Thị trường chứng khoán Việt đã tạo ra một tầng lớp siêu giàu như thế nào? |
Viết bởi An An |
Thứ tư, 21/12/2016, 15:43 GMT+7 |
Tính đến ngày 21/12/2016, để lọt vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán thì giá trị cổ phiếu tối thiểu phải là 2.200 tỷ đồng, tức còn lớn hơn tổng tài sản của nhiều doanh nghiệp trên sàn. 10 năm trước đây, nhắc đến 2 chữ “đại gia”, người ta thường nghĩ đến những người làm giàu từ kinh doanh buôn bán và bất động sản. Khi thị trường chứng khoán bùng nổ năm 2006, một thế hệ người giàu mới khác xuất hiện và được gọi là đại gia chứng khoán. Giá trị số cổ phiếu mà họ nắm giữ lên đến cả nghìn tỷ đồng. Những đại gia chứng khoán 10 năm trước Thời điểm cuối năm 2016, để lọt vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, giá trị tài sản tối thiểu là 836 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2006, không ai khác ngoài ông Trương Gia Bình bởi vì FPT là cổ phiếu “trong mơ” khi đó. Tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT) niêm yết trên sàn chứng khoán vào ngày 13/12/2006 và đóng cửa phiên giao dịch hôm đó, giá cổ phiếu là 400.000 đồng. Chỉ trong vòng nửa tháng, giá cổ phiếu FPT đã tăng 15% và chốt ngày cuối năm 2006 tại mức giá 460.000 đồng. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch CTCP FPT Khi đó, giá trị của số cổ phiếu mà ông Trương Gia Bình nắm giữ đạt gần 2.400 tỷ đồng. Dàn lãnh đạo của FPT cũng đều trấn giữ các vị trí trong top. Hai Phó tổng giám đốc của FPT là ông Lê Quang Tiến và ông Bùi Quang Ngọc giữ vị trí thứ hai và thứ ba. Giữ vị trí thứ 6 và thứ 8 là ông Hoàng Minh Châu, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc và ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên Hội đồng quản trị. Trong danh sách này còn có Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Thuỷ sản Minh Phú (MPC) Lê Văn Quang, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và ông Trần Kim Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, nay đổi tên thành Tập đoàn Kido (KDC). Các năm sau đó, những cái tên như ông Phạm Nhật Vượng, ông Đoàn Nguyên Đức, ông Đặng Thành Tâm, ông Trần Đình Long… thay phiên nhau “trấn giữ” những vị trí cao nhất trong top người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đại gia chứng khoán năm 2016 đã ở một tầm cao mới Tính đến ngày 21/12/2016, để lọt vào top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán thì giá trị cổ phiếu tối thiểu phải là 2.200 tỷ đồng, tức còn lớn hơn tổng tài sản của nhiều doanh nghiệp trên sàn, trong đó có doanh nghiệp dầu khí như Tổng Công ty Dung dịch Khoan và Hoá phẩm Dầu khí – CTCP (PVC) hay bất động sản như Long Giang Land, An Dương Thảo Điền… Ông Trương Gia Bình, ông Đoàn Nguyên Đức, Nguyễn Duy Hưng, Lê Phước Vũ … đều không lọt top nữa. Năm trước, giá trị tài sản tối thiểu của top 10 chưa đến 1.500 tỷ đồng. Cũng nhờ thị trường chứng khoán, Việt Nam xuất hiện 2 tỷ phú Dollar là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC. Giá trị tài sản của người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt - ông Trịnh Văn Quyết đang là 30.631 tỷ đồng tương đương hơn 1,3 tỷ USD nhờ sở hữu hàng trăm triệu cổ phiếu FLC và ROS. Mở rộng ra thì danh sách top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt đòi hỏi giá trị tài sản tối thiểu là 200 tỷ đồng – cũng không phải là một con số bé nhỏ. Trong năm 2016 và năm tới, khi hàng loạt doanh nghiệp có quy mô rất lớn lần lượt lên sàn chứng khoán thì đội ngũ những người "siêu giàu" sở hữu lượng cổ phiếu giá trị hàng nghìn tỷ sẽ còn thêm nhiều cái tên mới. Ví dụ như bà Phương Thảo của Vietjet Air - người được Bloomberg gọi là nữ tỷ phú dollar đầu tiên của Việt Nam, hay gần nhất, khi cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi lên UPCOM thì các lãnh đạo của công ty ngay lập tức đã xuất hiện trong danh sách những người giàu có nhất. Theo Tri Thức Trẻ
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|