Kinh doanh đa ngành - Con dao hai lưỡi? |
Viết bởi Nam Anh | |
Thứ sáu, 22/12/2017, 08:41 GMT+7 | |
Sau một quá trình phát triển và đạt được thành công nhất định, một số DN có xu hướng mở rộng lĩnh vực kinh doanh khi thấy cơ hội. Bên cạnh một số doanh nghiệp phát triển thành công, thì không ít đã chuốc lấy thất bại. Vì vậy, mở rộng kinh doanh đa ngành hay chuyên tâm với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi vẫn đang là một câu hỏi khó tìm lời giải. Thực tế tại Việt Nam đã cho thấy một số doanh nghiệp trở nên lớn mạnh khi mở rộng kinh doanh ra nhiều lĩnh vực, xung quanh sản phẩm cốt lõi của doanh nghiệp. Chẳng hạn như Công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE), vốn là nhà sản xuất, phân phối, cung ứng thiết bị điện lạnh cho các công trình dân dụng và tiêu dùng. Nhưng từ nhiều năm nay, REE đã lấn sân sang kinh doanh bất động sản, đầu tư tài chính và ngay cả trong thời điểm kinh tế khủng hoảng, công ty vẫn có lời. Hiện tại, REE tiếp tục rót vốn mua cổ phần các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, nhà máy nước và chuẩn bị thành lập công ty con chuyên về năng lượng. Hay với Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), xuất phát điểm ở lĩnh vực mía đường nhưng gần đây Tập đoàn này bắt đầu chuyển mình, từ vai trò nhà thương mại - nhà sản xuất sang nhà đầu tư đa ngành chuyên nghiệp tại 5 lĩnh vực chính là bất động sản, năng lượng, mía đường, giáo dục và du lịch. Nói đến đa ngành, không ít doanh nghiệp thẳng thắn cho rằng, có cơ hội là phải chớp lấy; họ cho rằng kinh doanh cốt lõi không có nghĩa là phải cố định ở một lĩnh vực, một ngành nghề bắt buộc. Quan trọng là kinh doanh làm sao có hiệu quả. Tuy nhiên, không phải tập đoàn hay doanh nghiệp nào “khoác” lên mình lớp áo đa ngành cũng đều thành công. Cụ thể là các trường hợp của EVN, Mai Linh, Trường Thành, Vinachem, Vinacomin, … Các tập đoàn này cũng đầu tư ngoài ngành nhưng lại “tạo” nên những khoản lỗ lớn buộc phải tái cơ cấu...; và đến nay, vẫn tiếp tục vật lộn để dọn dẹp “đống đa ngành”. Thực tế đó phần nào đã cho thấy đa ngành như con dao hai lưỡi, nếu có một chiến lược đúng đắn và được thực hiện cẩn trọng sẽ giúp doanh nghiệp có được sức mạnh cộng hưởng từ các ngành mà mình tham gia; nhưng ngược lại sẽ là mồ chôn, triệt tiêu thành quả có được. Để có cái nhìn thấu đáo hơn về nội dung này, chương trình CEO – Chìa khóa thành công trên kênh VTV1 đã đưa ra chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình – Chuyên nghề hay đa ngành” phát sóng vào ngày 24/12/2017 để cùng phân tích và mổ xẻ vấn đề. Chị Đào Hồng Thắm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng hợp Lâm Khang trong vai trò CEO của tình huống này. Theo đó, chương trình đưa ra câu chuyện của một doanh nghiệp gia đình sản xuất và kinh doanh bánh ngọt. Xuất phát từ một của hàng làm bán biscuit đầu những năm 1980. Sau 35 năm phát triển, ngày nay, DN đã trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường bakery, sở hữu một chuỗi của hàng ở nhiều vị trí đắc địa và đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ở một khu công nghiệp. Bên cạnh đó, cùng với quy mô phát triển thị trường, nhu cầu và phương thức cung ứng vật tư đầu vào của doanh nghiệp cũng dần thay đổi theo: Từ mua lại vật tư của các nhà nhập khẩu thời kỳ đầu sang nhập trực tiếp. Đến giai đoạn này, với các mối quan hệ kinh doanh và nhu cầu của thị trường, CEO nhận thấy DN có thể mở rộng kinh doanh ra các lĩnh vực xung quanh cốt lõi của doanh nghiệp như: trở thành nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất bánh (như bột mì, bơ, sữa, dầu ăn…); mở trường dạy nghề…. Tuy nhiên, khi CEO đưa ý tưởng này ra đã không nhận được sự ủng hộ của các thành viên trong HĐQT, bởi họ cho rằng DN không có đủ hiểu biết, kinh nghiệm cũng như nhân lực ở những mảng - lĩnh vực mới; do đó không nên lãng phí vào những việc chưa chắc có thành công hay không … Trong vai trò CEO, chị Đào Hồng Thắm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng hợp Lâm Khang đã tham gia chương trình CEO- Chìa khóa thành công để cùng tranh biện và tìm hướng giải quyết vấn đề trên. Ý kiến của chị đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều khán giả trẻ theo dõi trên Fanpage CEO - Chìa khóa Thành Công. Bạn Hồng Minh chia sẻ: “Theo tôi, hướng đi mà CEO đề xuất là hợp lý, bởi thực tế cho thấy có nhiều DN kinh doanh đa nghề cũng rất thành công. Quan trọng là DN có nhìn ra và khai thác triệt để các cơ hội để phát triển hay không?” Bạn Hoài Phương cũng khẳng định: “Không thể phủ nhận là cũng có DN thất bại khi mở rộng kinh doanh đa ngành… Tuy nhiên thành công hay thất bại, điều đó cũng phụ thuộc vào bản lĩnh, năng lực và tầm nhìn của DN” CEO Đào Hồng Thắm và các doanh nhân đang bàn luận trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề… Trước hết, người làm kinh doanh phải tập trung làm tốt ngành nghề cốt lõi - lĩnh vực đem lại lợi nhuận cơ bản cho DN; không nên quá vội vàng nắm bắt các cơ hội ngoài lĩnh vực chính để rồi sau này mọi thứ đều sôi hỏng – bỏng không”. Mỗi người một ý kiến, một quan điểm…. đã tạo nên sức hút lớn cho chương trình. Và việc theo dõi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình – Chuyên nghề hay đa ngành”sẽ mang lại những gợi mở hữu ích cho nhiều doanh nghiệp. Bởi mỗi tình huống mà CEO - Chìa khóa thành công đưa ra đều là những bài toán mà rất có thể doanh nghiệp sẽ gặp phải giải trong thực tế phát triển. Chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng gia phối hợp thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Novaland.
Lê Hải * Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|