top-banner-2

Thứ ba, 24/06/2014, 14:05 GMT+7

Khi doanh nhân viết báo: Không chỉ là sở thích & nhu cầu

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ ba, 24/06/2014, 14:05 GMT+7

Ý thức sức mạnh truyền thông thông tin của báo chí đối với xây dựng thương hiệu, nhân hiệu, ngày càng có nhiều doanh nhân có nhiều doanh nhân tham gia viết báo. Không chỉ là sở thích & nhu cầu, đó còn là kỹ năng cần được các doanh nhân quan tâm & phát triển. 

Doanh nhân Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House), một nhà kinh doanh bất động sản (BĐS) có nhiều thành tựu và cũng là cây viết có nhiều tác phẩm báo chí, nghệ thuật đã dành thời gian chia sẻ về nghề viết báo.

le-chi-hieu

Doanh nhân Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House)

Viết báo - Nhu cầu tự thân

Trong giai đoạn khó khăn chung của thị trường vừa qua, đã xuất hiện một hình ảnh Lê Chí Hiếu mới, quan tâm đến việc tương tác với truyền thông hơn và đặc biệt hiện diện trên các mặt báo với tư cách người viết...?

Cũng không hẳn do khó khăn của thị trường hay DN mà tôi xuất hiện nhu cầu viết lách. Với tôi, viết lách là nhu cầu tự thân. Tôi đã tham gia viết từ nhiều năm qua, ban đầu từ các bản tin nội bộ để chia sẻ quan điểm, định hướng, kinh nghiệm quản trị, đối nhân xử thế, nắm bắt tâm lí khách hàng... với nhân viên và nội bộ các Cty trong tập đoàn nói chung. Bản tin nội bộ cũng là một công cụ rất hiệu quả để xây dựng văn hóa Cty, xây dựng những giá trị nhân văn, những kỹ năng mềm cho lực lượng nhân viên và các nhà quản lý trẻ. Vì lẽ đó mà tôi viết nhiều đề tài đa dạng về cả chiến lược kinh doanh, những bài học thực tiễn trong quản lý cho đến những đề tài về xã hội, phong thủy, triết học, văn hóa, âm nhạc, thể thao. Và tôi cũng viết cả về BĐS, lĩnh vực đã gắn bó khá lâu. Về sau, có nhiều tờ báo lớn cũng mời tôi viết, hoặc sử dụng lại những bài đã đăng trong bản tin.

Với cá nhân tôi thì viết lách không phải là chuyện gì… to tát và cho dù người ta làm việc ở lĩnh vực nào, nếu thực sự mê viết lách, có cảm hứng và có nhu cầu sáng tạo, cũng ít nhiều đều có thể tham gia viết, sáng tác hoặc lựa chọn một hình thức nào đó để thể hiện tư duy hoặc cảm xúc bản thân.

Vậy anh có quan niệm viết báo như một nhu cầu sáng tạo?

Báo chí có những tiêu chí riêng, mang nặng tính thời sự, tính phản ánh thực tại của cuộc sống. Nhưng báo chí cũng không hoàn toàn triệt tiêu tính sáng tạo mà ngược lại, những bài báo hay chắc chắn phải có hàm lượng sáng tạo cao trong cách đặt vấn đề, cách lý giải và cả trong bút pháp. Do đó tôi quan niệm không phải ai cũng viết báo hay làm báo được. Chẳng hạn như ngay trong nội bộ Thuduc House, tôi luôn động viên, khuyến khích anh em tham gia viết bài, nhưng tùy thuộc tố chất mà có người viết được, cũng có người không, cho dù chỉ nhằm chia sẻ hoặc trao đổi thông tin cho anh chị em trong Cty.

Một câu hỏi có lẽ hơi “ngược vai” một chút. Theo anh, đâu là những tiêu chí cơ bản một bài báo đúng nghĩa?

Báo chí phải có thông tin sống động, đặt ra được vấn đề, thậm chí là giải quyết vấn đề. Ngày nay, chúng ta có đa dạng hóa các kênh, các phương tiện truyền tải thông tin. Hoặc nói đơn giản một ấn phẩm xuất bản kiểu truyền thống như sách in, cũng chứa đựng vô vàn thông tin. Nhưng những thông tin của sách, khác hẳn với thông tin báo chí. Mọi kiến thức, ý tưởng, câu chữ, cảm xúc, kinh nghiệm của người viết, tác giả trong khi viết báo phải xuất phát trên cái nền là thông tin mới, là thực tế, là cuộc sống hiện tại đang diễn ra. Người viết báo phải làm sao để có một bài báo vừa có thông tin, vừa có thực tế, vừa có thể đưa ra cách thức xử lí khiến người ta đọc và thích thú, quan tâm đến thông tin đó. Thực sự viết báo không dễ.

Bạn đồng hành của DN

Đối với anh, thời gian để tư duy viết báo có lẽ sẽ rất eo hẹp?

Với một nhà lãnh đạo, phẩm tính cơ bản là trước hết là phải có năng lực quản lí bản thân, tức quản lí thời gian, sức khỏe của chính mình. Không quản lí được điều đó thì sẽ không quản lí được DN. Nghề tổng giám đốc, điều hành lại càng phải chú trọng bồi dưỡng năng lực đó. Tôi sắp xếp thời gian viết báo, viết các tham luận cho hội thảo hay sáng tác nhạc… khá đơn giản. Có khi tôi viết khi đang ngồi trên xe đi công tác. Bài hát “Hoa giấy Doha” tôi viết trên máy bay khi trở về từ chuyến công tác Doha.

Hiện nay, cũng có nhiều doanh nhân viết báo để giới thiệu DN, thương hiệu, làm nhân hiệu cá nhân hoặc nêu tiếng nói phản biện về một sự kiện nhằm bảo vệ lợi ích cho ngành, cho lĩnh vực, hoặc cho chính DN. Anh nghĩ gì về điều này?

Tôi cho là chuyện tốt. Trước hết, điều đó phục vụ cho nhu cầu thông tin của DN. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp theo tôi đó là các bài viết tự giới thiệu, quảng cáo hoặc kiến nghị, không hẳn là một bài báo. Bản thân các nhà báo cũng có nhiều người viết như vậy. Nhưng cũng có những nhà báo có kỹ năng viết khéo léo hơn, chuyển tải vấn đề sinh động hơn, và thậm chí khiến người đọc đọc một bài viết PR quảng cáo nhưng không nghĩ đó là quảng cáo... tôi nghĩ ăn thua là khả năng viết.

Nói nhiều đến nhu cầu thông tin, dưới góc độ một “cây bút”, anh đánh giá ra sao vai trò tương tác, hỗ trợ thông tin của báo chí đối với DN hiện nay như thế nào?

Phải khẳng định báo chí luôn có vai trò quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt ở góc độ thông tin. Cuộc sống đó bao gồm DN. Báo chí có thể đưa ra cách nhìn phản biện xã hội, phản ánh bức xúc xã hội, thực trạng DN, bức xúc DN... Báo chí và DN có vai trò tương hỗ cho nhau, nhưng cũng có lúc báo chí... làm hại DN. Đặc biệt có nhiều trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”, có nhà báo dụng ý xấu viết báo để “đánh” DN nhằm những mục đích không trong sáng. Do đó, vai trò hỗ trợ này nên bao gồm sự giám sát thông tin hai chiều, đồng thời việc quản lý, bồi dưỡng anh em nhà báo để có đủ khả năng, phẩm chất trong nghề nghiệp của mình cũng là điều cần quan tâm. Trên cơ sở đó mới có thể có nguồn thông tin đúng và minh bạch, các bài viết mới phát huy được chức năng truyền thông, cảnh tỉnh, giáo dục của mình.

Vậy dưới góc độ DN, khi rơi vào trường hợp “bị báo chí làm hại”, anh ứng phó ra sao?

Tôi chọn cách đối thoại trực tiếp. Có thể mời các cơ quan báo chí khác cùng lắng nghe DN đối thoại. Đó là cách đơn giản và minh bạch nhất. Trong trường hợp sau đối thoại nhưng mọi người vẫn nhận thức về thông tin không đúng, DN có thể trao đổi lên các lãnh đạo của báo để có tiếng nói chính xác nhất tới độc giả. Hiện nay, các tòa soạn báo đã vô cùng cởi mở và chào đón sự minh bạch, tương tác thông tin từ phía DN. Báo chí Việt Nam nói chung, đều đặt sự minh bạch và trung thực thông tin, hợp tác đồng hành cùng DN lên hàng đầu.

Hoàng Quyên vanhoa.1

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Khi doanh nhân viết báo: Không chỉ là sở thích & nhu cầu

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc