top-banner-2

Chủ nhật, 03/08/2014, 10:07 GMT+7

Kỳ vọng đưa vang vào bữa cơm gia đình Việt

Chủ nhật, 03/08/2014, 10:07 GMT+7

Tháng 4/2014, khi đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Lâm Đồng - VDL (doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Vang Đà Lạt), ông Phạm Hoàng Long được xem là người trẻ tuổi nhất trong đội ngũ cán bộ của VDL từ trước đến nay. Kế thừa những người đi trước, thành quả mà tân Tổng giám đốc "ghi điểm" với HĐQT là chiến lược phát triển khép kín từ đầu tư trang trại trồng nho đến sản xuất, chế biến các loại vang theo chất lượng của Pháp (sản phẩm liên doanh giữa Ladofoods (thành viên VDL) và Công ty P&P Import Export France (Pháp). Đây được xem là dự án tiên phong tại Việt Nam góp phần nâng tầm vang Việt Nam lên vị thế mới kể từ năm 2008 đến nay.

Ảnh Quý Hòa

* Nhiều năm gắn bó với vang Đà Lạt từ những ngày đầu hợp tác thành lập Công ty liên doanh Vang Đà Lạt - Pháp, ông đánh giá thị trường vang Việt Nam hiện nay như thế nào?

- Hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ về tác dụng của vang đối với sức khỏe. Đôi khi còn có những hiểu biết khá mơ hồ. Ví dụ, có nhiều người cho rằng vang đựng trong chai đế lõm sâu mới là vang ngon, hay vang để càng lâu sẽ càng ngon.

Thực tế, khi nói đến vang là nói đến quy trình lên men hữu cơ, thời gian sử dụng tốt nhất là từ 3 - 5 năm, nếu để quá lâu sẽ bị giảm chất lượng, chẳng khác gì một loại giấm.

Chỉ trừ khi có điều kiện bảo quản cực kỳ tốt, chai vang mới để được hàng trăm năm. Bên cạnh đó, đế lõm hay đế bằng cũng chỉ là do công nghệ đóng chai và không liên quan gì đến chất lượng của vang.

Ở các nước trên thế giới, công nghệ sản xuất rượu vang đều như nhau, chỉ khác ở giống nho nguyên liệu (điều này tùy thuộc vào thổ nhưỡng, vùng miền, khí hậu của từng quốc gia, thời gian ủ gỗ sồi, thời gian thu hoạch, mùa vụ).

Và cứ hình dung việc sản xuất rượu vang cũng giống như nấu cơm, với nồi cơm điện và gạo thế nào thì sẽ cho ra chất lượng cơm thế ấy.

Vì sự mơ hồ về điều này nên đôi khi thị trường vang cũng rất bát nháo. Người tiêu dùng đang phải trả một mức phí quá cao (thuế nhập khẩu, chi phí bán hàng, logistics...) cho một chai vang đôi khi chỉ có giá thành vài chục nghìn đồng. Do đó, nếu sự hiểu biết của người tiêu dùng được cải thiện thì Việt Nam sẽ là thị trường rất tiềm năng để rượu vang phát triển.

* Thực tế là vậy, nhưng hầu như người tiêu dùng vẫn ưu tiên chọn vang ngoại hơn là vang Đà Lạt. Đứng ở góc độ nhà phát triển thương hiệu, ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Từ những năm 1990, khi VDL cho ra đời sản phẩm vang Đà Lạt, chúng tôi đã muốn tạo nên một địa chỉ uy tín cho người tiêu dùng Việt tiếp cận sản phẩm trong nước.

Sau đó là sự cải tiến không ngừng được đánh dấu bằng sự hợp tác với Công ty P&P Import Export France (Pháp) cùng các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về vang để nâng cấp vang Đà Lạt ngày càng đa dạng và chất lượng tốt hơn, thể hiện trên gần 40 chủng loại, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Xét về sản phẩm nội địa, vang Đà Lạt đang ở vị trí số 1, nhưng trên thương trường phải có cạnh tranh và chúng tôi xác định đi theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng, tổ chức đội ngũ bán hàng, xây dựng thương hiệu.

Từ nền tảng này, chúng tôi bắt đầu phát triển. Hiện nay, chất lượng vang Đà Lạt không hề thua kém các loại vang nhập khẩu có giá 500.000 - 600.000 đồng/chai, nhưng được bán với mức giá rất hợp lý. Đây được xem là yếu tố để chúng tôi cạnh tranh.

* Lấy yếu tố giá hợp lý để cạnh tranh xem ra sẽ không mấy khả quan khi Việt Nam thực hiện mọi cam kết với WTO vào năm 2015, hay khi các hiệp định thương mại đa phương được ký kết thời gian tới?

- Ở vấn đề này, chúng tôi nghĩ hãy để người tiêu dùng cảm nhận. Chúng tôi không chỉ cạnh tranh về giá mà còn cạnh tranh bằng chất lượng, tổ chức kênh phân phối. Hiện tại, chúng tôi đã nắm rất tốt các kênh phân phối ở 63 tỉnh, thành.

Vì thế, tôi nghĩ chúng tôi có thể làm chủ trên sân nhà. Đối với hàng ngoại, các nhà nhập khẩu nhắm đến yếu tố thương mại chứ không chú trọng nhiều đến yếu tố văn hóa.

Lợi thế của mình là đây. Dĩ nhiên, kinh doanh luôn có rủi ro nhưng cũng có những thuận lợi và cơ hội để mình tìm được chỗ đứng trên thị trường. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải biết hoạch định chiến lược bài bản, am hiểu địa phương và trên hết là phải có niềm tự hào dân tộc.

* Theo ông, làm sao để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng cũng như thương hiệu của vang Việt Nam nói chung và vang Đà Lạt nói riêng?

- Ở Pháp, mức tiêu thụ vang trung bình của một người khoảng 60 lít/năm, trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 250 ml/người/năm, còn quá ít trong một thị trường rất lớn. Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, tôi cho rằng phải cải cách từ gốc rễ.

Uống vang cũng là cảm nhận vang, người mới uống sẽ có cảm nhận khác với người đã uống vài năm, dần dần họ sẽ cảm nhận được mùi gỗ sồi hay hương trái cây từ trong vang. Và mục tiêu của chúng tôi là làm sao để đưa vang Đà Lạt vào bữa cơm của mỗi gia đình Việt.

Nếu uống vang trong bữa ăn trở thành thói quen, tôi tin chắc người tiêu dùng sẽ có cái nhìn đúng về vang Đà Lạt. Bởi vì Việt Nam hoàn toàn có khả năng và năng lực làm ra sản phẩm vang ngon với mức giá phù hợp.

* Ngoài việc tập trung khai thác thị trường nội địa, VDL có mặn mà với thị trường xuất khẩu?

- Sản phẩm của chúng tôi đã xuất khẩu sang Nhật và các thị trường Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia... Trong đó, Nhật vẫn là thị trường chính và vang Đà Lạt vẫn được giữ nguyên thương hiệu ở thị trường này.

Hiện nay nhiều đối tác Nhật đang đặt hàng chúng tôi sản xuất vang dòng C (được làm từ dâu tằm và trái nho), vì người Nhật rất thích sản phẩm này. Chúng tôi muốn người tiêu dùng dù ở vị trí nào cũng có một sản phẩm vang phù hợp với họ từ giá tiền đến chất lượng.

* Sau khi Nhà nước rút vốn khỏi VDL, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thế nào, thưa ông?

- Năm 2012, VDL không còn vốn của Nhà nước, nhưng tài chính vẫn rất tốt. Lợi nhuận trước thuế năm 2013 tăng gần 200% so với năm 2012. Và để chuẩn bị cho kế hoạch sắp tới, chúng tôi đang cải cách các bộ phận.

Ở khâu bán hàng, chúng tôi đã hoàn tất kế hoạch tập hợp đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm từ các doanh nghiệp lớn như Coca-Cola, Tân Hiệp Phát, Unilever... về đầu quân, tham gia cùng chúng tôi trong việc xây dựng lại bộ máy bán hàng và cải cách quy trình sản xuất.

Đồng thời kết hợp với chuyên gia nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự tại các vùng, miền. Khi nội lực tốt thì mới có thể đẩy mọi thứ tốt hơn được. Với bước chuẩn bị này, kỳ vọng 2015 - 2018 doanh thu của VDL sẽ có sự đột phá mới.

* Đối với doanh nghiệp nhà nước, ít khi nhân sự trẻ được lựa chọn vào vị trí điều hành nhưng ông lại là ngoại lệ. Đây có phải là sự ưu ái?

- Với vị trí điều hành, tôi cho rằng tuổi tác không quan trọng. Quan trọng hơn hết là người lãnh đạo phải hội đủ 4 yếu tố: kỹ năng, kiến thức, thái độ làm việc và sức khỏe. Đối với VDL, chúng tôi tuyển người có hệ thống, ở vị trí nào, ai đáp ứng được mục tiêu công việc thì đều được ứng cử.

Ngay vị trí tôi đang đảm nhiệm cũng phải tuân theo bảng hệ thống đánh giá nhân sự cấp cao của doanh nghiệp. Một khi ứng viên đáp ứng được tối thiểu 70% yêu cầu công việc thì sẽ được thử sức, thế nên tuổi tác không quan trọng.

Vì hệ thống điều hành tốt là hệ thống không phụ thuộc vào bất kỳ một cá nhân nào, kể cả vai trò của tổng giám đốc, tất cả đều có thể tiếp nhận được đầu mối công việc với một bộ máy được điều hành chạy thông suốt.

Có như vậy mới tránh được nguy cơ rủi ro về nhân sự. VDL đang xây dựng hệ thống theo hướng để mọi người cùng tham gia vận hành doanh nghiệp.

* Có áp lực nào cho một nhà điều hành trẻ không, thưa ông?

- Chắc chắn ai cũng có lúc trải qua áp lực trong cuộc sống, đặc biệt với người làm kinh doanh, vấn đề là mình phải xử lý áp lực đó như thế nào. Với tôi, mọi việc đều có áp lực, từ thực hiện các mục tiêu đặt ra, đảm bảo quyền lợi cho nhân viên, phát triển đội ngũ quản trị..., tuy nhiên, chúng chỉ là gánh nặng khi mình xem chúng là gánh nặng.

Ngược lại, nếu mình nhìn nhận đúng vấn đề và tích cực tìm cách giải quyết thì sẽ nhẹ nhàng vượt qua thôi. Do đó, để tránh áp lực thì phải có kế hoạch tổ chức, triển khai... Tất nhiên, khi làm việc có kế hoạch, có phương pháp thì sẽ hạn chế được rủi ro.

Để làm một việc gì, trước tiên mình phải hiểu việc đó, không hiểu mà vẫn làm và còn chỉ đạo người khác làm thì kết quả ra sao chắc bạn đã biết. Tuy nhiên, từ hiểu vấn đề đến triển khai thực hiện là cả một quá trình, điều này phụ thuộc vào từng cá nhân.

Vận hành doanh nghiệp phải theo hệ thống, và hệ thống này sẽ không phụ thuộc vào cá nhân lãnh đạo, nhưng lãnh đạo là người định hướng cho hệ thống. Không thể tránh hoàn toàn rủi ro, nhưng càng có nhiều thông tin thì việc hoạch định sẽ tốt hơn, xử lý đúng và chính xác hơn.

Theo tôi, lãnh đạo doanh nghiệp không phải là CEO, mà CEO chỉ là người thừa hành nhiệm vụ từ lãnh đạo cao nhất là hội đồng quản trị. Và nếu tổ chức có hệ thống bài bản, định hướng, tầm nhìn và chiến lược kinh doanh tốt thì sẽ có kế hoạch kinh doanh ngắn hạn tốt.

Từ kế hoạch này sẽ có công suất sản xuất tốt và tìm được cách làm việc tốt. Như vậy, tổ chức cần phải có hệ thống đồng bộ, chứ không phải như hiện nay, có những doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào một người, đến một lúc nào đó nhà điều hành này không kiểm soát nổi nữa thì những rủi ro doanh nghiệp gặp phải là rất khủng khiếp.

CEO nào cũng làm việc theo kế hoạch và bản thân tôi cũng đang làm việc theo định hướng của hội đồng quản trị. CEO chuyên nghiệp cũng là người được hội đồng quản trị thuê, đều quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tất cả đơn thuần là công việc, nhưng điều tôi cảm nhận là tôi đang làm công việc mình yêu thích. Nếu một CEO chỉ có nhu cầu về thu nhập hay đảm bảo an toàn vị trí thì chắc chắn không thể hoàn thành tốt công việc.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Theo: vneconomy


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Kỳ vọng đưa vang vào bữa cơm gia đình Việt

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc