top-banner-2

Thứ tư, 27/11/2024, 10:46 GMT+7

Thu hút nguồn lực tạo các đối tác phát triển nông nghiệp bền vững

Viết bởi ducanh   
Thứ tư, 27/11/2024, 10:46 GMT+7

Từ năm 2010, Ban Chỉ đạo Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) đã được thành lập để kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam theo hình thức Đối tác công tư (PPP).

thu-hut-nguon-luc-tao-cac-doi-tac-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung chủ trì buổi họp Ban Chỉ đạo Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hôm nay (25/11), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung chủ trì buổi họp Ban Chỉ đạo Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV).

Buổi làm việc nhằm tổng kết hoạt động hợp tác công - tư trong khuôn khổ PSAV và chuẩn bị cho phiên họp toàn thể PSAV 2024 với chủ đề "Hợp tác công - tư thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm và nông nghiệp".

PSAV do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, đại diện khối công làm Trưởng ban Chỉ đạo và Tổng Giám đốc Nestle Việt Nam, đại diện khối tư làm đồng chủ trì. Ban Thư ký PSAV đặt tại Vụ Hợp tác quốc tế và có 8 nhóm công tác PPP ngành hàng do các Cục, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hiệp hội và doanh nghiệp đồng chủ trì gồm cà phê, chè, gạo, rau quả, hồ tiêu và gia vị, hóa chất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, các nhóm hoạt động tập trung đưa ra các mô hình canh tác bền vững, kết nối, phổ biến cho nông dân của các ngành hàng.

Với nhóm cà phê do Cục Trồng trọt và Nestle đồng chủ trì, ngoài các mô hình hiệu quả như NestCafé Plan và nông nghiệp tái sinh, nhóm đã giúp xây dựng bộ sách hướng dẫn canh tác cà phê bền vững theo đúng tiêu chuẩn, yêu cầu của người mua trên toàn cầu. Nhóm ngành hàng tiêu đã kịp thời can thiệp khi tiêu có bệnh để duy trì tiêu xuất khẩu, cùng đó đưa ra quy trình canh tác tiêu bền vững…

Ngoài ra các nhóm gạo, rau quả đã đưa ra nhiều mô hình, dù chưa hình thành quy trình canh tác bền vững nhưng đã có những hoạt động tích cực với phía đồng chủ trì là các cơ quan quốc tế, chia sẻ cho các địa phương và doanh nghiệp khác trong hệ thống PSAV.

Liên quan đến mạng lưới đổi mới sáng tạo, một trong những nội dung gắn với chủ đề của năm nay, ông Tuấn cho biết, mạng lưới sẽ được xây dựng dựa trên hệ thống PSAV và bổ sung các thành tố về đổi mới sáng tạo, có sự tham gia của các Bộ, ngành khác, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đối với các hoạt động của mạng lưới đổi mới sáng tạo hệ thống lương thực, thực phẩm, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế chia sẻ, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thảo luận phương pháp, chính sách phải tháo gỡ nhằm thúc đẩy thay đổi và sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu, đặc biệt là tận dụng các chuyên gia để có thể đưa ra những sáng kiến mới, sáng tạo trong hệ thống lương thực, thực phẩm Việt Nam; dựa trên hoạt động của các nhóm và đặc biệt là hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy hoạt động thiết lập trung tâm đổi mới sáng tạo, các vườn ươm quy mô nhỏ cấp địa phương; lồng ghép hệ thống đổi mới sáng tạo trong các hoạt động của PSAV.

Về hoạt động cụ thể của một số nhóm điển hình, đại diện Cục Trồng trọt, đồng chủ trì nhóm PSAV ngành hàng cà phê và chè cho biết, ngành hàng cà phê đã đạt được nhiều kết quả quan trọng thông qua sự phối hợp giữa các nhóm công và tư.

Khối công đã ban hành thực hiện thành công Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020. Ngoài ra, giai đoạn 2010-2015, Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án phát triển cà phê bền vững.

Trong khuôn khổ PSAV, tất cả các chương trình đều có sự hỗ trợ, phối hợp của khối tư nhân trong triển khai một số nội dung như hỗ trợ giống, kỹ thuật, tuyên truyền… Bên cạnh đó, nhóm đã xây dựng quy trình tổng thể cho cây cà phê trong đó bổ sung nội dung về an toàn lao động trên cây cà phê. Năm 2024, hoạt động của nhóm cà phê tập trung vào quy định của châu Âu về chống phá rừng và không suy thoái rừng (EUDR).

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đồng chủ trì nhóm gạo và rau quả. Đại diện Trung tâm cho biết, đơn vị đã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo để nâng cao năng lực cho địa phương; chia sẻ mô hình về giải pháp xanh đối với sầu riêng, khoai tây, trái cây… Bên cạnh đó, hỗ trợ cho 30 nhóm nông dân tiếp cận khoản vay hơn 2 tỷ đồng đầu tư cho sản xuất rau, củ quả.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng, hợp tác công - tư cần đảm bảo đúng ý nghĩa, có sự thiết thực và mang lại giá trị. PSAV với 8 nhóm công tác có thể được coi là thiết chế, công cụ giúp Bộ NN&PTNT thực hiện tốt các nhiệm vụ của từng lĩnh vực. Đặc biệt, đây là hình thức kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Theo đó, để kêu gọi các nguồn lực hiệu quả cũng như tăng cường phối hợp trong hợp tác công - tư thời gian tới, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị rà soát, xem xét cơ sở pháp lý của hoạt động PSAV; nêu bật nội dung chuyển giao công nghệ trong vấn đề khoa học của từng lĩnh vực; xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ điều hành, hợp tác chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu đổi mới phương thức truyền thông để nội dung tuyên truyền đến đúng đối tượng, đối tác, đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị thuộc Bộ với nhóm cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế… với sự điều phối của một đầu mối.

(nguồn: baochinhphu.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Thu hút nguồn lực tạo các đối tác phát triển nông nghiệp bền vững

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc