Bên cạnh đó, do đặc thù các NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, việc thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra mức độ tuân thủ của NCCNN gặp nhiều khó khăn... Việc khối lượng khách hàng là tổ chức, cá nhân kê khai, nộp thuế thay cho các NCCNN lớn trải dài trên khắp cả nước, gây khó khăn trong việc rà soát tính chính xác.

Việc kết nối để xây dựng cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị liên quan với Tổng cục Thuế cũng còn nhiều khó khăn do: dữ liệu của các đơn vị liên quan (Bộ, ngành, ngân hàng thương mại,...) đang chưa có định dạng thống nhất, cách thức khai thác còn thủ công. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc phân tích và sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý thuế. Ngoài ra, bản thân một số NCCNN chưa phối hợp cung cấp thông tin do các điều khoản bảo mật thông tin ký kết với người dùng.

Ngoài ra, theo Tổng cục Thuế, một số hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa các quốc gia được ký kết từ nhiều năm trước, tại thời điểm chưa phát sinh các hoạt động kinh doanh TMĐT. Một số khái niệm mang tính truyền thống tại các hiệp định không phù hợp với loại hình TMĐT dựa trên nền tảng số, như khái niệm về cơ sở thường trú, các yêu cầu về chứng minh hoạt động kinh tế thông qua hợp đồng ký kết...

Bên cạnh đó, việc lập một công ty con tại các quốc gia có mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông thấp có thể được các công ty công nghệ lợi dụng như một chiến lược lợi dụng hiệp định để tránh thuế thu nhập nhận được từ người dùng tại các thị trường như Việt Nam...

Hoàn thiện quản lý dữ liệu và công nghệ, hướng tới thu đúng thu đủ

Việt Nam là nền kinh tế mở, mức độ phát triển lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ nhanh. Trong đó, hoạt động TMĐT, cung cấp dịch vụ, kinh doanh trên nền tảng số đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của các NCCNN là loại hình kinh doanh TMĐT dựa trên nền tảng số, dự báo sẽ có xu hướng mở rộng. Do vậy, công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới ngày càng cần phải được coi trọng và đặt lên hàng đầu.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới, bên cạnh các giải pháp được quản lý thuế đang thực hiện, đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, năm 2025, ngành Thuế sẽ tiếp tục hệ thống hóa các vấn đề lý luận và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế từ đó tham mưu, đề xuất các giải pháp xây dựng chính sách thuế, quản lý thuế và các luật liên quan đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam.

Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý phù hợp với với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Theo đó, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ các các ngân hàng, các ví điện tử, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, các tổ chức thẻ quốc tế, nghiên cứu áp dụng công nghệ (trong đó có AI) để nhận diện thanh toán của hoạt động TMĐT xuyên biên giới, từ đó làm cơ sở đối soát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN; đồng thời, nhận diện NCCNN có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký thuế để đưa vào diện quản lý thuế.

Tổng cục Thuế cũng sẽ tiếp tục phân tích cơ sở dữ liệu NCCNN kê khai, nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử dành cho NCCNN; cơ sở dữ liệu kê khai các tổ chức Việt Nam khấu trừ, nộp thay NCCNN trong Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) và kết hợp dữ liệu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh kiểm tra điểm trọng điểm đối với tổ chức Việt Nam khấu trừ thay NCCNN tại Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách mới, xây dựng chương trình tuyên truyền đến các NCCNN để kịp thời nắm bắt, hiểu và tuân thủ quy định pháp luật thuế tại Việt Nam.

Tổng cục Thuế cũng sẽ rà soát mô hình hoạt động của các tập đoàn công nghệ lớn để tham mưu báo cáo các cấp có thẩm quyền đàm phán để sửa đổi, bổ sung các hiệp định tránh đánh thuế hai lần, phù hợp với đặc điểm của các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

(nguồn: baochinhphu.vn)

Tags:

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc