Sách Trắng 2024: Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam |
Thứ tư, 17/01/2024, 11:58 GMT+7 |
Sáng 16/1, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Lễ ra mắt Sách Trắng 2024 và tổ chức hội nghị đối thoại cùng doanh nghiệp về thủ tục hành chính (TTHC) với chủ đề: "Thúc đẩy đầu tư hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững". Đây là năm đầu tiên EuroCham hợp tác với Tổ Công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình biên soạn Sách Trắng. EuroCham công bố Sách Trắng năm 2024 - Ảnh: VGP/GH Sách Trắng đóng góp trong xây dựng và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho biết, Sách Trắng (thể hiện trong 24 chương) khai thác kiến thức chuyên môn thực tế từ các ủy ban, ban ngành của EuroCham nhằm cung cấp những cái nhìn sâu sắc giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam không chỉ trong khu vực ASEAN mà cả ở thị trường châu Âu, bao gồm nhiều lĩnh vực như: Y tế, nông nghiệp, xây dựng, năng lượng… Sách Trắng cũng đề cập tới các chiến lược nhằm mở ra các cơ hội thương mại và đầu tư, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ và tối đa hóa hội nhập toàn cầu. Mục tiêu cuối cùng của các chính sách phát triển là đôi bên cùng có lợi, trong đó có hợp tác trong các ngành mới nổi như: Thiết bị bán dẫn và năng lượng tái tạo, các dự án kết nối cơ sở hạ tầng và tích hợp chuỗi cung ứng có thể tạo nên các nền tảng trong đầu tư thương mại bền vững… Sách Trắng cũng đưa ra các lộ trình phù hợp để đạt được mục tiêu nói trên. Ở bối cảnh rộng hơn, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đã củng cố quan hệ giữa Việt Nam và châu Âu, tuy nhiên vẫn có nhiều tiềm năng để hai bên triển khai tốt hơn. Sách Trắng cũng cung cấp một khuôn khổ hợp tác chiến lược thực hiện các mục tiêu để hiện thực hóa lợi ích của EVFTA. "Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào năng lực của Việt Nam trong phát triển", ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho biết. Đại sứ Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Julien Guerrier chia sẻ, Sách Trắng của EuroCham đã được công bố nhiều năm, cung cấp các khuyến nghị rất tốt về chính sách của Chính phủ về các ngành khác nhau của nền kinh tế, mang lại lợi ích cho môi trường kinh doanh không chỉ cho doanh nghiệp của châu Âu mà còn doanh nghiệp của Việt Nam. Với cuốn sách này, EuroCham đưa ra những đóng góp mang tính xây dựng để tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Ông Julien Guerrier cũng kỳ vọng thương mại hàng hóa giữa châu Âu và Việt Nam tiếp tục phát triển, tiếp tục tăng trưởng xuất nhập khẩu trong tương lai. Hiện nay, Việt Nam đã là một trong 16 đối tác thương mại hàng đầu trên toàn cầu của châu Âu. Bên cạnh đó, châu Âu cũng là một trong những đối tác hàng đầu tại Việt Nam. Quan hệ đối tác châu Âu - Việt Nam có rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của cả hai bên. Theo đó, Sách Trắng cũng là công cụ để tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các doanh nghiệp của châu Âu. Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC chia sẻ về vai trò của Tổ công tác cải cách TTHC và Hội đồng tư vấn cải cách TTHC - Ảnh: VGP/Gia Huy Việt Nam nâng cao năng lực phản ứng chính sách, kịp thời tháo gỡ các "điểm nghẽn" về TTHC Tại hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cho biết, tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP là Tổ phó Thường trực… Tổ công tác cải cách TTHC có chức năng, nhiệm vụ: Chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách, kịp thời tháo gỡ các "điểm nghẽn". Chỉ đạo xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và Hội đồng thành viên về cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy cải cách TTHC. Hội đồng tư vấn có vai trò tổng hợp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC gửi Tổ công tác cải cách TTHC; đề xuất các sáng kiến cải cách; tham gia ý kiến về quy định, TTHC dự kiến ban hành trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa; đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương. Trong quý IV/2023, Tổ công tác cải cách TTHC đã họp 2 phiên họp toàn thể và các phiên họp chuyên đề, ban hành 19 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, Tổ công tác đã tiếp nhận 122 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, đã phản hồi 109/122 phản ánh, kiến nghị, đạt tỉ lệ 90%. Về cải cách quy định, TTHC, riêng trong năm 2023, đã cắt giảm 628 quy định kinh doanh tại 53 văn bản quy phạm pháp luật. Đã thực thi phương án đơn giản hóa 535/1.086 TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư TTHC, đạt 49,26%. Đã đơn giản hóa 147 TTHC, giấy tờ công dân; thực thi phương án phân cấp 86 TTHC tại 26 văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ, ngành đã công bố 1.372 TTHC nội bộ; 63/63 địa phương đã được công bố danh mục TTHC nội bộ thực hiện tại địa phương. Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4% với hơn 15,8 triệu hồ sơ (tăng 1,4 lần so với 2022) và địa phương đạt 37,4% với hơn 11,2 triệu hồ sơ (tăng 3,7 lần so với 2022). Tỉ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại các bộ, ngành đạt 45,22% (tăng 34,34% so với 2022) và địa phương đạt 26,86%. Ông Ngô Hải Phan đề nghị hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp tổng hợp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ - Cơ quan thường trực Tổ công tác và Hội đồng tư vấn. Bên cạnh đó, tích cực cho ý kiến về các quy định, TTHC dự kiến ban hành trong các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa khi được Hội đồng tư vấn và các bộ, ngành gửi lấy ý kiến. Bên cạnh đó, đề nghị hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ, thông tin đến các doanh nghiệp thành viên để khai thác, sử dụng Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh và Cổng Dịch vụ công quốc gia. (nguồn: baochinhphu.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|