Chuyện con sói và bầy cừu: Bài học kinh doanh ý nghĩa ai cũng cần biết để không bị vấp ngã |
Viết bởi An An |
Thứ năm, 22/12/2016, 09:53 GMT+7 |
Trong cuộc sống cũng như kinh doanh, chính những mối nguy hiểm lại khiến chúng ta sống tốt hơn và vươn lên đạt được thành công. Thử thách chính là thước đo của sự cố gắng và lòng dũng cảm. Có một người chăn cừu quyết định đưa đàn cừu của mình lên sống ở phía bắc. Ban đầu, khí hậu ở đây rất dễ chịu, mát mẻ và thích hợp cho đàn cừu, nên chúng sống rất phởn phơ, thoải mái. Tuy nhiên, cũng vì thế mà đàn cừu trở nên lười biếng. Chúng không chạy đi xa để kiếm ăn mà chỉ ăn cỏ xung quanh núi, nơi có khí hậu dễ chịu. Rồi mùa đông đến, nhiệt độ xuống rất thấp, thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, nguồn thức ăn bị cạn kiệt. Hầu hết cây cỏ không thể mọc được do mưa tuyết. Vừa chịu cái giá lạnh của mùa đông, lại bị khan hiếm nguồn thức ăn nên nhiều con trong đàn cừu đã chết rét. Do đã quen với việc kiếm ăn gần và lười vận động, những con cừu còn lại cũng không biết tìm đến những nơi có nguồn thức ăn mới hoặc chạy đi xa hơn để tránh giá rét khiến số lượng cừu tiếp tục rơi rụng dần. Trước hoàn cảnh đó, người chăn cừu đã rất lo lắng. Anh ta suy nghĩ mãi rồi quyết định lựa chọn một giải pháp liều lĩnh: Thả một con sói vào sống cùng bầy cừu. Từ khi sống chung với sói, bầy cừu luôn cảm thấy tính mạng của chúng bị đe do. Chúng bắt đầu chạy trốn đi xa khỏi sự truy đuổi của sói và tìm đến những vùng núi mới có nhiều cỏ xanh hơn. Chính sự vận động ấy đã giúp bầy cừu khỏe hơn, chống lại cái rét, và số lượng cừu bị chết rét cũng giảm đi rất nhiều. Có thể thấy, trong cuộc sống cũng như kinh doanh, chính những mối nguy hiểm lại khiến chúng ta sống tốt hơn và vươn lên đạt được thành công. Thử thách chính là thước đo của sự cố gắng và lòng dũng cảm. Một ví dụ điển hình cho cho ý chí vượt qua thử thách để vươn lên thành công không ai khác chính là Tổng thống đắc cử của Mỹ - tỷ phú Donald Trump. Sinh ra may mắn, khởi đầu thuận lợi nhưng không phải lúc nào con đường của Donald Trump cũng trải hoa hồng và có những lúc vận may đã “ngoảnh mặt” với ông. Sự nghiệp kinh doanh của Donald không ít lần lao đao với 4 lần phải tuyên bố phá sản. Từ một tỷ phú lẫy lừng trở thành kẻ trắng tay, nợ nần chồng chất chỉ trong một đêm không còn là chuyện lạ với Trump. Tình cảnh bết bát nhất của Donald Trump là vào thời điểm cuối những năm 80 khi thị trường bất động sản Mỹ đóng băng, nhà cửa, văn phòng, khách sạn ế ẩm, không cho thuê được, khi nợ vay ngân hàng bủa vây tứ phía. Ông đã phải bán rất nhiều tài sản để trả nợ nhưng vẫn không thấm tháp vào đâu vì theo một số nguồn tin khi đó con số nợ khổng lồ lên đến 5 tỷ USD. Sau này kể lại, ông đã ví von tình cảnh của mình lúc đó còn “bi đát hơn một kẻ ăn xin không nhà cửa trên đại lộ số 5 nổi tiếng của New York”. Thế nhưng, vượt qua giai đoạn khủng hoảng khó khăn, Donald Trump vẫn vươn lên trở thành một trong những tỷ phú thế giới và là ông trùm bất động sản cực kì thành công ở Mỹ. Không những thế, trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, mặc dù bị chỉ trích và đánh giá là yếu thế hơn bà Hillary Cliton, nhưng bằng những cố gắng và nỗ lực phi thường, một lần nữa ông Trump lại giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ để trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Một ví dụ khác phải kể đến là trường hợp của Apple – gã khổng lồ ở thung lũng Silicon. Nếu đi hỏi ai đó sống lâu năm trong ngành công nghệ về Apple, hẳn bạn sẽ nhận được câu trả lời khá bất ngờ: Apple nay đã khác xưa! Mới gần đây, Mary Meeker, nhà đầu tư có tiếng tại Thung lũng Silicon cho rằng doanh số bán iPhone đã qua thời kỳ đỉnh cao và Amazon có thể tận dụng thời cơ này để vươn lên. Trước đó, một nhà phát trển cũng có đặt câu hỏi liệu Apple đã đầu tư đúng mức vào trí tuệ nhân tạo để tránh được định mệnh đau thương của BlackBerry hay không. Thế nhưng tất cả những nghi ngại đó vẫn chưa là gì so với thuở Apple chạm đáy vào cuối những năm 90. Tháng 6 năm 1997, đúng 19 năm về trước, tạp chí công nghệ Wired từng xuất bản bức ảnh bìa nay đã trở nên nổi tiếng với hình ảnh logo trái táo 6 màu của Apple bị trói trong một mớ dây kẽm gai với tựa đề ngắn gọn: “Hãy cầu nguyện đi!” Trước thời điểm nước sôi lửa bỏng đó, năm 1985, nhà đồng sáng lập Steve Jobs từng bị sa thải khỏi Apple do những mâu thuẫn với hội đồng quản trị công ty. Đến năm 1993, cựu CEO lâu năm John Sculley cũng rời bỏ công ty sau một vố trượt dài về doanh số cùng hàng loạt quyết định sai lầm như việc cho ra mắt nền tảng trợ lý số Newton. Đến năm 1996, Gil Amelio giữ ghế CEO của Apple. Và trong lúc đối diện với sức ép từ nhiều phía mà không biết phải làm gì, Amelio quyết định mua lại NeXT, công ty PC riêng của Steve Jobs, vô tình kéo nhà đồng sáng lập này quay lại đội hình Apple. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Jobs đã “hất cẳng” Amelio trong một cuộc họp ban điều hành. Kể từ đó đến nay, nhờ những cố gắng nỗ lực trong điều hành và quản lý, Steve Jobs đã vực dậy Apple trở thành một trong những gã khổng lỗ ở thung lũng Silicon với những cuộc cách mạng mới cho các sản phẩm iPod, iPhone, và iPad. Tờ Wired từng chỉ trích rằng: “Thừa nhận đi, Apple, các vị đang bị xóa sổ khỏi ngành công nghiệp phần cứng. Apple chỉ biết đặt hàng hết khâu sản xuất phần cứng cho bên khác hay làm sao đó để cạnh tranh trực diện với Microsoft nhưng thực chất chẳng sản xuất nổi mấy cái hộp giấy.” Thế nhưng, nếu Apple quay lại tự sản xuất phần cứng thì có lẽ cả thế giới đã không biết đến một siêu phẩm mang tên iPhone. Thay vào đó, hãng đặt dây chuyền sản xuất của Foxconn và một số nhà máy khác tại Trung Quốc. Máy tính Mac lại là một phần riêng biệt khác. “Việc bị chính công ty do mình sáng lập sa thải đã tạo bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi. Trở ngại của thành công được thay thế bằng ánh sáng khi bạn nhìn thấy một con đường mới và hoài nghi về mọi thứ. Tôi đã được tự do để thỏa sức sáng tạo trong suốt cuộc đời mình” – Jobs từng chia sẻ về giai đoạn khó khăn của cuộc đời ông. Theo Tri Thức Trẻ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|