top-banner-2

Thứ năm, 09/11/2017, 14:43 GMT+7

Kiệt quệ sau trận lũ lịch sử

Viết bởi Nam Anh   
Thứ năm, 09/11/2017, 14:43 GMT+7

Trâu bò, lúa gạo lẫn tài sản gia đình bị cuốn trôi; ruộng vườn, nhà cửa bị ngập trong bùn đất khiến hàng ngàn người dân tại các vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Nam rơi vào cảnh kiệt quệ và chưa biết khi nào sẽ ổn định lại cuộc sống sau lũ.

Sau hơn 4 ngày liên tục chống chọi và hứng chịu những thiệt hại nặng nề do lũ lụt và những trận mưa lớn kéo dài gây ngập và cô lập hoàn toàn, người dân tại xã Cẩm Kim, TP Hội An và xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên lại phải còng lưng vớt vác, dọn dẹp lại những đồ đạc chưa bị cuốn trôi và vẫn còn ướt nhẹt khi nước lũ vừa rút xuống.

Cầm cự bánh mì chờ nước rút

Sáng sớm 8-11, sau khi nước lũ vừa rút hẳn đi, chúng tôi lái xe máy qua cây cầu sắt Cẩm Kim để vào những thôn xóm của xã Cẩm Kim bị nước lũ bao vây tứ phía suốt hơn 4 ngày liền. Đi sâu vào con đường bê tông dẫn vào thôn Trung Châu là hình cảnh hàng chục ngôi nhà cấp 4 xập xệ của người dân vẫn còn bùn non bám đầy phía trước sân nhà, người dân ai nấy cũng hối hả cầm thau múc nước để nhanh tay dội đi lớp bùn non trước khi trời hửng nắng.

Ghé vào căn nhà nhỏ nằm ở cuối thôn Trung Châu, chứng kiến cảnh bà Đoàn Thị Sương, 55 tuổi vẫn đang cắm cúi dùng chổi quét đi lớp bùn non sau khi đứa con gái dùng xô tạt nước lên mặt sân.

Kiệt quệ sau trận lũ lịch sử - Ảnh 1.

Người dân vùng rốn lũ ở xã Cẩm Kim, TP Hội An phải vất vả dọn dẹp nhà cửa sau khi lũ rút

Bà Sương nhớ lại vào tối hôm 5-11, hai vợ chồng thấy nước lũ mới dâng tới sau nhà nhưng không nghĩ sẽ vào nhanh tới nhà nên chần chừ không dọn mớ lúa, bắp hột lên trên gác lửng. Đến khuya nước lên quá nhanh khiến bà Sương trở tay không kịp, toàn bộ lúa, bắp bị ngập nước nên đành bỏ lại.

"Gọi điện cho hai đứa con gái đang làm bên Hội An về nhưng nước lớn nhanh như thổi nên chỉ kịp đưa 2 chiếc xe máy lên chiếc giường gỗ nhưng vẫn bị ngập. Chỉ trong chốc lác tài sản của gia đình bị thiệt hại nặng nề, trong khi giờ lúa bị ngâm nước đã sắp lên mầm; trâu bò, heo gà không biết sơ tán đi đâu nên cũng bị cuốn trôi theo dòng lũ và mất hết" – bà Sương kể.

Mấy năm gần đây, do nhà dân được xây dựng mới, không còn cảnh nhà lợp tranh hay nứa lá nên khi lũ về, người dân không rơi vào thảm cảnh chết oan. Những ngày qua, gia đình bà Huỳnh Thị Nhậm, ngụ thôn Đông Vĩnh, xã Cẩm Kim đã phải kéo nhau ra ở tạm trên nhà văn hóa thôn do nước lũ dâng cao hơn 4m gây ngập căn nhà cấp 4. Từ đầu đường nhìn về, Bà Nhậm chỉ biết chua sót khi thấy nhà mình còn lại phần mái là chưa bị nước lũ làm ngập. "Cả nhà chỉ biết khăn gói vài bộ quần áo rồi đi. Giờ nước rút, về lại căn nhà ai cũng buồn rượu vì mọi thứ đã hư hại và không biết lấy gì để xoay sở ổn định cuộc sống" – nhà Nhâm vừa khóc vừa nói.

Đi dọc con đường dẫn vào làng mộc Kim Bồng, 2 bên đường là cảnh các giáo viên và phụ huynh đang tất bật dọn bàn đang lớp từng lớp trong Trường Tiểu học Cẩm Kim để kịp đón các em trong xã trở lại học tập trong vài ngày tới.

Qua trao đổi, ông Phan Trọng Nhân Chủ tịch xã Cẩm Kim, chia sẻ: Trận lũ vừa qua chỉ thấp hơn trận lũ xảy ra hồi năm 1999 chỉ vài cm gây ngập nặng và cô lập hoàn toàn hơn 1.050 hộ dân với hơn 4.100 nhân khẩu tại tất cả 5 thôn trên toàn địa bàn xã. Do bị lũ làm cô lập suốt nhiều ngày liền đã khiến nhiều hộ dân đang rơi vào cảnh thiếu thức ăn và nhất là nước sạch sau lũ. Theo ông Nhân, trước mắt chính quyền đang vận động người dân dọn lũ, ổn định cuộc sống và sớm dọn dẹp các trường họp trong xã để cho con em an tâm việc học.

Đập bị sạt lở, dân "ốc đảo" lại bị cô lập

Mặc dù nước lũ đã rút đi hầu hết tại các thôn trên địa bàn xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên nhưng hàng ngàn người dân tại khu vực thôn Đông Bình vẫn bị cô lập hoàn toàn, khó khăn sau lũ lại chồng chất khi lương thục, nước sạch đã cạn kiệt nhưng bà con hiện vẫn không biết làm sao qua được bên kia sông từ sáng 8-11 đến nay.

Kiệt quệ sau trận lũ lịch sử - Ảnh 2.

Người dân Đông Bình, xã Duy Vinh đang thiếu mọi thứ do bị cô lập hoàn toàn sau lũ

Tại tuyến đập bê tông dài hơn 300m nối thôn Hòa Mỹ qua thôn Đông Bình, vào sáng sớm nay sau khi lũ rút, người dân phát hiện phần giữa đập đã bi lũ cuốn trôi hơn 30m nên đã sớm giăng dây tại hai đầu để cảnh báo người dân không qua lại đập.

May mắn, chúng tôi được chiếc ghe của chính quyền thôn cho đi vào thôn Đông Bình để tìm hiểu sự việc. Ghé vào nhà bà Bùi Thị Hoa hỏi thăm mới biết "Toàn bộ khu vực trong thôn đều rơi vào thảm cảnh thiếu nước sạch, bị cắt điện và không còn lương lục dự trữ sau nhiều ngày chông chọi với lũ" – bà Hoa ngậm ngùi nói.

Kiệt quệ sau trận lũ lịch sử - Ảnh 3.

Đập bê tông trị giá hơn 4,7 tỉ đồng bị sạt lở khiến người dân thôn Đông Bình bị cô lập sau lũ

Trước đây, cả thôn Đông Bình do không có đường vào nên chính quyền và người dân tự bỏ tiền ra làm đập bê tông cả trăm triệu để qua lại, từ đó người dân nơi đây mới thoát cảnh "ốc đảo" lụy đò. Đến đợt lũ cuối năm 2016, đập không may bị lũ cuốn trôi nên UBND huyện Duy Xuyên sau đó mới hỗ trợ kinh phí để xây dựng lại tuyến đập mới khang trang vào tháng 10-2017. Công trình chưa nghiệm thu xong nhưng lũ lớn lại gây sạt lở và cuốn trôi một phần khiến người dân tiếp tục lo lắng vì không có đường đi.

Ông Phan Văn Sáu, Chủ tịch xã Duy Vinh, cho biết trong sáng 8-11, lãnh đạo xã đã đi kiểm tra và thông báo cho dân không được ra khu vực đập bị sạt lở để đảm bảo an toàn và yêu cầu người dân không được đi đò qua lại khi chưa có giải pháp xử lý sự cố. Theo ông Sáu, tuyến đập mới vừa được huyện đầu tư hơn 4,7 tỉ đồng bị sạt lở sau lũ là điều hết sức đáng tiếc và gây khó khăn cho người dân khi vừa trải qua đợt lũ lịch sử kéo dài. "Hơn 350 hộ dân với hơn 1.450 nhân khẩu tại thôn Đông Bình đang cố chờ sự trợ giúp từ cấp trên lẫn các đoàn cứu trợ về đây hỗ trợ nhằm mong người dân sớm vượt qua khó khăn, thiếu thốn trước mắt để ổn định lại cuộc sống trong những ngày tới đây" – ông Sáu nói.

Theo Vĩnh Quyên - nld.com.vn - ngày 10/11/2017


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Kiệt quệ sau trận lũ lịch sử

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc