Ma trận biến hóa các khoản nợ |
Viết bởi Thiên Bình | |
Thứ sáu, 17/01/2014, 19:39 GMT+7 | |
Các khoản nợ luôn song hành với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà việc xử lý đôi khi như làm xiếc trên dây. “Nhiều con nợ đã trở nên bất cần và thậm chí thách thức đi kiện”, chị T, giám đốc một công ty thực phẩm do Nhật đầu tư cho biết.
Rất nhiều phương án đã được đưa ra nhưng đều rơi vào bế tắc. Từ nhiều tháng nay chị T. cùng với một số cổ đông người Nhật ngược xuôi từ Trung ra Bắc để… đòi nợ và thương lượng với khách hàng. Chị choáng váng cảm thấy gánh nặng đè lên vai trước những khoản nợ ghi nhận trên giấy đang dần trở nên vô vọng. Vừa tiếp nhận vai trò giám đốc kinh doanh không lâu, chị than: ban giám đốc trước vì quá ham doanh số, đã kinh doanh bất chấp rủi ro. Nhiều nhà cung cấp được cho nợ lên đến hàng trăm triệu đồng mà không qua thẩm định kỹ năng lực kinh doanh, tài sản. Khi số nợ quá lớn thì công ty của chị lại trở thành con tin của khách hàng. Nếu không cung cấp hàng nữa thì khách hàng trả nhỏ giọt và số nợ tiếp tục đẩy lên vì lãi mẹ đẻ lãi con. Nhưng kiện ra tòa thì các cổ đông Nhật không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến nhiều công ty góp vốn có tên tuổi của Nhật. Cuối cùng, chị phải nhờ đến công ty thu hồi nợ mới giải quyết được. Tuy nhiên, công ty của chị cũng bị thiệt đơn thiệt kép. Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Công ty Gốm Xinh có lẽ khó quên chuyện nợ nần với Công ty Thủy sản B.A trước đây. Đảm nhận phần trang trí nội thất cho tòa nhà B.A với trị giá không đầy 100 triệu đồng, nhưng hành trình đòi nợ khiến Gốm Xinh mất đúng… 2 năm! Tất cả nằm ở chuyện hợp đồng của công ty với B.A không ràng buộc thời hạn thanh toán. Khi Công ty B.A rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, cực chẳng đã, ông Tú đành cho nhân viên đúng ngày mùng 5 Tết đến gõ cửa nhà tổng giám đốc, “đánh” vào tâm lý năm mới không muốn bị đòi nợ. May là “chiêu” này có tác dụng. Không cứ Gốm Xinh, nhiều doanh nghiệp khác cũng phải tìm cách khéo léo xử lý nợ. Bằng các kỹ thuật khác nhau, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã chuyển toàn bộ các khoản nợ nần trong lĩnh vực bất động sản cho Công ty Đầu tư bất động sản An Phú. Đây là phương thức tái cấu trúc doanh nghiệp bằng cách chuyển các hoạt động kinh doanh kém hiệu quả sang một doanh nghiệp độc lập phụ trách, tách ra khỏi mảng kinh doanh chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Mặc dù hiện nhiều người vẫn xem An Phú là công ty con của HAG nhưng An Phú đã bắt đầu chào bán cổ phiếu và trong tương lai sẽ tách khỏi quan hệ sở hữu với HAG. Ban lãnh đạo HAG có nhấn mạnh đến chuyện phát triển một doanh nghiệp chuyên biệt tham gia phân khúc căn hộ giá rẻ sẽ giúp hoạt động kinh doanh bất động sản của Tập đoàn thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đằng sau đó, ai cũng hiểu rằng tách được các khoản mục bất động sản ra khỏi HAG đồng nghĩa với việc báo cáo tài chính của HAG giảm được rất nhiều nợ. Và hiển nhiên, HAG nếu có vay ngân hàng sẽ dễ dàng hơn và với mức lãi suất thấp hơn, do không có rủi ro nợ xấu. Thậm chí, sẽ còn tốt hơn nữa nếu doanh nghiệp vay nợ qua phát hành trái phiếu chuyển đổi bắt buộc. Chẳng hạn REE đã phát hành 577,8 tỷ đồng trái phiếu cho Platinum Victory và dự kiến được chuyển đổi thành 26,3 triệu cổ phiếu vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Mặc dù có khả năng giảm tỉ lệ sở hữu, nhưng REE đã chuyển hóa vai trò giữa chủ nợ và con nợ thành những đối tác đứng chung cùng hưởng lợi hay cùng chịu rủi ro. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, thì chỉ có các công ty lớn mới đủ khả năng thực hiện phương cách chuyển nợ một cách linh hoạt như trên. Các công ty nhỏ và vừa nên phòng thân thì hơn: không dùng nợ ngắn hạn để tài trợ cho các dự án dài hạn; sử dụng vốn hay khoản nợ vay đúng mục đích và cuối cùng luôn trữ sẵn một khoản tiền mặt để giúp trang trải trong những thời điểm khó khăn. Minh Phương (Nguồn: Doanh nhân) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|