Khai mở thị trường vốn Việt Nam qua nâng hạng lên thị trường mới nổi |
Viết bởi ducanh |
Thứ sáu, 01/03/2024, 09:07 GMT+7 |
Ngân hàng Thế giới ước tính việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) có thể mang lại lên tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030. Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các lãnh đạo DN, chuyên gia bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK (TTCK) năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Quyết liệt thực hiện mục tiêu nâng hạng Đây là nhận định của ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 28/2. Chuyên gia của WB đánh giá rất cao việc Chính phủ đã ban hành Quyết định 1726 về Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Quyết định nêu ra những mục tiêu quan trọng và giải pháp thực hiện để đạt được những mục tiêu đó. WB hỗ trợ các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBCKNN trong việc xây dựng Chiến lược thông qua việc đóng góp ý kiến vào các dự thảo. Đại diện WB cho rằng, đây là quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển thị trường thông qua chiến lược được soạn thảo kỹ càng và nay là kế hoạch thực hiện chi tiết. WB cũng ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của Ủy ban Chứng khoán, các Sở giao dịch Chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký Bù trừ trong việc tìm kiếm các giải pháp nâng hạng thị trường. Khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược phù hợp với tham vọng lớn hơn là chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi tốc độ tăng trưởng thực tế bình quân đầu người hàng năm khoảng 5,95% trong hai thập kỷ tới, có nghĩa là mức tăng trưởng thực tế phải cao hơn mức này vì tính đến mức tăng dân số. Mục tiêu tham vọng này phụ thuộc vào việc tận dụng hiệu quả thị trường tài chính để dẫn vốn đầu tư tới các mục tiêu kinh tế này, trong đó thị trường vốn đóng vai trò rất quan trọng. Cụ thể, TTCK đã đạt được mức vốn hóa khoảng 6 nghìn tỷ (USD 247 tỷ) (khoảng 57 phần trăm GDP) vào năm 2023 và thậm chí từng đạt kỷ lục 93% GDP vào năm 2021. Hiện tại, Việt Nam được MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên (FM). Cho đến nay, thị trường Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số FM (hơn 30% tổng tài sản quản lý) và đã đạt đến giới hạn có thể kỳ vọng trong rổ chỉ số cận biên. Kể từ tháng 9 năm 2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ. Việc nâng hạng TTCK sẽ là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam vốn sẽ được coi là có khả năng tiếp cận thị trường thỏa đáng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có mức vốn hóa đạt quy mô cũng như tính thanh khoản hấp dẫn ngang hàng với nhiều nước đang phát triển có trình độ phát triển tương tự như Việt Nam. Ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của Ngân hàng Thế giới Việt Nam (WB) phát biểu Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Nhiều việc cần triển khai để nâng tầm thị trường vốn WB ước tính việc nâng hạng TTCK có thể mang lại lên tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030, với một số điều kiện quan trọng. Thứ nhất, Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI. (WB đánh giá cao và đồng ý với cách tiếp cận hiện tại của SSC là ưu tiên được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp bởi FTSE Russell trước; tuy nhiên, cần lưu ý rằng phần lớn vốn đầu tư mới sẽ đến từ việc nâng hạng bởi MSCI). Thứ hai, xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL). Giải pháp bao gồm: cải thiện công bố thông tin, tăng tiếp cận với các cổ phiếu đã đạt đến giới hạn và quan trọng nhất là tăng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN)) và sự hiện diện của đợt chào bán cổ phần lớn, bao gồm cả việc tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn. Nếu FOL vẫn là một hạn chế, Việt Nam có thể sẽ chỉ nhận được dòng vốn vào ròng tối đa 5 tỷ USD vì thị trường lúc đó chỉ chiếm chưa đến 1% chỉ số EM toàn cầu. Nhưng nếu FOL được giải quyết hoàn toàn, tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số EM có thể tăng hơn 1% và điều này có thể mang lại thêm 8 đến 15 tỷ USD. Thứ ba, cần có một môi trường đầu tư lành mạnh trên toàn cầu để Việt Nam cũng có thể tận hưởng sự tăng trưởng tự nhiên của đầu tư toàn cầu vào thị trường mới nổi, ước tính tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm 8 đến 12 tỷ USD đầu tư cho đến năm 2030. Chuyên gia cao cấp của WB cũng nhấn mạnh rằng, việc phát triển cơ sở nhà đầu tư trong nước rất quan trọng để đồng hành và cân bằng dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó sự đa dạng hóa đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội (bởi VSS) là chìa khóa. Hơn nữa, những cải cách trong ngành bảo hiểm và quỹ đầu tư nếu được thực hiện đúng cách có thể mang lại thêm 28 tỷ USD cho khu vực doanh nghiệp thông qua thị trường vốn. Nhu cầu đầu tư ngày càng tăng ở Việt Nam cho thấy nhu cầu phải đi kèm với các sản phẩm tài chính chất lượng cao, đặc biệt là cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ sinh thái lành mạnh, bao gồm sự giám sát chặt chẽ, công bố thông tin rõ ràng và xếp hạng tín dụng đáng tin cậy... "WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên tất cả các mặt trận này", chuyên gia Ketut Ariadi Kusuma khẳng định. (nguồn: baochinhphu.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|