Phía sau câu chuyện bán mình của Forbes |
Viết bởi lehang |
Thứ sáu, 17/01/2014, 09:33 GMT+7 |
Trong khi bản in của tạp chí suy sụp, thì lượng truy cập trên website Forbes lại tăng vọt... Đầu tháng 11/2013, nhà báo Christine Haughney phụ trách mảng truyền thông của tờ New York Times có một bài viết về tạp chí Forbes và Giám đốc điều hành (CEO) của tờ này là Mike Perlis. Bài báo cho hay, ông Perlis đã có công cứu Forbes, tờ tạp chí kinh doanh gần 100 năm tuổi, bằng những cách thức tài tình nhằm giúp tờ tạp chí in thích nghi được với kỷ nguyên kỹ thuật số. Trong những cách thức cứu tờ Forbes của CEO Perlis được tác giả Haughney đề cập tới là “native advertising” mà theo cách lý giải được bài viết đưa ra là “sử dụng nội dung báo chí cho những mục đích quảng cáo”. Tác giả cũng đã trao đổi với nhiều nhà điều hành ở Forbes và được họ tiết lộ rằng, họ thấy cách làm của ông Perlis là mới mẻ. Bài báo của bà Haughney có đoạn viết: “Một số nhà quan sát đã nói rằng, những nỗ lực của ông Perlis là nhằm chuẩn bị cho việc bán Forbes”. Tuy nhiên, ông Perlis đã nhấn mạnh khi trao đổi với bà rằng, “Forbes không phải để bán”. Nhưng chỉ 5 ngày sau khi bài viết trên được đăng, cũng chính Haughney đã viết một bản tin nói tạp chí Forbes được rao bán, với lý do được đưa ra là Perlis đã thay đổi tờ báo quá nhiều. Theo bình luận trên tờ báo Anh Guardian, có lẽ, sự tài tình của ông Perlis chỉ nằm ở việc điều khiển thông tin thay vì điều khiển công ty. Forbes một thời được xem như tạp chí kinh doanh không mang nội dung quảng cáo, một cuốn “kinh thánh” cho các nhà điều hành doanh nghiệp tầm trung, đồng thời được định giá ở mức nhiều tỷ USD. Sau đó, cũng giống như nhiều tạp chí kinh doanh khác, Forbes bắt đầu trượt dài. Tuy nhiên, trong khi bản in của tạp chí suy sụp, thì lượng truy cập trên website Forbes lại tăng vọt, đưa Forbes trở thành một trong số ít những tờ báo in truyền thống tạo ra cảm giác về sự chuyển mình. Vào năm 2006, một quỹ đầu tư mạo hiểm ở Silicon Valley là Elevation Parters, đã mua lại gần một nửa cổ phần của Forbes, giúp tạp chí này giải tỏa cơn khát tiền mặt. Tuy nhiên, khi nhiều trang mạng tin tức khác như Huffington Post, Business Insider và Buzzfeed - dù không có dòng tiền lớn đổ vào nhưng lại có lượng truy cập tăng mạnh - bắt đầu thu hút sự chú ý và được đánh giá cao, Forbes lại tiếp tục sa sút. Các đối tác góp vốn từ Elevation Parters chẳng mấy chốc có những phát biểu đầy tiêu cực về khoản đầu tư mà họ đã rót vào Forbes. Theo Guardian, có vẻ như Forbes đã vận dụng nhiều sách lược, nhưng có lẽ một phần do thiếu kỷ luật và quyết tâm trong vấn đề định vị thương hiệu và điều hày, tạp chí này đến nay đã để mất nhận diện của chính mình. Học theo cách của trang Huffington Post, Forbes đã xây dựng một lực lượng các công tác viên miễn phí, với nhiều người trong số đó bị xem là có phong cách viết lách buồn tẻ và hiểu biết nửa vời. Ở lĩnh vực “native advertising”, Forbes cũng học theo trang Buzzfeed, thậm chí còn làm mạnh hơn, khi không cần những hạn chế và trở thành một “chợ mở” để bán mặt trang cho các nội dung quảng cáo. Guardian bình luận, giờ đây, có lẽ Forbes đang ở vào thời kỳ đỉnh cao của “native advertising”, và tờ tạp chí này đã sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để tồn tại. Trước đó, Financial Times dẫn nguồn tin thân cận cho biết, sau khi Forbes Media, công ty truyền thông gia đình nắm quyền sở hữu tạp chí Forbes, rao bán tờ tạp chí này vào tháng 11, đã có khoảng 18 nhà đầu tư ra giá chào mua. Trong đó, 6 ứng cử viên tiềm năng nhất là những người trả mức giá cao nhất dao động từ 350-475 triệu USD. Theo dự kiến, các nhà đầu tư trong danh sách rút gọn sẽ đưa ra mức giá chào mua lần cuối trong thời gian từ nay đến cuối tháng 1. Khi đó, tiến trình đấu giá sẽ kết thúc, đồng nghĩa Forbes tìm ra được vị chủ nhân mới. Vào tháng 11, Forbes tuyên bố đã thuê ngân hàng Deutsche Bank tư vấn cho việc “bán mình”. Ông Steve Forbes, 66 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng biên tập của Forbes hiện tại, là cháu nội của nhà sáng lập tờ tạp chí. Việc tạp chí Forbes được chính gia đình sáng lập rao bán diễn ra trong bối cảnh ngành xuất bản báo in của thế giới lâm vào giai đoạn khó khăn do doanh thu quảng cáo giảm, lượng phát hành sa sút, và mức độ phổ biến ngày càng gia tăng của các loại hình truyền thông phi truyền thống. Trong vòng 3 năm trở lại, một loạt tờ tạp chí nổi tiếng gồm BusinessWeek, Newsweek và Maxim đã bị bán với mức giá “rẻ mạt”. Theo số liệu của Cục Thông tin các nhà xuất bản Mỹ, năm ngoái, doanh thu quảng cáo của Forbes là 275 triệu USD, giảm 19% so với năm 2008. Trong khi đó, số lượng người truy cập vào trang web của tạp chí này tăng lên mức 26 triệu từ 12 triệu vào năm 2006, theo dữ liệu của ComScore do Forbes trích dẫn. Theo VnEconomy
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|