Thuê giám đốc tài chính chuyên nghiệp từ bên ngoài – Nên hay không? |
Viết bởi Nam Anh | |
Thứ bảy, 23/09/2017, 11:31 GMT+7 | |
Tài chính luôn là một trong những yếu tố then chốt cho sự tồn tại của DN. Bởi vậy, vấn đề nhân sự trong lĩnh vực này hết sức nhạy cảm, đặc biệt đối với vị trí lãnh đạo. Chính từ lẽ đó, việc thuê giám đốc tài chính (CFO) chuyên nghiệp từ bên ngoài vào, giữ vị trí “cầm cân nảy mực” luôn là một bài toán khó giải đối với nhiều doanh nghiệp. Một trong những xu hướng phổ biến trong các DNGĐ là họ thường muốn thành viên gia đình nắm giữ vị trí giám đốc tài chính (CFO) do tầm quan trọng và tính nhạy cảm vì công việc này liên quan trực tiếp đến việc quản lí tiền bạc của gia đình. Một CFO đúng nghĩa cần là một người giữ vai trò chủ chốt trong ban điều hành, là một người lành nghề và có khả năng tham gia vào việc lập kế hoạch chiến lược. Họ không chỉ kiểm soát tài chính, quản lí dòng tiền mà còn phải nắm bắt được các thay đổi về giá cả, thị trường hay biến động tiền tệ, quan hệ với giới tài chính ngân hàng. Điều hành dòng vốn trôi chảy hài hoà, giúp cho hoạt động SX và kinh doanh luôn thuận buồm xuôi gió và mạnh khoẻ. Dùng CFO chuyên nghiệp, có khả năng thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp… cũng là một xu hướng tất yếu góp phần nâng cao tính cạnh tranh và duy trì sự phát triển bền vững của DN. Đây cũng là một trong những biểu hiện cho tính chuyên nghiệp cao của một DN. Tuy nhiên trên thực tế, có được một CFO chuyên nghiệp, thậm chí là thuê người từ bên ngoài vào… đây chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với các DNGĐ. Anh Phạm Mạnh Tân - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại ULYTAN Chương trình CEO - Chìa khóa thành công của VTV1 lên sóng ngày 24/9/2017 với chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình – Bài toán người ngoài” sẽ đề cập tới vấn đề này thông qua câu chuyện của một doanh nghiệp gia đình hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Sau gần 20 năm gây dựng và phát triển, đến nay DN đã trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực này. Có được thành công đó một phần là nhờ quá trình luôn cải tổ, thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hóa trong bộ máy quản trị và điều hành của doanh nghiệp. Trong đó, bao gồm cả việc thuê được CEO giỏi từ ngoài vào. Vị CEO này đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của công ty và hiện đang nắm giữ một số cổ phần thưởng và trở thành một cổ đông nhỏ của công ty gia đình. Tuy nhiên, qua thời gian, CEO nhận thấy năng lực của vị trí Giám đốc tài chính (CFO) - do em vợ của Chủ tịch HĐQT nắm giữ gần 10 năm qua - bộ lộ nhiều hạn chế và không đáp ứng được những yêu cầu cao và chuyên nghiệp hơn về tài chính quản trị. CFO này chỉ thuần túy làm công tác ghi chép kế toán và quan hệ với cơ quan thuế chứ không tổ chức được công tác tài chính một cách hiệu quả, cũng không lập được các báo cáo quản trị kịp thời theo yêu cầu của ban điều hành. Chức năng tài chính cũng không trợ giúp hiệu quả việc thu xếp các nguồn vốn cũng như quản lý các luồng tiền và các rủi ro thanh khoản. Nhiều lúc doanh nghiệp rất bị động trong một số dự án lớn. Trước tình hình này, CEO và HĐQT đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp. CEO đề xuất thuê một giám đốc tài chính chuyên nghiệp từ bên ngoài. Tuy nhiên, đề xuất này của CEO đã gặp phải sự phản đối của các thành viên trong công ty. Bởi họ lo sợ người từ bên ngoài vào nắm vị trí nhạy cảm, nắm giữ và biết rõ hết những bí mật tài chính trong gia đình thì đó là điều không nên... Bởi vậy, các cổ đông nhất quyết không đồng tình với quan điểm của CEO. Ý kiến của CEO đã nhận được sự ủng hộ từ không ít khán giả fanpage chương trình. Bạn Bình Nguyên chia sẻ: “Chức năng tài chính hiện đại không chỉ dừng ở ghi chép dữ liệu và lập báo cáo, mà còn phải biết phân tích, cảnh báo, khuyến nghị và tham gia tư vấn cho lãnh đạo. Còn CFO hiện nay của DN mới dừng lại ở công việc của một kế toán trưởng. Bởi vậy việc thuê một CFO chuyên nghiệp từ bên ngoài là điều cần thiết, sẽ góp phần giúp DN bắt kịp với định hướng chiến lược đã được đề ra”. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhiều ý kiến lại tỏ ra đồng tình với quan điểm của các cổ đông. Bạn Đức Long khẳng định: “Đây là vị trí rất nhạy cảm vì nắm giữ và biết rõ những bí mật tài chính trong gia đình, bởi vậy chỉ nên do người nhà phụ trách. Giải pháp an toàn và tốt nhất là đào tạo giám đốc tài chính hiện tại nhằm góp phần bổ sung kiến thức và nâng cao trình độ”. Bạn Phương Anh cũng bày tỏ e ngại về việc “thuê một giám đốc tài chính chuyên môn quá cao trong khi HĐQT không có kiến thức chuyên sâu về tài chính để giám sát, theo dõi cũng sẽ mang đến nhiều hệ lụy như thất thoát tài chính…”. Anh Phạm Mạnh Tân và các cổ đông trong chương trình Những ý kiến trái chiều như vậy đã tạo nên một diễn đàn mở và hữu ích cho những ai theo dõi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công.
PV * Nội dung thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|