Từ vụ BigC đuổi khéo TGDĐ, nhìn lại quyền lực của những đại gia Thái đang làm ăn ở Việt Nam |
Viết bởi An An |
Thứ tư, 21/09/2016, 16:13 GMT+7 |
Sự kiện 22 cửa hàng TGDĐ bị "đuổi khéo" khỏi BigC, với lí do Tập đoàn Central Group đã đầu tư vào Nguyễn Kim (cùng kinh doanh mặt hàng với TGDĐ) một lần nữa cho thấy tiếng nói của người Thái trong lĩnh vực bán lẻ đang có trọng lượng ra sao. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, hầu như tất cả những tên tuổi đình đám đến từ Thái Lan đều đã có mặt tại Việt Nam. Bằng cách trực tiếp đầu tư cũng như thâu tóm các doanh nghiệp nội địa, các doanh nhân xứ sở chùa tháp đang cho thấy sự hiện diện ngày càng rõ nét của mình ở Việt Nam, đặc biệt ở lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng. Sự kiện 22 cửa hàng TGDĐ bị "đuổi khéo" khỏi BigC, với lí do Tập đoàn Central Group đã đầu tư vào Nguyễn Kim (cùng kinh doanh mặt hàng với TGDĐ) một lần nữa cho thấy tiếng nói của người Thái trong lĩnh vực bán lẻ đang có trọng lượng ra sao. Hãy cùng chúng tôi điểm mặt những doanh nghiệp Thái Lan đang có mặt tại Việt Nam. Central Group - Tỷ phú Chirathivat Central Group là một trong những tập đoàn lớn nhất Thái Lan, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chuỗi cửa hàng bán lẻ, khách sạn và nhà hàng. Central Group trong 2 năm gần đây rất tích cực thực hiện các thương vụ M&A doanh nghiệp Việt Nam. Cuối năm 2014, Central Group đặt chân vào lĩnh vực bán lẻ thời trang, mở 2 trung tâm Robinson tại hà Nội và TPHCM. Trước đó, các cửa hàng mang thương hiệu SuperSports, Crocs và New Balance đã có mặt ở Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của các công ty con thuộc Central Group. Sang đầu năm 2015, Central Group tham gia bán lẻ điện máy, khi Power Buy, đơn vị thuộc Central Group mua lại 49% cổ phần của Công ty đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu điện máy Nguyễn Kim. Cuối tháng 4/2016, Central Group tuyên bố đã hoàn tất thương vụ mua lại Big C từ tay tập đoàn Casino của Pháp với giá trị 1,05 tỷ USD. Không lâu sau đó, đến giữa tháng 5, Central Group tuyên bố đã cùng Nguyễn Kim mua lại Zalora Việt Nam từ tay Rocket Internet (Đức). Giới phân tích cho rằng, việc Central Group mua Zalora nhằm kết hợp sức mạnh bán hàng qua mạng và bán hàng trực tiếp trong lĩnh vực bán lẻ. Chỉ trong vòng 2 năm, Central Group đã cho thấy động thái quyết liệt của mình trong tham vọng tấn công vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Mới đây, khi có thông tin Central Group "đuổi" toàn bộ 22 cửa hàng của Thế giới Di động ra khỏi hệ thống, một đại diện của Thế giới Di động cho biết, do Thế giới Di động và Nguyễn Kim bán các sản phẩm tương tự nhau, nên Big C muốn Nguyễn Kim thế chỗ Thế giới Di động. C.P - Tỷ phú Dhanin Chearavanont Tập đoàn C.P (Charoen Pokphand Group) được thành lập từ năm 1921 và gia nhập thị trường Việt Nam ngay khi đất nước bắt đầu mở cửa năm 1988. Đến năm 1993, Công ty TNHH Chăn nuôi C.P. Việt Nam được thành lập và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai. C.P. Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông - công nghiệp, ngành thực phẩm khép kín: Chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm và thuỷ sản theo mô hình 3F Feed - Farm - Food, từ nông trại đến bàn ăn. Năm 2014, C.P Việt Nam đạt doanh thu 2,07 tỷ USD, trong đó riêng mảng thức ăn chăn nuôi đạt 867 triệu USD. Phần còn lại đến từ chăn nuôi và chế biến thực phẩm với 1,2 tỷ USD và là doanh nghiệp giữ vị thế số 1 trên thị trường. TCC Holdings - Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi TCC Holdings đóng vai trò là cổ đông chính trong nhiều công ty thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Charoen, như BJC, TCC Land, ThaiBev, Fraser & Neave. Trong đó, ThaiBev là doanh nghiệp bia lớn nhất Thái Lan với thương hiệu Chang Beer (bia con voi). Tại Việt Nam, ThaiBev thông qua công ty con là Fraser & Neave (F&N) đang sở hữu 11% cổ phần của Vinamilk với giá trị 520 triệu USD. Trong đợt thoái vốn của SCIC tại Vinamilk tới đây, F&N cũng là một trong những ứng viên sáng giá mua cổ phần của Vinamilk. ThaiBev cùng nhiều đại gia bia Hà Lan và Nhật Bản khác đang chầu chực mua cổ phần của Sabeco. Hồi đầu năm ngoái, ThaiBev đã đánh tiếng về việc mua 40% cổ phần với giá 1 tỷ USD, tương ứng định giá 2,5 tỷ USD cho Sabeco nhưng thương vụ không thành công. BJC đã mua 65% cổ phần của Phú Thái Group, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng. Năm 2013, BJC đã mua lại cổ phần của đối tác Nhật trong chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B'smart với tổng cộng 94 cửa hàng trên khắp cả nước. BJC ban đầu còn đứng ra để đàm phán mua lại Metro Cash & Carry, tuy nhiên do một số cổ đông nhỏ của BJC không đồng ý, nên đích thân TCC Holdings đã đứng ra thực hiện thương vụ. Sau thương vụ này, TCC Holdings đã quyết định hợp nhất Metro Cash & Carry và Big C Thái Lan, đổi tên thành chuỗi MM Mega Market. Với TTC Land, thông qua công ty con SAS Trading Ltd, TTC Land hiện nắm giữ 65% cổ phần của Khách sạn 5 sao Melia Hà Nội. Siam Cement Group Không nổi bật như 3 tập đoàn lớn trên, nhưng SCG cũng đang là tập đoàn đa ngành có vị thế lớn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, như giấy, xi măng... Thâm nhập thị trường Việt Nam từ năm 1992, nhưng SCG nổi lên sau thương vụ mua lại 85% vốn Prime Group hồi 2012. Prime Group là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chuyên sản xuất gạch ốp lát. Ngoài ra, SCG còn gián tiếp sở hữu 2 doanh nghiệp ngành nhựa hàng đầu của Việt Nam là Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong và Nhựa Bình Minh, thông qua công ty con là The Nawaplastic Industries.
Việt Nam đang trở thành thị trường vô cùng hấp dẫn đối với giới doanh nhân và đầu tư Thái. Theo số liệu thống kê, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam đã tăng khoảng 35% từ mức 5,9 tỷ USD vào năm 2012 lên gần 8 tỷ USD vào giữa năm 2016. Quan hệ thương mại Việt Nam - Thái Lan đã tăng trưởng hơn 40% trong suốt 5 năm qua. Năm 2015, mức tăng trưởng tiếp tục đạt 10%, với tổng kim ngạch lên tới gần 13 tỷ USD. Năm 2020, kim ngạch thương mại giữa 2 nước có thể đạt 20 tỷ USD. Những năm gần đây, người Thái đang tấn công khá quyết liệt thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo Tri Thức Trẻ
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|