top-banner-2

Thứ tư, 25/06/2014, 14:23 GMT+7

Tư duy công nghiệp trong nông nghiệp & hạt giống 'made in VN'

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ tư, 25/06/2014, 14:23 GMT+7

Với Trần Xuân Trường - Tổng giám đốc công ty TNHH Việt Nông có nhiều quan điểm tưởng chừng như rất cũ - lấy nông nghiệp làm hướng đi chính. Chỉ có điều, anh đã đưa tư duy mới - tư duy của thế hệ doanh nhân 3.0 để... làm nông.

lam-nong-bang-tu-duy-cn

Là một người trẻ sinh năm 1976, gia đình lâu đời theo nghề nông, Trần Xuân Trường khẳng định, ở thời điểm hiện tại và tương lai, sẽ phải làm nông với một tư duy khác. Và đó cũng là cách anh đang làm với Việt Nông.

Duyên số với nghiệp... làm nông

Thời điểm anh khởi sự với Việt Nông, thị trường giống rau củ quả vẫn do nước ngoài chiếm lĩnh. Vì sao anh “dám” đầu tư vào lĩnh vực này khi chưa đến 30 tuổi?

Tôi bén duyên với đất đai, nông nghiệp... huyện Xuân Lộc, Đồng Nai từ năm 2004, sau khi ra trường và kết thúc công việc tại một công ty nước ngoài được 5 năm. Tôi mua 2 hecta đất, thêm anh em bạn bè, hùn vốn và khởi nghiệp từ 2 hecta đất ban đầu ấy. Vào ngành nông nghiệp là duyên số.

Tuy vậy, do gia đình bao đời làm nông nghiệp, bố mẹ không ai đồng ý cho tôi theo nghề này vì sợ khổ. Nhưng tôi vẫn theo. May mắn là khi ra trường, tôi va chạm ngay với một môi trường kinh doanh khá năng động trong một DN nước ngoài chuyên về nghiên cứu và sản xuất hạt giống. Thời điểm đó, thị trường giống của Việt Nam phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào giống ngoại nhập. Một số loại giống bản địa thì năng suất thấp và hay bị sâu bệnh. Tôi nhìn thấy tiềm năng lớn của thị trường này và ôm ấp ý định “ra riêng”.

Anh cùng các cộng sự đã bắt đầu mọi việc ra sao?

Năm 2006 tôi thành lập Việt Nông và bắt đầu hoạt động. Tôi gần như “sống” trên đồng, từ sáng đến tối: nghiên cứu, lai tạo, trồng thử, cải tiến… Tôi nghiêng về các loại rau ăn củ, quả. Các loại giống đến từ nhiều nguồn: thu thập giống bản địa, giống các vùng, miền, lưu trữ gen tại một số viện hoặc từ nước ngoài. Chúng tôi nghiên cứu, lai tạo, so sánh để cho ra những hạt giống khỏe, năng suất. Thất bại nhiều, nhưng vẫn cố làm đến khi thành công. Ra được loại giống nào, chúng tôi đem đi thuyết phục nông dân trồng thử. Rất hồi hộp, tôi theo dõi hàng ngày, như theo dõi từng cái trở mình của đứa con đầu lòng, và không có gì “sướng” bằng khi hạt giống mình làm ra đâm chồi, kết trái.

Nhưng rõ ràng với kinh nghiệm anh dễ dàng nhập khẩu giống, làm tốt công tác marketing rồi bán giống... lợi nhuận thu về nhanh hơn. Tại sao anh không làm? Điều gì khiến anh tin rằng mình có thể tạo ra những giống rau thuần Việt?

Thị trường rất nhiều giống, nhưng số lượng giống được nghiên cứu và sản xuất trong nước thì rất ít. Cty giống ở Việt Nam rất nhiều, song chỉ nhập hàng về bán, số Cty thật sự nghiên cứu giống rất ít. Nhiều người hỏi tại sao tôi không làm như thế, bởi mọi thứ: quan hệ, kiến thức, sự am hiểu thị trường… đều có đủ. Tuy nhiên, có 2 điều: thứ nhất là sự say mê, tôi tin mình hoàn toàn có thể tạo ra những loại giống “made in Việt Nam” chất lượng cao và cạnh tranh trực tiếp với nước ngoài. Thứ 2, tôi thấy tự ái, mình được học hành bài bản, lớn lên trong gia đình theo nghề nông, sinh sống trên một đất nước có hàng ngàn năm làm nông nghiệp, thì lý do gì mình không dám dấn thân vào lĩnh vực này? Nhưng tôi cho rằng, mình xây đắp đam mê đó dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết.

Để những hạt giống “made in VN” không chỉ là mong muốn

Lăn lộn với nông dân nhiều năm, theo anh, có khó khăn khi thuyết phục họ dùng giống sản xuất trong nước?

Ban đầu, thuyết phục nông dân dùng hạt giống trong nước không dễ, vì họ đã dùng hạt giống nhập khẩu quá lâu, cộng thêm tâm lý “sính ngoại”. Tôi thuyết phục họ trồng thử, hỗ trợ liên tục, chứng minh cho họ thấy chất lượng thực sự của loại giống đó. Với nông dân, chỉ nói thì không tin, phải làm ngay trên mảnh đất của họ. Còn khi đã chứng minh được chất lượng và hiệu quả, họ sẽ theo. Tôi khá liều khi “thách thức” tất cả các loại giống cùng loại trên thị trường lúc đó. Khi nông dân đã tin, thì hoạt động bán hàng suôn sẻ hơn. Hiện tại, một số loại giống do Việt Nông làm ra đã có doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Vì sao anh chọn đầu tư cho hoạt động nghiên cứu đến 20% lợi nhuận hàng năm. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận - múc đích kinh doanh của đa phần DN?

Tôi quan niệm hoạt động nghiên cứu là nền tảng. Từ khi thành lập đến nay, gần như 100% lợi nhuận chúng tôi làm ra đều tái đầu tư, trong đó đầu tư cho nghiên cứu chiếm một phần rất lớn.

Đội ngũ nghiên cứu tại trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (Cẩm Mỹ) khoảng gần 20 người, do một giám đốc nghiên cứu dẫn dắt. Họ là những kỹ sư trẻ “giàu sức chiến đấu”, đến từ Bắc, Trung, Nam. Họ ở lại trong trại của Việt Nông, nghiên cứu, lai tạo, trồng thực nghiệm…họ tạo ra các mô hình từ phòng thí nghiệm ra đến đồng ruộng để cho ra được những loại giống cây trồng có chất lượng và có tính cạnh tranh cao. Tôi đầu tư đến 20% lợi nhuận hàng năm cho mảng này và xác định, đây chính là bộ phận cốt lõi cho sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp.

Anh nói nhiều đếu con người của Trung tâm. Làm sao để thu hút những kỹ sư trẻ và lành nghề về làm việc ở một trung tâm nghiên cứu vùng xa, cách thành phố cả trăm km?

Thu hút những người trẻ về đây làm nghiên cứu không dễ, vì là một Cty chuyên về nông nghiệp, lại đóng ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng tôi may mắn tìm được những người có nhiệt huyết, có đam mê. Những ngày đầu khởi nghiệp, tôi không thể biết được mình thành công hay thất bại, tôi chỉ có thể làm với một niềm tin sắt đá nhất.

Hiện tại có hơn 400 người gắn bó với Việt Nông. Điều làm tôi cảm thấy vui là đã tạo cho họ một môi trường hoạt động dựa trên tính hiệu quả. Tôi không trọng bằng cấp, ngoài ý nghĩa là một trong những tiêu chí để tuyển dụng, quá trình làm việc sẽ quyết định tất cả. Có những công nhân ở nông trường lương còn cao hơn văn phòng, vì hiệu quả làm việc cao. Tôi muốn có một môi trường làm việc trong ngành nông nghiệp năng động và thực tế hơn.

Anh được biết đến như một câu chuyện thành công trong ngành nông nghiệp, lại ở một mảng khó như nghiên cứu và chế tạo giống và “sống khỏe” trên thị trường. Theo anh, làm gì để “câu chuyện” này trở nên phổ biến bởi thành công trong lĩnh vực này có quá khó khăn ?

Tôi không nghĩ quá khó để thành công trong ngành nông nghiệp như nhiều người suy nghĩ. Tôi biết nhiều người thành công với nghề này, với môi trường này. Có một điểm chung là đa số họ đi lên từ thực tiễn, từ những cán bộ kỹ thuật am hiểu ruộng đồng. Tôi cho rằng điều này là cần thiết. Thành công hay không lệ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thời cuộc, thị trường. Nhưng phải có sự dũng cảm để bắt đầu.

Anh từng nói anh tin mình đã chọn đi con đường đúng. Với anh, để cạnh tranh trong một thị trường nông nghiệp mở rộng sắp tới, điều quan trọng nhất là gì ?

Nhiều người cho rằng nông nghiệp những năm tới sẽ là một thị trường hấp dẫn, điều này đúng. Nhưng thực tế, thị trường này hiện tại đã cạnh tranh rất khốc liệt so với những ngày đầu tôi khởi nghiệp. Và sắp tới, tôi cho rằng cuộc chiến còn cam go hơn. Từ kinh nghiệm của mình, tôi nghĩ rằng, phải làm nông nghiệp với một tư duy khác hẳn, không thể mang “cái cuốc, cái cày” ra để cạnh tranh với nước ngoài được. Công nghệ chính là cốt lõi. Công nghệ sẽ giúp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh về giá. Thêm nữa, công nghệ sẽ giải quyết bớt tình trạng thiếu lao động nông nghiệp hiện tại.

Theo Fica

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Tư duy công nghiệp trong nông nghiệp & hạt giống 'made in VN'

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc