top-banner-2

Thứ năm, 26/02/2015, 09:37 GMT+7

Du xuân mùa lễ hội

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ năm, 26/02/2015, 09:37 GMT+7

Từ ngày 24/2 (Mùng 6 tháng Giêng), nhiều lễ hội dân gian lớn sẽ khai hội. Dưới đây là những lễ hội nổi tiếng được tổ chức vào mùa xuân tại miền Bắc không nên bỏ qua.

Lễ hội Chùa Hương (mùng 6 Tết)

Hội Chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) là một trong những lễ hội lớn nhất và kéo dài nhất tại Việt Nam, diễn ra từ ngày mùng 6 Tết Âm lịch đến hết tháng 3 Âm lịch. Du khách sẽ xuôi dòng suối Yến, đi cáp treo vào thăm động Hương Tích - được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhất động”, thành kính thắp hương tại chùa Thiên Trù… Lễ hội còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân tộc như bơi thuyền, leo núi, xem các chiếu hát chèo, hát văn…

chua-huong

Ngoài việc vãn cảnh chùa thì đây còn là nơi để cảm nhận không khí thanh tịnh, yên bình, cầu mong may mắn, an lành cho một năm sắp tới.

Lễ Hội Chợ Viềng - Nam Định (Từ ngày 7 - 8 Tết)

"Cầu mong lắm lộc nhiều tài/ Tháng giêng, mồng 8 mời chơi chợ Viềng”.

Phiên chợ chỉ họp mỗi năm một lần, "bán điều rủi, mua sự may" đã trở thành nét văn hóa đẹp của vùng Sơn Nam Hạ (Nam Định). Từ nửa đêm đến tờ mờ sáng, hàng ngàn người đổ về chợ Viềng như mắc cửi để mong có lộc cho cả năm.

Có 2 chợ hội là hội Viềng Phủ ở Kim Thái, huyện Vụ Bản và hội Viềng Chùa tại xã Nam Giang, huyện Nam Trực, cùng tên Viềng và họp cùng phiên, cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau (đồ cổ, đồ cũ, công cụ nhà nông, thịt bò, v.v...).

Lễ hội Gióng (mùng 6 và 8 Tết Âm lịch)

Hội Gióng được tổ chức tại nhiều nơi ở Hà Nội để ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng - một trong Tứ bất tử của dân tộc đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong đó, 2 lễ hội tiêu biểu là hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội - nơi sản sinh ra người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng, khai hội mùng 8 Tết Âm lịch và hội Gióng ở đền Sóc, xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội) - tương truyền là nơi dừng chân cuối cùng trước khi Thánh Gióng về trời (mùng 6 Tết Âm lịch).

Những lễ hội mùa xuân nổi tiếng tại miền Bắc - Ảnh 3

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, Tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.

Lễ hội Lim - Bắc Ninh (Từ ngày 12 - 14 tháng giêng)

Hội Lim, Bắc Ninh là một lễ hội lớn ở vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, thuộc địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước gồm đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, bắt mắt. Du khách sẽ được mục sở thị các nghi lễ và trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm..

Lễ hội khai ấn Đền Trần - Nam Định (Từ 13 - 15 tháng Giêng)

Thường diễn ra từ ngày 14 tháng Giêng hàng năm, lễ hội đền Trần Nam Định (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) là một trong những lễ hội nhằm tri ân công đức 14 vị vua Trần.

Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.

Lễ hội Yên Tử - Quảng Ninh (Từ ngày 10 tháng giêng)

Lễ hội Yên Tử hàng năm thu hút hàng vạn Phật tử, tín đồ trong và ngoài nước. Hành hương về non thiêng Yên Tử, du khách thành kính dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm, tham dự lễ khai ấn “Dấu thiêng Chùa Đồng” cùng các hoạt động văn hóa dân gian như múa rồng lân, võ thuật cổ truyền…

Hội xuân Yên Tử mở màn vào ngày 10 tháng Giêng tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử.

Lễ hội Bà chúa Kho (ngày 14 tháng Giêng)

Đây cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14-1 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) "cầu tài phát lộc".

Những lễ hội mùa xuân nổi tiếng tại miền Bắc - Ảnh 7

Theo truyền thuyết, Bà chúa Kho là người phụ nữ chịu khó, sau khi lấy vua nhà Lý, bà xin vua cho về vùng Vũ Ninh chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, tổ chức sản xuất ở 72 trang ấp. Bà còn trông nom kho lương thực, bảo quản tốt quân lương trong và sau chiến thắng quân Tống ở sông Như Nguyệt (sông Cầu) năm 1076.

PV - Tổng hợp

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Du xuân mùa lễ hội

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc