top-banner-2

Thứ sáu, 15/12/2023, 14:37 GMT+7

Bản làng người Mày vùng biên giới Việt – Lào 'thay da đổi thịt'

Viết bởi ducanh   
Thứ sáu, 15/12/2023, 14:37 GMT+7

Từ xưa đến nay, người Mày (thuộc nhóm dân tộc Chứt) ở bản Dộ - Tà Vờng Trong Hoá (Minh Hoá – Quảng Bình) với cuộc sống cực kỳ khó khăn chỉ dựa rừng và trồng trỉa lúa ngô ở những hóc đá chênh vênh nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực của người dân nên cuộc sống đã dần thay đổi, bản mới đã khởi sắc giữa đại ngàn hùng vĩ sát biên giới Việt – Lào.

Bản làng sát vùng biên giới

Từ trung tâm xã Trọng Hóa (Minh Hoá), vượt qua hơn 30 km đường núi quanh co và những con dốc cao mới đến được bản Dộ - Tà Vờng. Đây là một trong hai bản thuộc vùng Lòm của xã Trọng Hóa, sát biên giới Việt – Lào. Đứng trên ngọn núi cao, phóng tầm mắt về phía trước, bản Dộ - Tà Vờng đẹp như một bức tranh thủy mặc. Bản nép mình bên những dãy núi cao đồ sộ, hùng vĩ. Những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây ẩn hiện giữa những tán lá rừng trong làn sương sớm.

doi-thay-o-ban-lang-noi-thung-lung-bien-gioi-viet-lao

Một góc bản Dộ - Tà Vờng

Tên gọi bản Dộ - Tà Vờng có từ năm 2019 khi bản Tà Vờng được sáp nhập với bản Dộ. Bản hiện có 78 hộ với 232 nhân khẩu và 100% người dân là người Mày (thuộc nhóm dân tộc Chứt). Trước đây, đời sống của bà con rất khó khăn nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cộng với sự nỗ lực của người dân nên bản đã có nhiều thay đổi.

Năm 2020, huyện Minh Hóa đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thí điểm mô hình "bản nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số". Bản Dộ - Tà Vờng là một trong bốn bản của huyện được chọn để xây dựng bản nông thôn mới. Thông qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, bản Dộ - Tà Vờng đã được đầu tư đường giao thông; trạm xá; trường học; nhà văn hóa; điện đường thắp sáng từ mô hình "Ánh sáng vùng biên" của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ra Mai... Đời sống của người dân dần được ổn định.

Hiện nay, UBND huyện Minh Hóa đã có những hành động cụ thể trong đó việc xây dựng điểm du lịch văn hóa tộc người ở bản Dộ - Tà Vờng. Kỳ vọng với định hướng trên cùng những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này và sự thật thà, chân tình, cởi mở của người dân bản địa, trong tương lai không xa, bản Dộ - Tà Vờng sẽ là điểm đến đặc sắc, níu chân du khách khi đến với huyện Minh Hóa.

Nếu như trước đây, bà con trong bản chỉ biết sống phụ thuộc vào rừng, trồng lúa rẫy thì nay họ đã biết trồng rừng, trồng sắn, cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... Có nhiều hộ dân trong bản đã biết tập trung làm kinh tế gia đình như gia đình ông Hồ Phoong, Hồ Xoi, Hồ Liên. Đặc biệt, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của cán bộ xã, một số hộ dân ở bản Dộ - Tà Vờng đã biết trồng lúa nước trên ruộng bậc thang. Từ những hiệu quả ban đầu của mô hình này, trong thời gian tới, người dân trong bản sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích gieo trồng.

Đổi thay ở bản Dộ - Tà Vờng

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng người dân trong bản luôn nêu cao ý thức, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng bản làng no ấm. Tình hình an ninh trật tự ở bản luôn được giữ vững; các hủ tục, tập quán lạc hậu được đẩy lùi. 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường ở ngôi trường mới (Điểm trường mầm non bản Dộ - Tà Vờng), với đầy đủ trang thiết bị dạy học, khu vui chơi đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2023.

Bà con cũng đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng chuồng trại chăn nuôi xa nhà dân. Cứ đều đặn mỗi tháng 2 lần, người dân trong bản lại cùng nhau tham gia tổng dọn vệ sinh, quét dọn các tuyến đường, góp phần tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp... Trước đây, đời sống của người dân bản Dộ, bản Tà Vờng rất khó khan nhưng nay bà con đã có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng, khi đau ốm thì đến trạm xá khám bệnh. Con cháu thì được đến trường học cái chữ. Năm 2022, bản có 83% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa và bản đạt bản văn hóa từ năm 2019 đến nay.

Bản làng nơi thung lũng ở biên cương - Ảnh 3.

Người dân bản Dộ - Tà Vờng thu hoạch lúa nước

Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: "Xã Trọng Hóa là xã miền núi, rẻo cao. Hiện nay, xã Trọng Hóa có 17 bản, trong đó bản Dộ - Tà Vờng là một trong những bản văn hóa nhiều năm liền. Trong những năm qua, bản Dộ - Tà Vờng đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ". Để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hàng năm, bà con nơi đây vẫn tổ chức các lễ hội đặc sắc như lễ cúng giang sơn, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ dập hố, lễ mừng cơm mới...

Trong văn hóa người Mày, lễ cúng giang sơn (hay còn gọi là lễ mở sẻ rậy) được tổ chức vào ngày mùng 1 tháng Giêng. Vào sáng mùng 1 Tết, người dân trong bản tập trung ở nhà già làng để tổ chức lễ. Mâm cúng giang sơn có nhiều lễ vật như: Bánh chưng, rượu cần, cơm, canh, gà... Lễ cúng giang sơn là nghi thức tâm linh để tạ ơn trời đất, thần linh; cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà được bình yên.

Mỗi năm Tết đến Xuân về, khoảng ngày mùng 10 âm lịch các dòng họ người Mày lại thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay để cầu may, cầu sức khỏe cho người thân trong gia đình, dòng họ. Theo phong tục nơi đây, lễ buộc chỉ cổ tay của người Mày được tổ chức 3 năm 1 lần, ở nhà trưởng họ và trong mâm cúng lễ ngoài 1 con lợn, 2 con gà, cơm, canh... thì không thể thiếu bánh chưng, rượu cần. Thông qua việc tổ chức các lễ hội văn hóa đặc sắc, riêng có của người Mày sẽ giúp người dân địa phương phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để đưa vào khai thác, phát triển du lịch.

(nguồn: toquoc.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Bản làng người Mày vùng biên giới Việt – Lào 'thay da đổi thịt'

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc