Phát triển thương mại Việt-Trung thông qua các sở giao dịch hàng hóa |
Viết bởi ducanh |
Thứ sáu, 08/03/2024, 08:58 GMT+7 |
Trong 2 ngày 6-7/3/2024, đại diện Bộ Công Thương, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Sở Giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc để hoạch định chiến lược hợp tác phát triển thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam - Trung Quốc một cách toàn diện. Chia sẻ kinh nghiệm quản lý và tổ chức thị trường Sở Giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) được thành lập vào tháng 2/1993, là một trong ba sở giao dịch hàng hóa lớn nhất tại Trung Quốc. Với lịch sử phát triển lâu đời, cùng hệ thống tổ chức vận hành bài bản, hiện DCE nằm trong top 10 Sở giao dịch hàng hóa lớn nhất trên thế giới. Đây là lần đầu tiên DCE có các buổi làm việc chính thức với các cơ quan, đơn vị đang tổ chức và vận hành thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, từ đó mở ra cơ hội hợp tác đầy tiềm năng giữa thị trường Việt Nam và Trung Quốc. Bộ Công Thương và Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đón tiếp và làm việc với Sở Giao dịch hàng hóa Đại Liên Tại trụ sở Bộ Công Thương, DCE chia sẻ rất nhiều nội dung quan trọng về các chính sách, quy định mà Chính phủ Trung Quốc đã và đang áp dụng trong công tác quản lý và tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa. Ông Ran Hua – Chủ tịch DCE cho biết: “Hành lang pháp lý là nền tảng để thị trường giao dịch hàng hóa phát triển ổn định và bền vững. Với sự biến động không ngừng của thị trường, các chính sách, quy định cần được điều chỉnh nhanh chóng và kịp thời để theo kịp tốc độ phát triển của thế giới”. Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng nghị định mới, thay thế Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP nhằm hoàn thiện khung hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Thị trường Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, nên các kinh nghiệm DCE chia sẻ rất quý báu, có thể nghiên cứu, áp dụng trong công tác quản lý, tổ chức thị trường tại Việt Nam. Tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực Đối với công tác điều hành thị trường, DCE đã có những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với Bộ Công Thương và MXV trong việc triển khai các nghiệp vụ như: Quản lý giao dịch, quản lý rủi ro, bù trừ giao dịch, bảo hiểm giá,... Tại Trung Quốc, các hợp đồng đầu tiên được niêm yết trên các sở giao dịch hàng hóa chủ yếu thuộc nhóm nông sản. Các mặt hàng nông sản chủ lực được giao dịch chính như lúa mì, ngô, đậu tương… từ lâu đã được Chính phủ Trung Quốc đề cao với tầm quan trọng chiến lược trong việc phát triển kinh tế. Các hợp đồng ngô, đậu tương của DCE liên lục là những sản phẩm dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên thế giới. Chia sẻ trong buổi làm việc, ông Đặng Việt Hưng, Tổng Giám đốc MXV cho biết: “MXV đã và đang phối hợp với các tổ chức, bộ, ban, ngành liên quan, xây dựng các sàn giao dịch hàng hóa chuyên biệt cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Trước mắt, sẽ sớm triển khai giao dịch Sàn giao dịch cao su và Sàn giao dịch thịt heo tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Sở Giao dịch hàng hóa Đại Liên làm việc tại trụ sở của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam Các sản phẩm này cũng đều có sự liên quan, giao thương với thị trường Trung Quốc. Trung Quốc hiện là thị trường sản xuất thịt heo và nhập khẩu cao su lớn nhất trên thế giới. “DCE và MXV có tiềm năng hợp tác để kết nối giao dịch liên thông, niêm yết chéo sản phẩm giữa hai sở. Các thương nhân Trung Quốc có thể mua các sản phẩm hàng hóa vật chất thế mạnh của Việt Nam được tiêu chuẩn phù hợp và do MXV niêm yết trên các sàn giao dịch chuyên biệt”, ông Ran Hua khẳng định. Bên cạnh đó, DCE cho biết sẽ sẵn sàng cử các chuyên gia hàng đầu tới Việt Nam để chia sẻ, cung cấp các kiến thức và kinh nghiệm cho thị trường giao dịch hàng hóa. Đồng thời, DCE cũng sẽ phối hợp với MXV tổ chức các hội thảo quốc tế với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới. Hội thảo là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ giao dịch hàng hóa thế giới. Phát triển thương mại và logistics cảng biển Cũng trong ngày 7/3, DCE đã cùng MXV thảo luận với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) về kế hoạch phát triển giao nhận hàng hóa vật chất tại Việt Nam. Cả MXV và DCE đều khẳng định giao nhận hàng hóa vật chất là một phần không thể thiếu trong mô hình hoạt động của bất kỳ thị trường giao dịch hàng hóa nào và là nghiệp vụ quan trọng, bảo đảm sự liền mạch trong hoạt động giao dịch hàng hóa. Sau những trao đổi tích cực, ba bên đã cùng tới thăm cảng Hải Phòng. Với vị trí địa lý thuận lợi, hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu tại các cảng biển của Việt Nam đã phát triển sôi động kể từ đầu những năm 2000. Trong đó, cảng Hải phòng là hệ thống cảng biển lớn với 50 bến cảng, các bến có khả năng đón tàu hơn 130.000 tấn, đưa hàng hóa từ Hải Phòng đến thẳng các châu lục. Với sự đầu tư kỹ lưỡng và hoạt động chuyên nghiệp, cảng Hải Phòng được đánh giá có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ logistics, hướng tới trở thành trung tâm logistics khu vực và quốc tế trong tương lai. Sở Giao dịch hàng hóa Đại Liên cùng Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam làm việc với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Việc hợp tác giữa MXV, DCE, VIMC và cảng Hải phòng sẽ tạo tiền đề vững chắc giúp thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam phát triển toàn diện. Đây là yếu tố cần thiết và quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế và thương mại của đất nước, nâng tầm vị thế và là bệ phóng giúp hoạt động giao dịch hàng hóa Việt Nam vươn tầm ra quốc tế. (nguồn: baochinhphu.vn) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|