Trương Quốc Phong: 'Học là để quản trị bản thân, tận dụng thời gian' |
Viết bởi An An | |
Thứ tư, 23/09/2015, 08:44 GMT+7 | |
Là một cây bút uy tín trong làng báo, từng đảm nhiệm nhiều chức danh và vị trí quan trọng trong tòa soạn; đảm nhiệm vai trò giám đốc thương hiệu ở một công ty truyền thông nổi tiếng tại TPHCM, thế nhưng, bằng niềm đam mê và sự hiếu học, chàng trai ấy đã quyết tâm thu xếp công việc để theo học cùng lúc 2 trường Đại học.
Trương Quốc Phong: chàng trai nghèo hiếu học vừa làm báo vừa đi học 2 trường Đại học; chủ nhân của nhiều ý tưởng, chương trình lớn; giám khảo của nhiều cuộc thi lớn. PV: Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu, vì sao bạn quyết tâm thu xếp công việc để đi học trong khi công việc và vị trí xã hội của bạn khá vững vàng và ổn định? Trong đầu tôi bao giờ cũng luôn có những mục tiêu cho mình để phấn đấu và làm việc. Tôi còn nhớ, lúc mới ra trường cách đây hơn 10 năm, tôi và một người bạn đồng nghiệp nói mơ ước với nhau, chúng tôi mơ 2 hay 3 năm nữa mình phải đạt được mức lương 5 triệu. Khi đạt được định mức đó, bản thân tôi lại tự đặt ra cho mình là bây giờ làm sao phải đạt được mức lương 7 triệu, 8 triệu hay 10 triệu. Nói ra những điều này, có thể mọi người sẽ nghĩ rằng tôi là kẻ tham tiền. Thực sự không phải như vậy. Tôi mang trên mình những trách nhiệm và có lẽ, tôi cũng không muốn giải thích nhiều hơn. Tôi chỉ biết rằng, sự cố gắng của mình có ích cho gia đình và người thân của tôi. Tôi còn nhớ, khoảng năm 2006, khi đang làm ở báo Khoa học & Đời sống, tôi được mời về công ty Vinagame với mức lương cứng khởi điểm là 8 triệu. Đó là cả một sự mơ ước của bất kỳ người trẻ nào mới ra trường vài năm ở giai đoạn đó và là nỗ lực của tôi trong giai đoạn mới bước vào nghề. Tôi cảm thấy mình có ích hơn đối với bản thân và gia đình. Cũng may là trong môi trường nào cũng vậy, tôi luôn được thương và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Sau này, khi rời công ty Vinagame (VNG) đầu quân về công ty Cổ phần truyền thông và đầu tư Nam Hương tôi cũng được sếp thương và cất nhắc. Tôi nhanh chóng được thăng chức và tăng lương trước kỳ hạn. Tuy nhiên, khi đứng ở vai trò quản lý, tôi cảm thấy, một mặt là mình cố gồng để làm tốt trọng trách mà công ty tin tưởng giao cho, một mặt tôi cảm thấy mình đang tự làm khó mình bằng cách tự mày mò học hỏi nhiều quá. Tôi sợ về lâu dài tôi sẽ bị đuối. Tôi nghĩ, trong bản thân mỗi người có những tố chất gì đó. Có người có tố chất lãnh đạo, người có tố chất làm nghệ sĩ, bác sĩ… Tôi may mắn có tố chất lãnh đạo từ nhỏ nhưng việc chỉ học chuyên ngành về phóng viên – biên tập viên thì không thể giúp tôi có thể làm tốt hay bứt phá khi đứng ở vai trò của người quản lý, điều hành hay quản trị một dự án, một doanh nghiệp. Tôi nghĩ mình phải học và học thật nghiêm túc. Thế là tôi thu xếp để đi học. Tôi còn nhớ, ngày tôi nộp đơn thông báo tạm gác công việc để đi học Quản trị kinh doanh Đại học hệ chính quy, sếp đã gọi tôi lên trò chuyện và cho tôi rất nhiều lời khuyên tốt. Cho tới giờ, tôi vẫn luôn cảm ơn sếp về những điều đó. Cho tới giờ, tôi vẫn cảm thấy con đường quyết định đi học để bổ sung kiến thức “càng nhiều càng tốt” của tôi là đúng đắn. Càng học, tôi thấy mình như sáng ra, biết cách quản trị bản thân, quản lý và tận dụng quỹ thời gian của mình một cách tốt hơn, làm việc có hiệu quả hơn.
Quốc Phong và ca sĩ Hoàng Hải PV: Nghe nói bạn đang theo học cùng lúc 2 trường Đại học, tất cả đều là hệ chính quy? Thực ra từ nhỏ tôi đã rất ham học. Sinh ra trong gia cảnh nghèo lại ở quê, tôi từng mơ ước mình học thật nhiều và thật giỏi để sau này thành công trong cuộc sống, giúp đỡ gia đình và người thân. Cũng có nhiều người nói với tôi, có nhiều cách để kiếm tiền và làm giàu, đâu nhất thiết gì phải học cho thật nhiều. Đó là chưa kể, bao nhiêu người học ra bằng cấp này, chứng chỉ nọ mà vẫn thất nghiệp. Tôi rất hiểu và phải công nhận rằng, có một phần thực tế là như vậy. Tuy nhiên, tôi không muốn kiếm tiền và làm giàu theo cách đó. Nó không mang lại cho tôi sự tự tin và hạnh phúc... Tôi thích kiếm tiền từ sự học hỏi và lao động bằng khối óc của mình. Tôi thấy rằng, nếu bản thân mình mơ ước số tiền lương cứng mỗi tháng giả sử là 2000 USD thì kiến thức và những gì tôi đang có sẽ không giúp tôi đạt được mơ ước đó. Tôi cần dung nạp và nâng cấp nó nếu tôi muốn tăng level, tự tin hơn khi ứng cử vào những công việc, vai trò mang lại mức thu nhập tốt, cải thiện hơn. Vậy nên tôi học. Mà thực ra tôi có cảm thấy mệt mỏi hay nhọc nhằn vì học đâu. Không hiểu tại sao tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay áp lực khi ôm cặp sách đi học. Ngược lại, tôi còn cảm thấy được thư giãn bởi khi đến lớp, tôi có được đôi phút thảnh thơi thoát khỏi công việc viết lách và kiếm tiền khá mệt mỏi. Tôi đi học như một hình thức giải trí, vậy nên, dù có học một trường, hai trường hay bao nhiêu trường đối với tôi cũng vẫn như nhau thôi. Miễn sao thu xếp được thì tôi sẽ đi học. Học để nâng cao kiến thức và hoàn thành những mục tiêu của mình.
Quốc Phong tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí PV: Vậy bạn thu xếp quỹ thời gian như thế nào? Bạn có để ý không? Có người chỉ ăn và ngủ, lướt facebook hoặc cùng lắm là đi học một lớp thôi họ cũng than là bận y như những giám đốc, chuyên gia trăm công nghìn việc. Ngay cả bản thân bạn cũng vậy. Ví dụ năm này bạn không đăng ký học thêm lớp đào tạo kỹ năng nào thì bạn vẫn thấy hình như ngày dài vẫn không đủ. Nhưng bạn thử thêm một hoặc 2 lớp kỹ năng nào đó chen vào quỹ thời gian thường xuyên của bạn đi, thì bạn vẫn thấy, ừ hình như cũng chẳng đủ nhưng ít ra, bạn đã có thêm kiến thức của 2 khóa kỹ năng nào đó nếu bạn tranh thủ rồi đó. Hẳn là bạn biết tới câu chuyện về cái lọ chứ? Khi bạn bỏ những cục đá to vào cái lọ bạn cảm thấy nó đầy và không thể bỏ thêm cục đá nào nữa. Nhưng bạn thử bỏ thêm ít cát vào lọ đó xem, bạn vẫn bỏ được đó. Bạn bỏ thêm chút nước vào lọ thì điều gì xảy ra? Có phải là cái lọ mà ban đầu bạn tưởng là đầy vì những cục đá đã có thể chứa thêm được ít nước. Nhưng nếu bạn thử làm ngược quy trình, thử không biết sắp xếp đi thì chuyện gì sẽ xảy ra? Hiện tại, tuy học hệ chính quy cùng lúc 2 trường Đại học với 2 chuyên ngành hoàn toàn khác nhau (và khác với chuyên ngành về báo chí đã học) là Quản trị kinh doanh và Dược nhưng tôi vẫn thu xếp việc học khá ổn, thậm chí, tôi còn đi học đều hơn cả những bạn được bố mẹ chu cấp tiền bạc hằng tháng để đi học mà không cần làm gì cả. Tôi vẫn có thể viết báo, làm sự kiện và một số công việc khác nữa ngoài học để tự kiếm tiền trang trải học phí và lo cho bản thân mà không nhờ tới sự trợ giúp nào của gia đình cả. Ngoài ra, tôi vẫn có thể thu xếp ổn thỏa để đi du lịch hoặc đi làm từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, khốn khổ hơn mình.
