top-banner-2

Thứ sáu, 08/12/2023, 09:52 GMT+7

Chuyển dịch mô hình kinh doanh của ngân hàng từ đóng sang mở

Viết bởi ducanh   
Thứ sáu, 08/12/2023, 09:52 GMT+7

Chiều ngày 7/12, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Vụ Thanh toán và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) thuộc Ngân hàng Nhà nước tổ chức “Hội thảo Ngân hàng mở/ Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở”.

chuyen-dich-mo-hinh-kinh-doanh-cua-ngan-hang-tu-dong-sang-mo

Chuyển dịch mô hình kinh doanh của ngân hàng từ đóng sang mở- Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN khẳng định: "Chuyển đổi số giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách hợp lý hóa và tự động hóa các quy trình; cải thiện khả năng sẵn sàng cho tương lai cũng như nâng cao trải nghiệm của khách hàng".

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2020 và định hướng đến 2030 có các định hướng về chuyển đổi số gồm: mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ và phát triển dịch vụ ngân hàng gắn liền với các lợi thế, công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 với một số nội dung chủ yếu như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo hệ sinh thái đồng bộ cho các ngân hàng và công ty Fintech phát triển... 

Một trong những công nghệ đột phá gắn với CMCN 4.0 cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (open API) được một số ngân hàng Việt Nam nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào hoạt động thanh toán, nhận biết khách hàng điện tử, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo.

Chuyển dịch mô hình kinh doanh của ngân hàng từ đóng sang mở- Ảnh 2.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán (NHNN) phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/

Open Banking – Open API là một lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Các thách thức, khó khăn khi triển khai Open API không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là thay đổi nhận thức và thay đổi khung pháp lý. Việc triển khai thành công khung pháp lý cho Open API sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng Fintech cung cấp các dịch vụ sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng theo kịp với sự phát triển trên toàn thế giới về cung cấp dịch vụ ngân hàng.

"Để làm được câu chuyện thanh toán hoá đơn liền mạch như hiện nay, ngành điện phải mất khoảng 5 năm để tổng hợp số liệu và cho phép các ngân hàng tích hợp vào dữ liệu đó", ông Phạm Tiến Dũng dẫn ví dụ.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng thông tin thêm, VietinBank và BIDV đã tiên phong triển khai Open API, cho phép các đối tác kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu… Tuy nhiên, việc phát triển Open API đang diễn ra một cách cục bộ, ở từng ngân hàng chứ chưa có chuẩn chung.

Chuyển dịch mô hình kinh doanh của ngân hàng từ đóng sang mở- Ảnh 3.

Đại diện các chuyên gia, lãnh đạo DN thảo luận tại “Hội thảo Ngân hàng mở/ Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở” - Ảnh: VGP/HT

Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: VietinBank triển khai Open API từ năm 2017. Khi áp dụng áp dụng ngân hàng mở, VietinBank đã thiết lập hệ sinh thái phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, mở rộng dịch vụ sản phẩm, khai thác tệp khách hành mới. Đặc biệt, trải nghiệm giao dịch tài chính của khách hàng được nâng cao, tiết kiệm chi phí giao dịch qua trung gian, quản lý tài chính tốt hơn.

Chia sẻ về bức tranh tổng thể, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết: "Có 72,3% tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang dự tính triển khai các API, trong đó 47,6 % đã xây dựng các API để cho các bên thứ ba kết nối (external API). Khoảng 65% các TCTD sẵn sàng triển khai Open API, trong đó trên 30% TCTD có mức độ sẵn sàng cao đối với Open API. Nhiều TCTD đã xây dựng các API cho phép các bên thứ ba kết nối, triển khai API Portal để các đối tác có thể kết nối vào hệ sinh thái ngân hàng".

Tuy nhiên, đại diện Vụ Thanh toán NHNN nêu một số vấn đề về quản trị dữ liệu, an toàn bảo mật, nền tảng và chuẩn dữ liệu kỹ thuật. Trong đó, an toàn bảo mật đòi hỏi có sự tương thích hạ tầng công nghệ, cơ chế bảo mật an toàn thông tin giữa các ngân hàng với bên thứ ba. Hạn chế nguy cơ lộ, lọt dữ liệu, thông tin khách hàng trong bối cảnh xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ tấn công hệ thống thông tin hoặc nền tảng dùng chung.

Một số ngân hàng cần chỉnh sửa, nâng cấp hệ thống giải pháp ngân hàng lõi (corebanking) để cho phép kết nối qua Open API, chưa có các tiêu chuẩn chung về kỹ thuật, dữ liệu.

Ông Phạm Anh Tuấn đề nghị: "Cần tiếp tục rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) các nội dung về: giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; bảo mật thông tin, dữ liệu khách hàng; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ, cung ứng sản phẩm dịch vụ và triển khai mô hình kinh doanh mới".

Các đơn vị cũng cần tiếp tục nâng cấp phát triển, tăng cường tính an toàn bảo mật và khả năng tích hợp kết nối của các hạ tầng công nghệ của toàn ngành như: hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.... ;khuyến khích các TCTD, trung gian thanh toán nâng cấp hệ thống CNTT và xây dựng, phát triển API mở và kết nối với các đối tác để cung ứng sản phẩm dịch vụ an toàn, tiện ích...

Thảo luận tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết: "Trong mô hình ngân hàng mở có 3 chủ thể chính tham gia gồm Ngân hàng; bên thứ 3 cung cấp dịch vụ được kết nối thông qua Open API vào hệ thống ngân hàng để chia sẻ thông tin cung cấp dịch vụ cho khách hàng; khách hàng sử dụng dịch vụ".

Thông qua giao diện Open API, hệ thống ngân hàng có thể kết nối, cung cấp toàn bộ cho các chủ thể của nền kinh tế, không chỉ giới hạn trong ngành fintech, tài chính mà còn đến các công ty bán lẻ, công ty dịch vụ logistic, từ đó cung cấp dịch vụ ngân hàng cho toàn thể người dân.

Đại diện NAPAS cho hay, các ngân hàng đang triển khai Open API đem lại dịch vụ tiện ích và hiệu quả tốt cho người dân cũng như khách hàng. Điểm thuận lợi là sự quan tâm của toàn ngành sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ ngân hàng mở trong tương lai

Bên cạnh thuận lợi, lãnh đạo NAPAS cũng phân tích về khó khăn trong việc phát triển ngân hàng mở. Thứ nhất, cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, đặc biệt trong việc chia sẻ và bảo mật thông tin. Các ngân hàng và các bên có thể an tâm về việc chia sẻ dữ liệu, dữ liệu nào được chia sẻ, bảo mật.

Thứ hai, cần có tiêu chuẩn chung. Hiện nay, ngân hàng triển khai theo tiêu chuẩn riêng của mình, còn các trung gian thanh toán tự thỏa thuận với nhau. Tuy vậy, để triển khai mạnh trên thị trường thì cần có bộ quy tắc chung. Theo tôi không những cần có tiêu chuẩn chung mà còn cần tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ cung cấp, tiêu chuẩn về vận hành.

"Ví dụ khi giao dịch lỗi xảy ra thì sẽ ứng xử như thế nào và việc bảo đảm quyền lợi cho khách hàng sẽ tương ứng và có mặt bằng chung cho các bên tham gia cung ứng dịch vụ. Ngoài các quy chuẩn từ các cơ quan quản lý như NHNN, cần hướng tới có một đơn vị vận hành chung, vận hành như một điểm kết nối, đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết, tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ, tiêu chuẩn vận hành, ứng xử của các bên khi có vấn đề xảy ra", đại diện NAPAS phân tích.

(nguồn: baochinhphu.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Chuyển dịch mô hình kinh doanh của ngân hàng từ đóng sang mở

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc