top-banner-2

Thứ sáu, 10/11/2017, 07:45 GMT+7

Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp biết nhưng thiếu chuẩn bị

Viết bởi Nam Anh   
Thứ sáu, 10/11/2017, 07:45 GMT+7

Không phải doanh nghiệp nào kể cả tư nhân và nhà nước đều có ý thức cao trong việc chuẩn bị những lộ trình cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần hiện hữu trong cuộc sống ngày nay. Chính quyền TP HCM đang chuyển dần theo bước tiến mới của thời đại, từ việc xây dựng đô thị thông minh đến việc quản lý hành chính theo quy trình hiện đại để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Vậy còn các doanh nghiệp thành phố đã có những bước chuyển động như thế nào trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của toàn cầu này?

Đúc rút kinh nghiệm từ những năm làm việc cho các công ty chuyên cung cấp về hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ sư Lâm Hiển Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH HIT đã ý thức trong việc đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang tính tòan cầu hiện nay.

cong-nghe-40-vanhoadoanhnhan

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang hối thúc các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. (Ảnh minh họa: KT)

Sau khi thành lập công ty, anh Thịnh mong muốn tạo một dòng sản phẩm, những chương trình phần mềm như xếp hàng thông minh; hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện; tư vấn cải thiện hạ tầng bệnh viện bằng việc cung cấp ứng dụng hạ tầng công nghệ thông tin cho các bệnh viện tại TP HCM.

“Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, ngành y tế TP HCM đang cải thiện để phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Cá nhân muốn tạo một dòng sản phẩm, muốn góp một phần trong sự phát triển của y tế thành phố, giúp cho sự phục vụ của bệnh viện tốt hơn đối với bệnh nhân”, anh Thịnh chia sẻ.

Không chỉ những doanh nghiệp mới khởi nghiệp ý thức được tầm quan trọng của cuộc cách mạng 4.0, ngay cả các doanh nghiệp lớn có thương hiệu của TP HCM đã chủ động xây dựng cho đơn vị một lộ trình tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, trong thời đại hội nhập hiện nay, cạnh tranh là nỗi lo lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì nỗi lo ấy càng lớn.

Do đó, Vissan đang xây dựng dự án đổi mới công nghệ giết mổ và di dời nhà máy chế biến thực phẩm về huyện Bến Lức của tỉnh Long An. Đầu năm 2018 sẽ được khởi công xây dựng, cuối năm 2019 dự kiến hoàn tất giai đoạn 1 và đến năm 2020 sẽ hoàn tất toàn bộ dự án. Dự án này được ứng dụng công nghệ tự động hóa trong các dây chuyền giết mổ, chế biến thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

“Vissan có lộ trình nhất định với xu hướng Cách mạng 4.0 đang diễn ra rất nhanh hiện nay. Các dây chuyền đã được trang bị phù hợp, có tính trước để sau này dần tăng năng suất mạnh hơn có bổ sung các trang bị bằng robot để có thể tăng năng suất một cách đột biến”, ông An cho biết.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào kể cả tư nhân và nhà nước đều có ý thức cao trong việc chuẩn bị những lộ trình cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi phần lớn doanh nghiệp của thành phố là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, thiếu tiềm lực đầu tư về vốn và công nghệ, thiếu kinh nghiệm quản trị sản xuất, không có chiến lược kinh doanh, hạn chế về năng lực cạnh tranh.

Chính vì vậy, việc tiếp cận với công nghiệp 4.0 không phải chỉ từ phía doanh nghiệp mà cần có sự hỗ trợ, tiếp sức từ phía Nhà nước. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 rất cần những chính sách cụ thể để có thể đồng hành với các doanh nghiệp. Làm sao doanh nghiệp có thể nhanh chóng đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh để theo kịp và đây chính là cơ hội của doanh nghiệp nữa.

Theo các chuyên gia về công nghệ, Việt Nam đang hội nhập sâu vào thế giới, vì vậy nếu các doanh nghiệp không thích ứng nhanh với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì sẽ tụt hậu và không thể tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Việt Nam đã từng bỏ lỡ nhiều cuộc cách mạng công nghiệp của thế giới, do đó, để tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần có sự nhận thức đúng về vấn đề này từ đó đưa ra lộ trình hợp lý.

GS.TSKH. Bạch Hưng Khang, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho rằng, để đến với công nghiệp 4.0 trước tiên cần định nghĩa con người 4.0 nghĩa là bắt đầu từ quá trình nhận thức.

“Từ nhận thức đến việc phát triển sẽ tạo ra cơ hội nên có định hướng phải tìm hiểu thế giới sẽ đi như thế nào và cách làm của Việt Nam để hòa nhập cũng như phù hợp với đặc thù của Việt Nam”, GS.TSKH. Bạch Hưng Khang lưu ý.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng bước được khởi động. Doanh nghiệp TP HCM cũng không thể nằm ngoài cuộc. Các doanh nghiệp cần xem đây là cơ hội để thay đổi nội lực của chính mình, để có thể hòa nhập nhanh và sâu rộng với thế giới. Từ đó góp phần xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống của cả nước và khu vực.

Theo Cao Thoa/VOV-TP HCM - vov.vn - ngày 10/11/2017


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Cách mạng công nghiệp 4.0: Doanh nghiệp biết nhưng thiếu chuẩn bị

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc