Viettel là một vấn đề khó trong đàm phán TPP |
Viết bởi An An |
Thứ hai, 19/09/2016, 12:03 GMT+7 |
Trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những vấn đề khó nhất của Việt Nam là trường hợp của Viettel, một doanh nghiệp nhà nước có cả mảng quốc phòng và kinh doanh. Điểm lại tiến trình đàm phán TPP của Việt Nam, tại Hội nghị tập huấn “Hội nhập quốc tế về kinh tế trong lĩnh vực TT&TT” do Bộ TT&TT tổ chức sáng 16/9/2016, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết một trong những vấn đề khó nhất khi đàm phán Chương “Doanh nghiệp nhà nước” là trường hợp của Tập đoàn Viễn thông quân đội Việt Nam ( Viettel). Theo ông Ngô Chung Khanh, “đây là lần đầu tiên Việt Nam cam kết khía cạnh doanh nghiệp nhà nước với các đối tác quốc tế. Trước đây, chúng ta chưa nghĩ rằng các tập đoàn như Viettel, VNPT, Dầu khí Việt Nam... chịu sự điều chỉnh của hiệp định thương mại quốc tế. Giờ khi ký cam kết TPP thì Viettel, VNPT... cũng đều phải tuân thủ”. “Trong quá trình đàm phán Chương “Doanh nghiệp nhà nước”, vấn đề khó nhất là trường hợp của Viettel. Vì Viettel có cả mảng quốc phòng và kinh doanh. Lúc đầu ta không chấp nhận cam kết vì đưa ra lý do Viettel là doanh nghiệp quốc phòng, nhưng các đối tác tham gia TPP đã phản biện rằng Viettel đặt mục tiêu vào top 10 doanh nghiệp viễn thông thế giới mà không chịu sự cạnh tranh, quy định của Hiệp định thì không chấp nhận được. Giờ Viettel là tập đoàn rất lớn, có sức cạnh tranh rất mạnh”, ông Ngô Chung Khanh kể. “Yêu cầu của Chương “Doanh nghiệp nhà nước” trong TPP là doanh nghiệp phải minh bạch (minh bạch cả báo cáo tài chính), chính phủ không được trợ cấp quá mức gây bất bình đẳng trên thị trường. Nhưng ta vướng vì Viettel có thực hiện những nhiệm vụ quốc phòng của Chính phủ. Cái này rất khó xử lý. Cuối cùng, chúng ta cam kết rằng với trường hợp Viettel, riêng mảng quốc phòng – an ninh sẽ được gạt sang một bên. Nhưng nếu cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, điện thoại... là những hoạt động thương mại thuần túy, thì phải minh bạch. Với cam kết này, rõ ràng Viettel có thuận lợi hơn trong việc tự xử lý minh bạch ”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên kể thêm. Theo tìm hiểu của , Hiệp định TPP riêng một Chương về doanh nghiệp nhà nước với nhiều yêu cầu như: Phải hoạt động theo cơ chế thị trường; Không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; Minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố; Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác. Tuy nhiên, các yêu cầu của Hiệp định TPP chỉ cam kết với các doanh nghiệp nhà nước đạt ngưỡng doanh thu nhất định. Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước cso doanh thu hàng năm dưới 16.000 tỷ đồng (khi Hiệp định có hiệu lực) và dưới 6.500 tỷ đồng (5 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực) không phải thực thi phần lớn nghĩa vụ Hiệp định; Loại trừ tất cả doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng, an ninh (riêng một vài doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an khi tham gia kinh doanh thông thường trên thị trường và cạnh tranh với doanh nghiệp của các nước TPP thì vẫn phải tuân thủ cam kết)... Cam kết lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước là một trong những cam kết lần đầu tiên Việt Nam ký kết với các đối tác nước ngoài. Một số cam kết lần đầu tiên đáng chú ý khác gồm: Cắt giảm gần 100% dòng thuế, toàn bộ biểu thuế đưa về 0% sau một lộ trình nhất định (chỉ duy trì 4 mặt hàng hạn ngạch thuế quan gồm đường, muối, thuốc lá, bông); Cam kết hoạt động mua sắm công; Cho phép thành lập tổ chức của người lao động không nhất thiết trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Cam kết vấn đề môi trường, thương mại điện tử; Đồng ý bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo tiêu chuẩn TRIPS+ ở nhiều nội dung quan trọng... Theo Tri Thức Trẻ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|