Ông chủ Khaisilk và những quyết định rất… Khải |
Viết bởi Văn Tuyết |
Thứ hai, 11/08/2014, 11:04 GMT+7 |
Doanh nhân Hoàng Khải thành công nhờ không tuân theo những quy tắc thông thường. Mười năm trước đây, hãng tin Reuters (15/3/2004) viết về anh: “Hoàng Khải - một nhãn hiệu hàng đầu về lụa tơ tằm Việt Nam đã chuyển sang một phong cách kinh doanh cao cấp riêng và đã thành công nhờ không tuân theo những quy ước thông thường”. Quả là họ đã có con mắt tinh đời. Lần đầu tiên sau nhiều năm “giấu kín” đời tư của mình, trò chuyện với chúng tôi, anh trở nên cởi mở, tự tin, sâu sắc hơn, với những lời tâm tình rất thẳng thắn về những thăng trầm của đời và nghiệp. Đẹp và không rập khuôn Là một trong rất ít nhà đầu tư đã chọn Phú Mỹ Hưng từ khi chỉ là đầm lầy nước đọng, lý do gì lúc ấy anh dám “đặt cược” cả đời mình vào vùng đất mới này? Buổi đầu tiên chung tay giúp Phú Mỹ Hưng xây dựng thành phố, có lẽ Phú Mỹ Hưng đã nhìn thấy khả năng, cách đầu tư, con người nghệ thuật, con đường tiên phong của mình, nên chọn tôi là “partner”. Lòng tin tưởng ở mức độ cao khiến tôi quyết định chuyển hướng sang Phú Mỹ Hưng. Thực sự có những lúc hơi nản, bởi đường xá, cầu cống còn lạc hậu, ách tắc giao thông liên miên, khiến cho việc đi lại của mọi người rất khó khăn. Nhưng tôi nhìn thấy quyết tâm của Phú Mỹ Hưng khi giao đất cho tôi toàn vị trí đẹp, nhìn thấy quyết tâm của Nhà nước khi xây dựng ba cây cầu, làm thay đổi hẳn bộ mặt của một vùng đất, nên sẵn sàng theo đuổi đến cùng dù có những rủi ro rất cao trong những ngày đầu. Giờ mọi thứ tốt rồi, nhìn lại thành quả tôi thấy hạnh phúc.
Hoàng Khải tại một trong những nhà hàng của anh. Điều gì đã giúp anh đi trước một bước so với thẩm mỹ của số đông, để tạo nên những không gian sống có thể nói là lý tưởng? Chính không gian rộng rãi nơi đây giúp tôi có điều kiện để thực sự phóng tay. Đi nước ngoài nhiều, thấy những sản phẩm rất cao cấp giúp cho con người có cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, tôi mạnh dạn thuê những kiến trúc sư giỏi của thế giới, đầu tư rất mạnh tay để tạo nên những không gian sống đáng mơ ước. Thủy triều lên xuống là chuyện bình thường Một câu hỏi hơi tò mò. Có người nói, Khaisilk lấy đâu ra lắm tiền thế để tái đầu tư mở rộng liên tục với những dự án “khủng”, khi các nhà hàng của anh thường rất kén khách và vắng khách? Nói về vốn, so với thời đầu tiên, bây giờ còn khó khăn hơn nhiều. Kinh tế khủng hoảng ở mức sâu, người dân thắt chặt chi tiêu, để vượt qua thời đó không khó như bây giờ. Đối tác của tôi là Parkson nổi tiếng ở châu Á, nhưng trong tình hình kinh tế èo uột này chỗ nào cũng vắng vẻ, đó là bức tranh ảm đạm của thị trường tiêu dùng. Khi kinh tế phát triển, người người tiêu tiền, nhà nhà làm bất động sản để kiếm lời nhanh chóng theo kiểu chộp giật, doanh nghiệp nào cũng thành công. Có những lúc giá thuê văn phòng lên đến 50 - 100 USD/m2, mọi người đâu nhìn thấy lỗi. Nhưng khi kinh tế đi xuống, lỗ nọ chồng lỗ kia, lúc ấy mới bộc lộ ra tất cả những khiếm khuyết. Khó khăn là khó khăn, nhưng phải vượt qua. Trong quá trình sàng lọc của thị trường, mình vẫn đứng vững. Tôi vẫn quyết định mở cửa Paragon, Tajmasago, bởi tôi tin khi nước cạn hết lộ ra đáy, sẽ có một cơn thủy triều mới. Đó là quy luật. Thủy triều lên xuống là chuyện bình thường, có bao giờ cạn mãi đâu. Mặt khác, tôi có mối quan hệ tốt với ngân hàng, và những thứ tôi làm đều thuê được rất rẻ, vì mình là người tiên phong. Kinh doanh thì không ai không vay nợ, tôi vay vốn từ nhiều ngân hàng, điều quan trọng là mọi người đều ngồi lại với nhau và thảo luận, cùng tìm ra giải pháp. Khó tôi thì có khó anh không?
Một bức ảnh thời trẻ với những nét rất ngang tàng, được Hoàng Khải "khoe" với các bạn của anh trên trang cá nhân. Ngoài việc phải cân đối chi tiêu để đối xứng với ngân hàng, ba năm vừa rồi tôi đã có một màn marketing ngoạn mục, không biết mọi người biết chưa? Trước đây tôi chỉ chú trọng khách thượng lưu, giờ tôi muốn nhiều người hơn biết đến sản phẩm của mình. Giảm giá 40-50% cho chuỗi 20 sản phẩm của mình trên mạng, nhưng không có nghĩa sản phẩm không cao cấp, không còn là hàng sang. Đây là cách marketing hiệu quả nhất tôi từng làm, vì đem lại lợi ích thiết thực đến cho khách hàng. Bán deal giảm giá chỉ là giải pháp để phát triển bền vững… trong khoảnh khắc! Tôi dự định 2015 sẽ dừng lại, lúc đó tôi đã có được lượng khách ổn định. Hy sinh ba năm vừa rồi, tất cả phải trả lại giá trị thực. Hiện các mảng kinh doanh hiện hữu từ 12 cửa hàng sản phẩm lụa mang thương hiệu Khaisilk và khách sạn cao cấp mới mở Tajmasago đều đang đem lại nguồn thu đều đặn, dù không lớn. Anh phải đối diện với khó khăn nào trong triển khai dự án Paragon, khi đối tác là bà Hoài Anh ở công ty Thủy Lộc bỏ đi, và có nhiều tin đồn về nợ nần? Người ta đi hay ở là chuyện rất thường tình, không có gì đặc biệt. Đó là kinh doanh mà. Những đối tác khác có thể bỏ đi, nhưng Hoài Anh với tôi thì vẫn thế, 50-50% mà. Ban đầu Paragon gặp khó khăn trong việc lấp đầy diện tích. Các công ty thuê tại đây như rạp chiếu phim Megastar, trung tâm thương mại Parkson… chịu cảnh vắng khách. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã cải thiện nhiều, 80% diện tích cho thuê đã được lấp đầy. Trong khi đó, tình hình kinh doanh chung của thị trường vẫn khó khăn. Trong kinh doanh, anh có hai mối “se duyên” ở hai thời điểm rất khác nhau, việc chọn lựa đối tác làm ăn, anh quan tâm điều gì nhất? Tôi có nhiều sự lựa chọn. Đối tác mới nhất của tôi là bà Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Quảng cáo Saatchi & Saatchi Việt Nam. Tôi chỉ chọn đối tác khi nhìn thấy danh tiếng của công ty và phải có lòng tin. Lòng tin có thể bị xâm hại nhưng vẫn phải có, vẫn phải giữ sự tôn trọng lẫn nhau, vì bất trắc lúc nào cũng có thể xảy ra. Sự tôn trọng, tin tưởng không chỉ đến từ đối tác, mà phải từ mỗi nhân viên, mới có được kinh doanh bền vững. Vậy anh hy vọng đến bao giờ mới đạt được doanh thu kỳ vọng? Thực sự thì vẫn dưới mức mong đợi, bởi lượng người đạt đến mức tiêu xài những sản phẩm của tôi không đủ, và có lẽ đã không đủ từ 10 năm nay rồi. Nhưng rất may là không lỗ, cũng nhờ làm event, hội họp, du lịch. Khách đến với Khaisilk không hoàn toàn là người Việt Nam, họ sẵn sàng chi tiêu xa xỉ cho nhu cầu hưởng thụ của mình nên cũng mang lại lợi nhuận nhất định. Tôi cũng biết ngồi chờ… đếm like dạo! Anh đang tận hưởng cuộc sống như thế nào? (Cười hết cỡ) Tôi hưởng thụ trên trời dưới bể, phải hưởng thụ như vậy mới có trải nghiệm cuộc sống để làm ra những sản phẩm khác biệt. Thậm chí tôi tự tạo ra những sản phẩm mới và hưởng thụ nó ngay lập tức, lấy mình làm “phòng thí nghiệm” để tạo ra sản phẩm mới. Trong cuộc sống, anh coi trọng giá trị nào nhất? Mỗi chúng ta ai cũng đều có thêm rất nhiều đời sống khác, đời sống âm nhạc, đời sống hội họa, đời sống văn chương…chính điều đó làm giàu có hơn tâm hồn. Giá trị âm nhạc tùy thuộc vào trình độ, sự học hỏi của mỗi người. nếu nói Việt Nam không có đời sống âm nhạc, tôi nghĩ là hơi phiến diện một chút. Ngồi đây, chị có thể nghe văng vẳng tiếng opera thánh thót trong lâu đài. Nếu nghệ sỹ đó đến đây, không biết người ấy có thốt như vậy không? Vẫn có những dòng chảy ngầm trong tâm hồn người Việt về dòng nhạc cổ điển, chỉ có điều bao giờ nó sẽ trào lên để mọi người cùng nhìn thấy? Và thực sự có cơ hội để nó trào lên không? Đó vẫn là một câu hỏi. Phong cách của ông chủ Khaisilk hiếm khi bị lẫn vào đám đông. Thẩm mỹ của anh được hình thành do đâu? (Cười ý nhị) Trời cho thôi chị ơi. Tôi cũng không biết nó hình thành từ đâu. Nhìn lại tuổi thơ, mình cũng giống như bao đứa trẻ khác. Nhưng có một điều đặc biệt là rất chăm chỉ. Cặm cụi hàng ngày thêu cờ kiếm tiền phụ mẹ, thổi cơm để cho mẹ chở hàng ra phố bán… Thời chiến tranh đi sơ tán chẳng có cơ hội gì để hoàn thiện thẩm mỹ, nhưng tôi có một đam mê từ nhỏ là mê kiếm tiền lắm. Học xong trung học tôi đã quyết tâm phải làm cái gì thật đặc biệt để kiếm tiền, luôn thích tạo ra cái mới, đẹp, dẫn đầu… Đó là khả năng tiềm ẩn giúp tôi chinh phục những thử thách sau này trên bước đường kinh doanh, để luôn đi đầu trong phong cách sống. Nhưng tính cách của anh cũng thay đổi rất nhiều theo thời gian và trải nghiệm? Tính cách được vun đắp và hoàn thiện theo thời gian, nhưng tôi vẫn là tôi, chỉ có điều sâu lắng hơn. Cách để anh có thể truyền đam mê cho đội ngũ nhân viên của mình? Phải sản xuất và tái tạo liên tục để tạo ra những sản phẩm có một không hai là năng lượng thiêu đốt con người hướng về cái đẹp. Tôi thực sự “đốt cháy” mình, và “đốt cháy” toàn đội ngũ. Một ngày của anh trôi qua như thế nào? Không bận rộn lắm. Tôi vào Facebook rất nhiều, một ngày trung bình 3 đến 4 giờ, cũng biết ngồi chờ… đếm like dạo! Đây là nguồn thông tin quý giá cho một lãnh đạo, để hiểu được dòng suy nghĩ của con người, của thời cuộc, của xã hội. Cập nhật thông tin rất nhanh. Trò chuyện với các em nhỏ, những người mới khởi nghiệp, chia sẻ những ước mơ, hoài bão, khích lệ các bạn trẻ mới bước vào đời, gửi đến mọi người lời chào mỗi buổi sáng, lời cảm ơn mỗi buổi chiều… tôi muốn giáo dục và lan tỏa cách sống của mình. Lan tỏa phong cách sống của mình chính là… siêu tiếp thị (cười). Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|