top-banner-2

Thứ hai, 04/11/2024, 10:46 GMT+7

Khơi nguồn và phát triển du lịch văn hóa vùng Đông Bắc

Viết bởi ducanh   
Thứ hai, 04/11/2024, 10:46 GMT+7

Chiều 3/11, trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI diễn ra tại Lạng Sơn, BTC Ngày hội đã tổ chức Hội thảo khoa học Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc- khơi nguồn và phát triển.

khoi-nguon-va-phat-trien-du-lich-van-hoa-vung-dong-bac

Tham dự Hội thảo có ông Dương Xuân Huyên- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn; ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn; bà Vũ Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL); ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 8 tỉnh vùng Đông Bắc: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Khơi nguồn và phát triển du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo

Đông Bắc là kho báu của du lịch Việt Nam

Theo ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn, các tỉnh trong vùng Đông Bắc sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, nhất là sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa. Việc liên kết và hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh trong Vùng Đông Bắc có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời bổ sung khắc phục cho nhau những hạn chế trong phát triển… Thông qua việc liên kết, hợp tác sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có chất lượng cao … từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển du lịch không chỉ riêng của một tỉnh mà còn cho toàn Vùng. Đối với Vùng Đông Bắc, nơi mà các giá trị về tài nguyên tự nhiên và văn hóa và các điều kiện khác trong phát triển du lịch giữa các tỉnh là tương đối tương đồng, do vậy việc liên kết hợp tác này càng có ý nghĩa trong việc thực hiện tốt những mục tiêu phát triển chung của toàn Vùng.

Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học "Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - khơi nguồn và phát triển" với mục đích nhằm trao đổi, phân tích, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng Đông Bắc trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời bàn luận thống nhất, đề xuất định hướng và giải pháp liên kết, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch để phát triển kinh tế địa phương vùng Đông Bắc trong thời gian tới.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, Đông Bắc là khu vực kim cương, là kho báu của du lịch Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, vùng Đông Bắc Việt Nam nhiều di sản thiên nhiên nổi tiếng được UNESCO công nhận. Có thể kể đến di sản thế giới (DSTG) Vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà (tỉnh Quảng Ninh-Thành phố Hải Phòng, được công nhận vào các năm 1994, 2000 và 2023), khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà (Thành phố Hải Phòng, được công nhận năm 2004), các công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang, được công nhận năm 2010), Non Nước Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng, được công nhận năm 2018), Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn, được công nhận năm 2024).

Khơi nguồn và phát triển du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - Ảnh 2.

Các đại biểu chỉ ra việc cần có sản phẩm du lịch đặc trưng và liên kết vùng để phát triển du lịch khu vực Đông Bắc

Một số khu vực khác như Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử (ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) hiện đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là DSTG, Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn, được công nhận là Vườn di sản ASEAN năm 2004) hiện đang xây dựng hồ sơ cùng với Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) trình UNESCO công nhận là DSTG. Ngoài ra còn rất nhiều di tích, danh thắng đơn lẻ khác cũng chứa đựng nhiều giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh giới, văn hóa..., như Vịnh Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh), Vườn quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc)...

"Cả nước có 4 CVĐC Toàn cầu thì khu vực này sở hữu 3 CVĐC Toàn cầu. Đây cũng là khu vực có nhiều ATK nhất, có nhiều hồ rộng lớn nhất... chưa kể sự đa dạng văn hóa đặc sắc. Những tiềm năng nếu khai thác đồng bộ thì sẽ đem lại lợi ích to lớn"- TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Anh Tuấn chỉ ra những hạn chế trong phát triển du lich ở khu vực Đông Bắc là sản phẩm du lịch chưa có đặc trưng, đặc biệt là sản phẩm đẳng cấp để thu hút nguồn khách chất lượng cao, chi tiêu nhiều và lưu trú dài ngày.

TS Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nêu 6 giá trị cốt lõi phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của vùng Đông Bắc: (1) Giá trị của các di tích văn hóa lịch sử, cách mạng- Thủ đô kháng chiến (giá trị riêng có, không trùng với khu vực nào); (2) Giá trị của các công viên địa chất toàn cầu UNESCO; (3) Giá trị cảnh quan thiên nhiên gắn với địa hình núi cao (sông hồ, thác nước, hang động, đèo dốc, các đỉnh núi cao..); (4) Giá trị sinh thái, đa dạng sinh học ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; (5) Các giá trị văn hóa dân tộc bản địa; (6) Giá trị sinh thái nông nghiệp nông thôn.

Với mỗi giá trị cốt lõi, ông Lê Văn Minh nêu các sản phẩm du lịch tương ứng. Theo ông Lê Văn Minh, căn cứ vào các giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, khác biệt - một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu cấu thành nên sản phẩm du lịch đặc trưng; căn cứ vào các điều kiện hạ tầng, các điều kiện kinh tế - xã hội; căn cứ vào các xu thế phát triển du lịch chung của vùng và cả nước…, có thể định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng có ý nghĩa quốc gia và quốc tế của vùng Đông Bắc phù hợp với nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm du lịch đặc trưng này được xây dựng dựa trên các yếu tố độc đáo, khác biệt của tài nguyên du lịch, là lợi thế so sánh của các tỉnh vùng Đông Bắc so với các vùng khác trong cả nước, có khả năng tạo ra sự khác biệt của du lịch vùng Đông Bắc. Khi nói đến các sản phẩm du lịch đặc trưng này, chỉ ở vùng Đông Bắc mới có. Do đó, cần được tập trung ưu tiên đầu tư phát triển để làm nổi bật hình ảnh du lịch vùng Đông Bắc trong tổng thể du lịch cả nước.

Khơi nguồn và phát triển du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - Ảnh 3.

Non nước Cao Bằng

Liên kết để phát triển bền vững

Với những giá trị văn hoá, lịch sử tiềm năng phong phú về du lịch cảnh quan, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch về nguồn, du lịch vùng biên, du lịch văn hóa biển; một hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú; nhiều khu, điểm du lịch đã nổi tiếng, việc chú trọng hướng phát triển du lịch tiểu vùng Đông Bắc có ý nghĩa quan trọng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thúc đẩy tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về miền đất, con người, tiềm năng văn hóa, du lịch của các địa phương, thu hút các nhà đầu tư đến khai thác các tiềm năng và tăng khả năng thúc đẩy khách du lịch đến với mỗi địa phương nói riêng và toàn vùng Đông Bắc nói chung.

Việc liên kết vùng được các nhà nghiên cứu đặt ra nhằm phát triển lợi thế của khu vực, đưa du lịch vùng Đông Bắc phát triển xứng với tiềm năng, vị thế.

Ông Trần Tân Văn, Trung tâm Karst và Di sản Địa chất (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) cho rằng, với lợi thế là khu vực sở hữu ¾ công viên địa chất toàn cầu của cả nước, việc liên kết vùng để xây dựng tour tham quan, khám phá công viên địa chất toàn cầu là cần thiết để thúc đẩy phát triển du lịch vùng Đông Bắc.

Khơi nguồn và phát triển du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - Ảnh 4.

Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

Theo đó, ông Trần Văn Tân cho biết, hiện tại Cao nguyên đá Đồng Văn và Non Nước Cao Bằng đang xây dựng tuyến tham quan kết nối hai CVĐC Toàn cầu, giữa một đầu là huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) và đầu kia là các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng), chạy qua đèo 14 tầng Khau Cốc Chà nổi tiếng. Tương tự như vậy, Non Nước Cao Bằng và CVĐC Lạng Sơn cũng đang có kế hoạch phát triển tuyến tham quan kết nối, có thể giữa huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) và các huyện Tràng Định, Văn Lãng, Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn).

"Trong tương lai, hoàn toàn có thể nghĩ đến việc kết nối giữa CVĐC Lạng Sơn với DSTG Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà, theo QL4B qua các huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn), Tiên Yên, Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Tương tự như vậy, nếu CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn mở rộng về phía Tây, có thể kết nối với huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), Na Hang-Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang), Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), hoặc Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc)..., hình thành một tour du lịch địa chất khép kín (với nhiều tuyến nhánh nội tỉnh, nội huyện) qua hầu hết các tỉnh Đông Bắc, đồng thời kết nối với Thủ đô Hà nội và từ đó với các địa phương khác trong cả nước, cũng như Trung Quốc và các nước khác trên thế giới, bổ sung và bổ trợ lẫn nhau, với vô cùng phong phú các kiểu loại di sản địa chất, đa dạng sinh giới, đa dạng văn hóa, góp phần bảo tồn hiệu quả mọi kiểu loại di sản, phát triển bền vững vùng Đông Bắc - vùng đất địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội thuộc loại quan trọng nhất của Việt Nam"- ông Tân chia sẻ.

(nguồn: toquoc.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Khơi nguồn và phát triển du lịch văn hóa vùng Đông Bắc

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc