top-banner-2

Thứ sáu, 14/05/2021, 09:54 GMT+7

10 bước để con lớn quen với việc có em

Viết bởi Đức Lợi   
Thứ sáu, 14/05/2021, 09:54 GMT+7

Bố mẹ cần nói với con về em nhỏ sắp chào đời, cho con được ru em ngủ, dành cho con không gian riêng mà không có em bé.

Trẻ nhỏ sẽ không hiểu ý nghĩa của việc chia sẻ cho tới khi chúng được 3,5 tới 4 tuổi. Con sẽ gặp sự xáo trộn tâm lý khi không chỉ phải chia sẻ đồ chơi mà cả bố mẹ vì có em. Để tạo tiền đề cho con hòa nhập và xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa cặp anh chị em, bố mẹ có thể làm theo các bước dưới đây.

1. Nói với con về em bé sắp chào đời

Mục tiêu của cha mẹ là biến các con trở thành bạn trước khi em bé chào đời. Cha mẹ cần thành thật và giải thích với con rằng lúc em vừa chào đời sẽ ngủ, ăn và khóc, không chơi cùng con ngay lập tức.

Hãy để con tương tác với em bằng cách "nói chuyện với bụng của mẹ", vỗ về em bé trong bụng hoặc tự cảm nhận em bé đang đạp. Hãy cùng con lên kế hoạch vui chơi với em khi em chào đời.

Nếu cần thay đổi phòng của con, nên làm trước khi con nhỏ chào đời. Như vậy, đứa trẻ sẽ không cảm thấy mình bị thay thế.

2. Đừng lấy em bé ra làm cái cớ

Hãy cẩn thận khi lấy con nhỏ để viện cớ cho việc bạn không thể làm điều gì - kể cả đó là sự thật.

"Chúng ta không thể tới công viên vì em bé đang ngủ", "Mẹ không thể giúp con, mẹ phải chăm em". "Trật tự đi, con sẽ làm em thức giấc đấy"... là những câu khiến con lớn nghĩ rằng nguồn gốc của mọi bất hạnh là do em. Vì thế, con sẽ ghét bỏ em mình, thậm chí có hành động gây tổn thương cho em. Vì thế, bạn hãy lấy lý do khác hoặc tốt nhất đừng sử dụng cụm từ nào liên quan tới em bé.

3. Giữ lịch sinh hoạt đều đặn

Có thêm một đứa trẻ sẽ khiến hầu hết các gia đình rơi vào cảnh bận rộn, việc nhà chất đống và rối tung. Tuy nhiên, nên cố gắng duy trì một lịch trình đều đặn để giúp con lớn bớt lo lắng. Hãy đảm bảo con được tham gia vào mọi hoạt động chúng vẫn làm khi chưa có em, thức dậy và đi ngủ đúng giờ.

4. Thừa nhận cảm xúc của con

Đừng bao giờ bỏ qua cảm xúc của con bạn hoặc la mắng để khiến chúng nổi giận. Con rất dễ bộc lộ cảm xúc tiêu cực hoặc thậm chí biến nó thành hành động. Thay vào đó, bố mẹ hãy để con biết bạn hiểu cảm xúc con đang trải qua. Bạn cần khẳng định với đứa trẻ, dù thế nào chăng nữa, bố mẹ vẫn yêu con và khuyên trẻ nói với bạn mỗi khi chúng cảm thấy tức giận.

Nếu bạn nghe thấy con nói những câu như "Con ghét em bé", đừng nói rằng con đã sai. Dù câu nói này nghe rất đau lòng, nhưng bố mẹ không nên cố ép trẻ phải yêu thương em mình. Thay vào đó, nên nói với con cảm xúc của nó là bình thường và hy vọng cảm xúc ấy sẽ sớm qua đi. Sự thừa nhận sẽ làm giảm bớt cảm xúc tiêu cực của con bạn.

5. Tặng quà

Chắc chắn trẻ sơ sinh sẽ được tặng nhiều quà và điều này sẽ làm con lớn buồn khi em bé có quà còn mình thì không. Vì thế, thi thoảng hãy tạo bất ngờ cho đứa lớn của bạn bằng một món quà hoặc nhiều hơn.

Món quà không cần quá to tát vì chỉ cần bạn tặng quà sẽ khiến con biết mình được yêu thương. Bạn cũng có thể để con bóc quà cho em bé và thử trước.

10-buoc-de-con-lon-quen-voi-viec-co-em-1

Ảnh: Shutterstock

6. Khuyến khích cùng chăm em

Khuyến khích con lớn chăm con nhỏ, nhưng đừng thúc giục nếu con không muốn. Hãy thường xuyên nói về vai trò quan trọng của một người anh, người chị trong gia đình để xem con có muốn lấy tã, sữa, chọn quần áo hay đưa nôi cho em.

Bạn nên thử dạy con lớn cách đi tất, lấy sữa cho em. Chúng sẽ cảm thấy tự hào vì sự "trưởng thành" của mình, với các nhiệm vụ được giao phó.

7. Quan tâm con lớn hơn

Cha mẹ nên phân nhau chăm con nhỏ trong ngày và thời gian còn lại dành cho con lớn. Hãy cho con quyền chọn chơi gì, làm gì cùng bố mẹ trong khoảng thời gian đó.

Bạn cũng nên tạo không gian riêng tư cho con mà không có em bé, đặc biệt là khi em bé biết bò và phá đồ chơi của anh chị. Ở đó con lớn sẽ được dùng những thứ mà chúng không cần phải chia sẻ với em mình.

8. Dạy con chơi với em an toàn

Trẻ có thể nghịch ngợm, quấy phá một cách tự nhiên, nên hãy dùng búp bê hoặc thú nhồi bông làm mẫu để dạy chúng cách chạm nhẹ vào em và bế em.

Hướng dẫn bé cách xoa lưng, ôm em đúng cách. Nói với đứa lớn rằng cách tiếp xúc như vậy sẽ giúp em dễ chịu.

9. Chứng minh em bé là người thật

Hãy cho con biết em bé là một con người nhỏ bé có nhu cầu và mối quan tâm riêng. Giải thích với nó rằng đứa em sơ sinh cần sữa, tã và ngủ nhiều, có thứ em thích và không thích. Nếu em làm điều gì đó không hay thì đó không phải là do em cố ý. Trẻ cũng hào hứng khi đoán em quần áo em thích và đồ chơi mà em cần.

Cho con bạn xem những bức ảnh thơ ấu của nó cũng là ý tưởng tuyệt vời. Bằng cách nhìn lại mình, trẻ dễ liên hệ với em bé mới chào đời.

10. Khẳng định các con đều đặc biệt

Dù bất cứ hoàn cảnh nào, bố mẹ cũng không nên so sánh các con, ngay cả về những chủ đề có vẻ ngây thơ như: cân nặng khi sinh, những từ đầu tiên của bé, mấy tháng thì bò hoặc đi, ai có nhiều tóc hơn...

Cũng đừng nói đứa này thông minh hơn, xinh đẹp hơn đứa kia - những điều dễ khiến trẻ ghen tị. Đảm bảo rằng những người khác như người lạ hoặc ông bà cũng không làm điều này.

Donggeul (Theo Brightside)

Link nguồn: https://ngoisao.net/10-buoc-de-con-lon-quen-voi-viec-co-em-4276985.html


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

10 bước để con lớn quen với việc có em

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc