Thành viên từ bên ngoài - ‘Ngưỡng’ phát triển của doanh nghiệp gia đình |
Viết bởi ducanh |
Thứ sáu, 30/06/2017, 09:42 GMT+7 |
Doanh nghiệp gia đình được coi là mô hình tối ưu cho những Start up. Đó là nhỏ gọn, gắn kết, khả năng thay đổi để thích ứng với thị trường cao. Tuy nhiên, khi đã phát triển tới một giai đoạn nhất định, những yếu tố tích cực đó nhiều khi lại trở thành rào cản cho sự phát triển của các doanh nghiệp gia đình. Theo khảo sát của PWC, 95% những doanh nghiệp gia đình gặp khó khăn,“đi lùi” thậm chí phá sản khi đến thế hệ thứ hai và thứ ba. Chỉ có số ít những doanh nghiệp tiếp tục phát triển được là những đơn vị có sự cấu trúc lại hệ thống quản trị và điều hành phù hợp. Tại sao lại có điều này? Bởi doanh nghiệp gia đình sau nhiều năm phát triển, việc quản trị và điều hành theo thói quen với sự “hiểu ngầm” của các thành viên trong gia đình dường như đã thành “nếp”. Điều này dẫn tới sự thiếu minh bạch, một đơn vị có nhiều “sếp”, gây khó khăn trong việc quản lý và điều hành. Rủi ro tiềm ẩn này có thể sẽ là “tổ mối làm vỡ đê” gây hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp. Để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các Doanh nghiệp gia đình (đang chiếm tới trên 97% doanh nghiệp Việt Nam) , chương trình CEO - Chìa khoá thành công đã đưa lên sóng chủ đề: “ Doanh nghiệp gia đình - Thành viên từ bên ngoài” để các doanh nhân chung tay giải quyết. Chương trình phát sóng vào 10h sáng chủ nhật ngày 02/07/2017 trên VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam. Ngồi ghế nóng trong chương trình tuần này là chị Trương Thị Thanh Tâm - CEO Công ty TNHH Khoẻ và Đẹp. Với gần 10 năm sáng lập và điều hành doanh nghiệp, chị Tâm đã tiên phong đưa ra thị trường những sản phẩm chăm sóc cá nhân uy tín, được thị trường tiêu dùng khẳng định. Hiện nay ATZ Healthy Life đã có hệ thống cửa hàng bao phủ toàn quốc, trải dài khắp ba miền Bắc Trung Nam.
Chị Trương Thị Thanh Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Khỏe và Đẹp Vấn đề CEO - Chìa khoá thành công đưa ra là câu chuyện của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đồ trang sức có uy tín và vừa mới mở rộng sang lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu. Vừa qua, doanh nghiệp đã chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần với một số ít là chủ sở hữu nhỏ lẻ ngoài gia đình (chủ yếu là các nhân viên lâu năm). Tuy nhiên toàn bộ các thành viên HĐQT của công ty vẫn đều là các thành viên trong gia đình, trong đó có một số trực tiếp tham gia quản lý, điều hành. Con trai của Chủ tịch HĐQT sau thời gian du học và làm việc cho một số công ty đa quốc gia ở nước ngoài đã về nước và được bổ nhiệm vào vị trí CEO của công ty. Với nhu cầu và mong muốn phát triển cũng như nắm bắt các cơ hội để đột phá và vươn lên vị thế cao hơn trên thị trường, hiện công ty đang tính toán việc gọi vốn thông qua hình thức IPO. Với kinh nghiệm và kiến thức về các thông lệ quản trị tiên tiến, CEO mới đã đề xuất mời thêm các thành viên HĐQT bên ngoài có trình độ, uy tín để tham gia vào công ty. Khi đưa vấn đề này ra, CEO đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của các thành viên và cả Chủ tịch HĐQT. Theo ý kiến của các thành viên trong HĐQT thì: doanh nghiệp không cần có sự tham gia của người bên ngoài, vì hiện tại đã có đủ họ hàng và các thành viên điều hành cùng tham gia HĐQT rồi. Ngoài ra, để tìm được những người đủ tiêu chuẩn, đủ độ tin cậy và trình độ trở thành thành viên HĐQT của công ty không hề dễ, nếu tìm không đúng người có thể mang lại nhiều hệ lụy cho công ty, phá vỡ cấu trúc quản trị hiện tại. Nhưng CEO lại có ý kiến rằng: việc mời các thành viên HĐQT từ bên ngoài có trình độ, có uy tín sẽ giúp định hướng cho doanh nghiệp phát triển một cách hiệu quả và cân bằng hơn. Họ không bị chi phối vì các xung đột lợi ích, có cái nhìn khách quan và kinh nghiệm chuyên sâu hơn. Ngoài ra, việc có các thành viên HĐQT từ bên ngoài mà sau này có thể trở thành thành viên độc lập sẽ ghi điểm đối với các đối tác, các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng và các ngân hàng thương mại. Điều này sẽ giúp quá trình chuẩn bị chuẩn bị IPO hoặc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp thuận lợi và đạt được các mục tiêu. Những khán giả theo sát cuộc tranh biện giữa CEO và cổ đông cũng có những ý kiến trái chiều. Bạn ThuyDương chia sẻ: “Ý kiến của CEO đại diện cho nhiều doanh nhân trẻ hiện nay, họ cần sự minh bạch và rõ ràng trong công tác quản trị và điều hành. Văn hoá gia đình nặng nề bao phủ doanh nghiệp có thể khiến các đối tác e ngại và không muốn hợp tác.” Trái lại bạn MinhPhan lại ủng hộ ý kiến của các cổ đông: “Chúng tôi cũng là doanh nghiệp gia đình nên tôi rất hiểu, việc tham gia của thành viên bên ngoài khá là rủi ro, đặc biệt là vấn đề tín nhiệm. Bởi các gia đình hầu hết là có bí quyết nghề không thể tiết lộ cho người ngoài được.” CEO Trương Thị Thanh Tâm và hai cổ đông tranh biện trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề: “Doanh nghiệp gia đình - Thành viên từ bên ngoài” Cả hai luồng ý kiến đều có lý lẽ và sự thuyết phục của mình. Bên nào sẽ giành được lợi thế? Kết quả sẽ có tại chương trình CEO - Chìa khoá thành công vào 10h Chủ Nhật ngày 02/07/2017. Chương trình CEO - Chìa Khóa Thành Công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Bất động sản Novaland. Xem lại chương trình tại : CEO - Chìa khóa thành công trên Youtube. Fanpage chính thức tại: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Hotline đăng ký tham gia chương trình: 098 148 6868 PV *Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của TST Tags: Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|