Quốc Phong đi du lịch kết hợp công việc
Quốc Phong tại nơi làm việc PV: Và bạn còn đi bán các món ngon miệt vườn, bán bánh ú nữa? Đó cũng là một phần cuộc sống và mưu sinh của tôi. Thật ra, để tồn tại ở đất Sài Gòn này và lo chi phí cho việc học cùng lúc 2 trường sẽ không đơn giản. Tôi sẵn sàng làm mọi công việc, miễn là chân chính và thu xếp được để có tiền chăm lo cho việc học. Tôi nghĩ, mình chỉ cần cố gắng thêm 3 hay 5 năm nữa vì hiện tại, tôi đang bước vào năm 2 Khoa Quản trị kinh doanh và năm nhất Khoa dược. Chịu khó một tí để có kiến thức, có nền tảng để tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Điều đó sẽ có ích hơn việc tôi cứ ngồi đó mơ ước và suy nghĩ viển vông. PV: Bạn không ngại bạn bè hay đồng nghiệp chế giễu khi đi làm những công việc quá bình dân sao? Khi quyết định làm một công việc gì đó để kiếm ra tiền chân chính, tôi không ngại bị chế giễu. Thậm chí, tôi cũng không ngại khoe với mọi người công việc lái xe ôm nuôi sống đàn con của ba mình. Tôi thấy tự hào khi mình dù sống trong gia cảnh khó khăn nhưng được ba mẹ dạy cho tính cách cần cù lao động, không ỷ lại, rất tự trọng và biết chia sẻ, giúp đỡ những người khác khốn khổ hơn mình. Ba mẹ tôi không cho tôi sự giàu có để tôi sung sướng như bao người khác nhưng ngược lại, ba mẹ tôi cho tôi những bài học và sự nghị lực để vươn lên. Tôi luôn cảm ơn ba mẹ vì điều đó và tôi mong bằng sự phấn đấu của mình, tôi sẽ có cơ hội làm giàu để chăm lo tốt, đền ơn báo hiếu cho gia đình.
Quốc Phong hát văn nghệ giao lưu PV: Được biết, ngoài đi học 2 trường và làm thêm, bạn còn xây dựng và điều hành một số website, tổ chức nhiều cuộc thi và sân chơi lý thú dành cho giới trẻ. Đa năng quá bạn có thấy mình đang đi mông lung không? Ngược lại thì không. Tuy làm nhiều thứ nhưng tôi tự hoạch định cuộc sống, công việc mình tập trung theo 2 nhánh chính: nhánh truyền thông – showbiz để thỏa chí đam mê , duyên nghiệp của bản thân và nhánh rất rõ là trở thành một người lãnh đạo – một business trong tương lai. Tôi hoạch định tất cả mọi thứ thành 2 nhánh và sau này, nó sẽ bổ trợ cho tôi rất nhiều trên con đường trở thành một người điều hành, một doanh nhân.
Quốc Phong và các bạn học PV: Bạn rất tự tin và rõ ràng trong những hoạch định, mục tiêu của đời mình nhưng đổi lại, bạn có cảm thấy mình đang bị đánh mất điều gì không? Có, tôi thấy mình mất nhiều thứ. Mà thật ra, nếu tôi không học nhiều, không làm nhiều thì chắc gì tôi không phải đánh mất những điều đó (?). Chẳng hạn, vì quỹ thời gian vốn có được tôi thu xếp chặt chẽ nên hễ ai có việc gì đó chen ngang làm ảnh hưởng là tôi rất dễ nổi cáu. Tôi đánh mất sự hồn nhiên của mình bởi sự làm việc quá lý trí. Tôi cũng đánh mất nhiều thời gian dành cho người thân bởi việc học và công việc hiện tại cuốn tôi đi nhiều hơn trong khi ba mẹ đã già. Tôi không còn được la cà nhiều với bạn bè, không được phép say xỉn, không được dùng quá nhiều thời giờ cho việc chơi game và không còn nhiều thời gian tập luyện thể dục thể thao. Cũng may, trong quá trình học thì trường có những giờ giáo dục thể chất, tôi xem đó như cách mình được thư giãn và rèn luyện sức khỏe.
Quốc Phong tác nghiệp
Quốc Phong và ca sĩ Chế Linh PV: Cảm ơn bạn và chúc bạn có thật nhiều sức khỏe để hoàn thành những mục tiêu của đời mình.
Nguồn: Trường Sơn Media Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|