top-banner-2

Thứ sáu, 29/09/2017, 15:22 GMT+7

Doanh nghiệp gia đình và bài toán 'người nhà'

Viết bởi Nam Anh   
Thứ sáu, 29/09/2017, 15:22 GMT+7

Vấn đề sử dụng người nhà có lẽ là điều không hiếm gặp trong doanh nghiệp gia đình. Nhiều người vẫn quan niệm, sử dụng người nhà thì có được sự an tâm và tin tưởng. Tuy nhiên câu chuyện của CEO Phạm Mạnh Tân có lẽ cho chúng ta một góc nhìn khác về vấn đề này.

Anh là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Ulytan- một trong những doanh nghiệp dịch thuật uy tín trên thị trường hiện nay, dịch thuật lên tới 60 ngôn ngữ với 146 chuyên ngành.

Chào anh Tân, cảm ơn anh đã dành thời gian cho độc giả của văn hoá doanh nghiệp. Chúng tôi được biết anh vốn học và làm việc tại Nga, sau đó trở về Việt Nam để xây dựng sự nghiệp phải không ạ?Tại sao anh lại quyết định quay trở về quê hương để lập nghiệp?

Chào bạn, xin chào các độc giả của văn hoá doanh nghiệp. Đúng là tôi học và làm việc tại Nga. Gia đình tôi sống tại thành phố Tolyatti, bố mẹ tôi cũng là những thương gia có tiếng những năm 90 trong cộng đồng người Việt tại Nga. Tuy nhiên đầu những năm 2000, khi kinh tế gặp nhiều khó khăn, gia đình tôi rơi vào khó khăn rồi phá sản. Tôi vốn đang được gia đình bao bọc thì lại phải tự bươn chải kiếm tiền phụ giúp gia đình và lo việc học cho mình. Đó là những năm cuối tôi học đại học tại thành phố Ulyanovsk. Sau khi tốt nghiệp, tôi cũng có một thời gian ngắn làm việc tại Nga để tích luỹ kinh nghiệm. Năm 2007, tôi trở về Việt Nam để lập nghiệp. Vì tôi luôn tâm niệm, phải lập nghiệp tại quê hương chứ không phải trên đất khách.

pham-manh-tan-vanhoadoanhnhan

CEO Phạm Mạnh Tân – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Ulytan

Từ những ngày đầu lập nghiệp, đến nay, doanh nghiệp của anh đã là một trong những đơn vị dịch thuật uy tín trên thị trường. Anh thấy khó khăn lớn nhất của mình trong một thập kỷ qua là gì ạ?

Khó khăn thì nhiều lắm (cười). Doanh nghiệp đầu tiên thành lập thì phá sản, do mình thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức và sự linh hoạt, bị học theo sách vở nhiều quá. Khởi nghiệp lần thứ hai tôi mới thành công. Tuy nhiên, nếu nói về khó khăn đáng nhớ nhất lại không phải là giai đoạn đầu khởi nghiệp mà là khi doanh nghiệp đã thành hình và bắt đầu phát triển. Đó là khoảng năm 2012, chúng tôi gặp vấn đề về nhân sự.

Doanh nghiệp về dịch thuật thì có lẽ liên quan tới nhân sự dịch thuật phải không ạ?

Không, thực ra trước đó gặp khó khăn nhiều nhưng là những vấn đề mình có thể lường trước và tự xử lý được. Nhưng vấn đề tôi nói ở trên lại là một vấn đề tế nhị, mình không lường trước được, và thực sự rất khó xử lý, đó là vấn đề sử dụng nhân sự là người nhà.

Thời điểm đó, khi doanh nghiệp bắt đầu đi vào ổn định, nhờ có mối quan hệ, tôi mở rộng kinh doanh sang một lĩnh vực mới đó là làm visa đi sang Cộng hoà Angola. Đây là lĩnh vực tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức nên thời điểm đó tôi có đưa một người em họ của mình lên để giúp tôi quản lý lĩnh vực dịch thuật vì vốn dĩ công ty lúc đó cũng đã đi vào ổn định.
Việc đưa người nhà vào hỗ trợ quản lý là điều mà nhiều doanh nghiệp gia đình thường làm.  Thậm chí nhiều người quan niệm việc sử dụng người nhà vào các vị trí chủ chốt thì yên tâm hơn sử dụng người ngoài phải không ạ?

Bạn nói không sai. Và tôi cũng đã từng quan niệm như vậy, thậm chí còn có tư duy không thuê người ngoài. Vì vậy, khi đưa người em họ đó về, tôi hướng dẫn về cách quản lý để đảm bảo doanh nghiệp chạy tốt. Từ quy trình ra sao, mời chuyên gia thế nào, tệp khách hàng ra sao và cho người em đó mọi quyền hành khi tôi vắng mặt. Tuy nhiên, sau một thời gian khi tôi quay lại kiểm tra thì có rất nhiều vấn đề phát sinh.

pham-manh-tan-vanhoadoanhnhan-2

Anh Tân và các nhân viên của mình tại Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Ulytan

Đó là vấn đề gì ạ? Và anh làm cách nào để phát hiện ra vấn đề đó?

Thực ra, khi xây dựng doanh nghiệp tôi đã đưa ra những cách đo lường cả về chất lượng bản dịch, về tài chính và các vấn đề quản lý một cách rất khoa học và bài bản nên sai là có thể lộ ra ngay. Thời gian đó tôi nhận thấy thái độ của các nhân viên có phần khác biệt, họ gần như có sự e dè hơn đối với người quản lý mới, một số người còn đột ngột xin nghỉ việc. Vì vậy linh tính mách bảo nên tôi rà soát lại các vấn đề của doanh nghiệp. Về chất lượng bản dịch vẫn được đảm bảo và phản hồi của khách hàng vẫn tốt nhưng về tài chính thì tôi thấy sổ sách có rất nhiều lỗ hổng, nhưng khi hỏi quản lý thì không có được câu trả lời thoả đáng.

Đây đúng là một vấn đề tế nhị và không dễ giải quyết.

Đúng như bạn nói, đây là vấn đề rất tế nhị vì nhân sự ở đây là người nhà. Lỗi đầu tiên là do bản thân mình không lường trước vấn đề này ngay từ đầu nên chưa có những quy định dành cho người quản lý và các chế tài cho vị trí này. Hơn nữa do mình quá tin tưởng nên đã cho người em đó nắm được toàn bộ những điểm cốt tử của doanh nghiệp, đây là một điều rất nguy hiểm. Nhưng nếu không giải quyết sớm vấn đề nhân sự này thì tài chính sẽ lạm phát, nhân viên sẽ lục đục, ảnh hưởng lớn tới công ty. Đúng là “ra đi mắc núi, ở lại mắc sông.”

Vậy anh đã làm như thế nào để trọn vẹn cả lý và tình?

Tôi cũng mất một khoảng thời gian để tìm ra phương án giải quyết. Cuối cùng, chỉ còn cách là giảm dần quyền lực của nhân sự đó. Còn bản thân tôi, thay vì tập trung 100% cho lĩnh vực mới, thì tôi dành nhiều thời gian hơn cho lĩnh vực dịch thuật để kiểm soát lại tình hình. Nhưng quá trình đó phải thật khéo léo và làm từ từ. Cùng với đó tôi nghiên cứu để vá lại các lỗ hổng về quản trị và điều hành của mình. Ví dụ như xây dựng cơ chế kiểm soát chéo  cho các quản lý bộ phận.

pham-manh-tan-vanhoadoanhnhan-3

Anh Tân tham gia chương trình CEO – Chìa khoá thành công trên VTV1
(chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp cùng HoàngGiaMediaGroup
và Tập đoàn Novaland thực hiện)

Và anh có tiếp tục sử dụng người nhà trong doanh nghiệp của mình nữa không?

Thực sự, với văn hoá của Á Đông thì sử dụng người nhà trong doanh nghiệp là rất khó. Bởi phần lớn đều không rõ ràng được giữa việc công và việc tư, dễ mang văn hoá gia đình áp đặt vào doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn tới rất nhiều hệ luỵ như doanh nghiệp sẽ thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu công bằng, thậm chí thiếu minh bạch.

Tuy nhiên, quan trọng nhất theo tôi vẫn là ở vị trí của CEO, người đó cần phải điều hành và quản lý minh bạch, công bằng. Phải xác định rằng dù là người nhà hay người ngoài đều phải đối xử công bằng như nhau, phải xây dựng được những quy định, chế tài rõ ràng để thưởng phạt phân minh, tránh tư duy “cả nể”.

Hiện doanh nghiệp của tôi vẫn có cả nhân sự người ngoài và người nhà nhưng ít người đoán được ra ai là người ngoài, ai là người nhà (cười). Vì tất cả đều được đối xử công bằng như nhau trong đại gia đình Ulytan.

Vâng, cảm ơn những chia sẻ của anh. Chúc anh cùng đại gia đình Ulytan của mình sẽ ngày càng phát triển và thành công.

PV

* Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Doanh nghiệp gia đình và bài toán 'người nhà'

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc