Bạn đã sẵn sàng làm... 'sếp'? |
Viết bởi ducanh |
Thứ sáu, 09/10/2015, 09:03 GMT+7 |
CEO Danny Meyer của Tập đoàn Union Square Hospitality – người sở hữu 25 nhà hàng nổi tiếng - thường nói với những nhân viên quản lý khi họ mới được đề bạt rằng họ vừa được tặng “món quà của lửa”. Là sếp, họ có thêm quyền lực mới và có uy hơn, nhưng Meyer muốn biết chắc họ học cách sử dụng đúng – và không đúng – món quà này. Lửa có thể dùng để sưởi ấm và mang lại sự ấm áp cũng như xua đi bóng tối. Lửa làm tăng chất dinh dưỡng và làm thức ăn đẹp mắt hơn. Khi được dùng để đốt lửa trại, lửa tạo ra không gian để con người tụ họp. Nhưng đôi khi lửa có thể gây bỏng – khi người lãnh đạo phải nói ra sự thật mất lòng. Không ít quản lý, lãnh đạo mới được thăng cấp - những người quản lý mới, các CEO lần đầu, và kể cả những thủ lĩnh đảng mới nhậm chức - sau khi nhanh chóng nhận lời đảm nhiệm cương vị mới mới bắt đầu tự hỏi mình đã nhận công việc gì. Trong bài viết trên trang hbr.com, Danny Meyer nêu một vài điểm mà bạn cần cân nhắc trước khi quyết định “nhảy” lên một vị trí mới. Đong đếm chi phí Làm sếp đồng nghĩa với việc được tham gia vào sân chơi thú vị hơn. Lương thưởng cũng cao hơn. Công việc phức tạp hơn cũng tăng sự hài lòng trong công việc. Và học cách lãnh đạo người khác cũng là cơ hội mới để phát triển bản thân. Nhưng những trách nhiệm mới cũng đòi hỏi phải từ bỏ những thú vui quen thuộc. Hãy nghĩ đến tương lai trước khi từ bỏ hiện tại. Chi phí lớn nhất là bạn sẽ mất đi bộ tộc và sự giản đơn. “Bộ tộc” là gì? Khi bạn làm sếp thì nhóm đồng nghiệp bằng vai phải lứa – “bộ tộc” của bạn sẽ không còn ngang vai với bạn nữa. Điều này có thể làm tan vỡ tình bạn quý báu bấy lâu. Hơn nữa, có khả năng bạn sẽ không thích những người đồng cấp mới. Hãy quan sát họ thật kỹ trước khi trèo lên ngang hàng với họ. Tương tự, khi bạn được trao nhiều quyền hơn cũng là lúc bạn ngầm đồng ý rằng kể từ thời điểm đó trở đi, lòng trung thành của bạn sẽ dành cho công ty nhiều hơn cho đồng nghiệp. Điều này sẽ làm mất lòng nhóm bạn cũ của bạn. Bằng lời nói hay thái độ, họ sẽ tỏ rõ sự căm ghét trước sự ra vẻ ta đây của bạn để mong biến bạn lại thành một người “đồng đẳng” với họ như trước. Nhưng bạn đang và sẽ không bao giờ là một người bằng vai phải lứa với họ. Bạn có chấp nhận được điều này không? Một trường hợp hãn hữu trong việc mất đi bộ tộc của mình là việc phải sa thải một trong những người trước đây là bạn mình. Bạn có thể làm được điều này không? Bạn có dám làm điều đó không? Khi cần, bạn có sẵn lòng mắng nhiếc người đó để đảm bảo duy trì lợi ích của công ty không? Bạn có dám giao cho người đó một công việc khó nhằn nếu đấy là điều cần làm không? Hãy thử mặc “chiếc áo” này xem. Hãy tưởng tượng những thời điểm cốt yếu bạn sẽ phải đối mặt và đòi hỏi bạn phải đặt ra những kỳ vọng và quy ước mới với những người từng ngang hàng với mình. Bạn có sẵn sàng đương đầu với tất cả những yêu cầu đi kèm với quyền uy mới này không? Sự giản đơn là như thế nào? Mọi chuyện sẽ không còn đơn giản chỉ là ý kiến của bạn nữa - giờ đây tất cả đều xoay quanh của chúng ta. Bạn sẽ đối mặt với một loạt những cân nhắc đánh đổi mới. Bạn không còn được đóng vai thường dân và đổ lỗi cho “lãnh đạo” được nữa – vì giờ đây bạn đã nằm trong nhóm “lãnh đạo” rồi. Bạn không thể chọn những quan điểm đơn giản như “khách hàng là ưu tiên số 1” vì bạn phải cân đối chi phí, chất lượng, thời gian, và các yếu tố khác. Khi bạn nhận vị trí quản lý là khi bạn rời bỏ thế giới của những điều giản đơn và bước vào thế giới của những điều phức tạp. Bạn sẽ phải bảo vệ những quan điểm mà chưa chắc bạn đã hoàn toàn đồng ý bởi vì giờ bạn đã là một thành viên trong ban lãnh đạo. Bạn đã sẵn sàng cho điều này chưa? Tham vấn chính nỗi sợ của mình Sợ hãi là điều hết sức bình thường. Nếu bạn không biết sợ thì bạn không nên được giao cầm lửa. Bạn có 2 lựa chọn khi đối mặt với những bồn chồn lo lắng – hoặc bạn che đậy hoặc bạn kết nối với chúng. Giả vờ tự tin hoàn toàn không phải là phương cách có hiệu quả. Nếu bạn lo lắng về thất bại hay bị chỉ trích thì đó là điều bình thường. Sự chân thật – trước hết là với chính bản thân mình và sau đó là với mọi người xung quanh – là cách đưa bạn đến sự thanh thản. Ví dụ khi bạn được giao dẫn dắt một đội các kỹ sư phần lớn đều giỏi hơn bạn thì điều tệ hại nhất bạn có thể làm là che giấu nỗi sợ bằng việc tỏ vẻ thông thái. Biểu hiện rõ nhất của sự tự tin là thoải mái với sự thật. Hãy thừa nhận nhưng không đào sâu khiếm khuyết của bản thân. Sau đó hãy tập trung vào những điểm mạnh của mình. Xem lại động cơ của bạn Nếu bạn đồng ý nhận làm quản lý, hãy nghĩ thật kỹ vì sao bạn lại đồng ý. Động cơ chính của bạn là tham vọng quyền lực hay muốn được đóng góp? Bạn muốn được ra oai hay là muốn làm việc tốt? Nếu bạn muốn có quyền lực để thoả mãn tham vọng của mình, sự lãnh đạo của bạn sẽ chỉ xoay quanh cái tôi cá nhân của bạn. Bạn sẽ không lấy được lòng tin thực sự của nhóm do bạn quản lý. Bạn khư khư giữ gìn quyền lực thay vì hào phóng sử dụng quyền lực đó. Bạn sẽ ám ảnh với việc mọi người tôn trọng bạn thay vì quan tâm đến làm điều đúng đắn. Và tất cả các yếu tố này sẽ kìm hãm sự bạo dạn và quyết đoán của bạn. Danny Meyer nói rằng món quà của lửa không phải là “quyền lực đối với ai đó” mà là “quyền lực để làm điều gì đó”. Công ty sẽ sẵn lòng giao quyền lực cho bạn nếu bạn muốn làm một người quản gia đắc lực thay vì làm một vị vua. Làm người lãnh đạo mang đến niềm vui sâu sắc trong công việc – nhưng chỉ khi sự lãnh đạo đó được nắm bắt một cách trọn vẹn, tự nguyện, và vì những lý do đúng đắn. Theo Cẩm Thu - doanhnhansaigon.vn - 9/10/2015
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|