Mai Kiều Liên: Từ nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á tới Giải thưởng Nikkei |
Viết bởi Đức Lợi |
Chủ nhật, 06/09/2015, 09:55 GMT+7 |
Gần 40 năm gắn bó và hơn 20 năm giữ cương vị Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), những gì bà Mai Kiều Liên làm được cho Vinamilk và ngành sữa Việt Nam hôm nay khiến nhiều người phải nể trọng. Cuối tháng 5, Thủ đô Tokyo Nhật Bản vừa chớm hè, những sắc hoa Anh Đào vẫn còn vương trên những con phố. Hội trường chính khách sạn 5 sao IMPERIAL một trong những khách sạn lớn nhất tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô Tokyo, sáng 20.5 vang lên những tiếng vỗ tay không ngớt khi ông Fujio Mitarai, Chủ tịch Ủy ban lựa chọn công bố bà Mai Kiều Liên, CEO Vinamilk đoạt Giải thưởng Nikkei châu Á lần thứ 20 trong lĩnh vực “Kinh tế và đổi mới doanh nghiệp”. Giải thưởng danh giá này là vinh dự lớn tiếp theo mà bà Mai Kiều Liên - một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á - nhận được. Nữ tướng giản dị của ngành Sữa CEO Vinamilk Mai Kiều Liên là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên và duy nhất được nhận Giải thưởng Nikkei châu Á 2015. Sau gần 40 năm gắn bó và hơn 20 năm giữ cương vị Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), những gì bà Mai Kiều Liên làm được cho Vinamilk và ngành sữa Việt Nam hôm nay khiến nhiều người phải nể trọng, ví bà như một vị “thuyền trưởng” luôn vững tay lái đưa con tàu Vinamilk đến được thành công như hôm nay, như một vị “nữ tướng” giản dị của ngành sữa, luôn mang trong mình những hoài bão, chiến lược cho “một cuộc cách mạng trắng” ở Việt Nam. Ông Fujio Mitarai, Chủ tịch Ủy ban lựa chọn Giải thưởng Nikkei 2015 cho biết, Ủy ban này đã nhận được hàng trăm đề cử từ Đại sứ quán các nước, các tổ chức nghiên cứu và nhiều nhà báo nước ngoài. TS Yasuhiko Torii, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Keio cho biết, Hội đồng Giám khảo đã làm việc hết sức nghiêm túc và khó khăn để lựa chọn ra người xứng đáng nhất đoạt giải năm nay. Sinh ra tại Pháp và được đào tạo bài bản ở Nga, bà Mai Kiều Liên đã trở về và gắn bó với Vinamilk từ những ngày đầu thành lập, tiền thân là Công ty Sữa - Cà phê Miền Nam vào năm 1976. Từ công việc ban đầu là kỹ sư, tài năng của bà Mai Kiều Liên đã được khẳng định bằng việc được đề bạt lên các vị trí quản lý và được tín nhiệm giao vị trí Tổng Giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay. Qua nhiều năm công tác và lãnh đạo, bà Mai Kiều Liên đã có nhiều đóng góp to lớn giúp Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong nước và có vị thế trên thị trường quốc tế. Đồng thời, Vinamilk cũng tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu sữa của người Việt và phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành sữa Việt Nam. Trong 5 năm gần đây, Vinamilk luôn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng: doanh số trung bình tăng trên 20%/năm; Nộp ngân sách nhà nước trung bình trên 3.000 tỷ đồng/năm. 7 tháng đầu năm 2015, Vinamilk đạt doanh thu gần 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 17 % so với cùng kỳ, nộp ngân sách Nhà nước gần 2.600 tỷ đồng. Trong chiến lược sản xuất, bà Mai Kiều Liên luôn hướng đến mục tiêu Vinamilk phải tìm ra những sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng để có thể chiếm lĩnh thị trường. Hơn 90% những sản phẩm mới được Vinamilk đưa ra thị trường hằng năm được phát triển dựa trên ý tưởng của bà. Và thực tế đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của bà, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thành công nhất tại Việt Nam và hiện có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường chứng khoán Việt Nam, khoảng 5 tỷ USD tương đương hơn 100.000 tỷ đồng. Giới thiệu về bà Mai Kiều Liên và Công ty Vinamilk, TS Yasuhiko Torii nói, từ một doanh nghiệp nhà nước, sau cổ phần hóa Vinamilk đã có những bước phát triển vượt bậc, vươn ra quốc tế với sản phẩm xuất khẩu sang 31 nước. Thành công của Vinamilk có công lao rất lớn của bà Mai Kiều Liên, một con người tài năng nhưng rất đỗi giản dị. “Bà Mai Kiều Liên có chồng và 2 con. Hằng ngày sau công việc tại công ty, bà Liên về nhà tự chăm sóc gia đình nhỏ của mình mà không cần phải thuê người giúp việc. Chúng tôi hiểu năng lực của một cá nhân khó tạo ra sự thay đổi và thành công nhưng bà Mai Kiều Liên đã làm được và chúng tôi rất vinh dự khi hôm nay bà Mai Kiều Liên có mặt ở đây để nhận giải thưởng này”, TS Yasuhiko Torii, nói. Hội trường lớn khách sạn tiếp tục những tràng vỗ tay của những người tham dự, niềm tự hào len lỏi trong mỗi trái tim người Việt Nam có cơ hội được trực tiếp tham dự và chứng kiến buổi vinh danh. Lên nhận giải trong một chiếc áo dài Việt Nam nền nã, gương mặt sáng và nụ cười rất tươi tắn, chứng kiến khoảnh khắc tự hào này, nhà văn Châu La Việt thì thầm bên tai tôi: “Trên sân khấu, thực sự chị như một bông sen rực rỡ, với vẻ đẹp Việt Nam ngời sáng không thể trộn lẫn. Thiên đường hoa Nhật Bản hôm nay thêm rực rỡ bởi một một loài hoa mới: hoa Sen, từ một người phụ nữ Việt Nam mang tên loài hoa ấy”. Nhà máy sữa Việt Nam của Vinamilk chuyên sản xuất sữa nước được trang bị dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng với thiết bị hiện đại và công nghệ sản xuất tiên tiến nhất hiện nay. Biểu tượng niềm tin số một Việt Nam vươn ra thế giới Chia sẻ với báo chí ngay sau lễ trao giải, bà Mai Kiều Liên nói: “Đây thật sự là một vinh dự lớn lao không chỉ cho riêng tôi mà còn cho tập thể hơn 5.000 cán bộ công nhân viên Vinamilk đã nỗ lực không ngừng để cống hiến vì một tương lai phát triển của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Sự cống hiến đó đã được Nikkei và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đây sẽ là động lực to lớn để tôi và Vinamilk càng quyết tâm hơn trong việc thực hiện sứ mệnh trở thành biểu tượng niềm tin số 1 Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người”. Hiếm có một doanh nhân nào được Tạp chí Nikkei dành cho những lời trân trọng như trong một ấn phẩm đặc biệt xuất bản đợt này: “Bà Mai Kiều Liên là người tiên phong trong thị trường các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam, là nữ doanh nhân rất được kính trọng tại châu Á. Vinamilk đã đem lại cho người tiêu dùng Việt Nam thấy được sự cần thiết của những sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Hiện nay công ty cũng đang tiến hành đầu tư phát triển vươn ra tầm quốc tế”. Trong 2 năm 2013-2014, Vinamilk đã đưa vào hoạt động thêm 2 siêu nhà máy mới sản xuất sữa bột và sữa nước ở Bình Dương với tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng. Vinamilk cũng đầu tư 22,8% cổ phần tại nhà máy Miraka (New Zealand). Để tiếp tục phát triển tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm, trong năm 2014, Vinamilk đã chính thức động thổ nhà máy tại Campuchia. Dự án có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD, trong đó Vinamilk có tỉ lệ nắm giữ sở hữu 51%. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2015. Vinamilk cũng đã đầu tư vào Ba Lan, với quy mô khoảng 3 triệu USD. Dự án này sẽ đóng vai trò cung cấp nông sản và gia súc để hỗ trợ sản xuất các sản phẩm sữa, đồ uống, là những ngành hàng cốt lõi của Vinamilk. Đồng thời, dự án còn là cửa ngõ cho Vinamilk tiếp cận và mở rộng ở thị trường châu Âu. Ngoài đầu tư dự án mới, Vinamilk cũng rất thành công trong việc đầu tư và vận hành một loạt các dự án đã được đầu tư trước đó. Tại Mỹ, Vinamilk đã mua 70% cổ phần của nhà máy sữa Driftwood- một trong những nhà sản xuất sữa lớn nhất tại California (Mỹ) và là nhà cung cấp sữa cho hệ thống trường học theo chương trình sữa học đường của Los Angeles thuộc bang California. Thực tế trong những ngày tại Nhật Bản, rất nhiều doanh nhân và đại diện các tập đoàn lớn của thế giới mong muốn có cơ hội hợp tác kinh doanh với Vinamilk. “Chúng tôi coi đây là cơ hội để tìm kiếm thêm những đối tác và mở rộng thị trường”, bà Liên cho biết. Đồng hành cùng nông dân Việt Nam Bên cạnh việc chú trọng phát triển sản phẩm, từ năm 2006, Vinamilk bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa một cách trực tiếp thông qua xây dựng các trang trại nuôi bò sữa công nghệ cao, mà Tổ hợp các trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk tại Thanh Hóa có tổng vốn đầu tư ban đầu 1.600 tỷ đồng vừa được khởi công là một minh chứng. Hiện Vinamilk đã có 8 trang trại quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, New Zealand và Mỹ. Đặc biệt, Vinamilk còn liên kết với gần 8.000 trang trại/hộ dân chăn nuôi bò sữa gần 100.000 con trên cả nước, thu mua sản lượng bình quân khoảng 650 tấn sữa/ngày, góp phần tạo nhiều công ăn việc làm cho nông dân, xây dựng một ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam phát triển theo hướng ổn định và bền vững. Không dừng lại ở đó, trong giai đoạn 2015 - 2017, Vinamilk dự kiến sẽ tiếp tục nhập bò giống cao cấp từ các nước Úc, Mỹ để đáp ứng cho nhu cầu con giống của các trang trại mới. Và với kế hoạch phát triển các trang trại mới, công ty sẽ đưa tổng số đàn bò của Vinamilk từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 150.000 con vào năm 2017 và khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi hiện tại, là 1.500 tấn/ngày đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa thuần khiết dồi dào phục vụ nhu cầu trong nước và cả xuất khẩu. Theo Hà Nhân (Tiền Phong) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|