Những 'người đàn bà thép' trên thương trường chuẩn bị gì khi Việt Nam hội nhập? |
Viết bởi An An |
Thứ hai, 31/08/2015, 10:27 GMT+7 |
Khi Việt Nam tiến gần đến "sân chơi" toàn cầu, doanh nhân nói chung và nữ doanh nhân nói riêng cần phải có những chiến lược gì để mở rộng thị trường, tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu? Những người “đàn bà thép” trên thương trường như CEO REE Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch PNJ Cao thị Ngọc Dung và CEO Imex Pan Pacific Lê Hồng Thủy Tiên đã chia sẻ câu chuyện của mình tại diễn đàn “Nữ doanh nhân – Sẵn sàng hội nhập” do Tạp chí Nữ doanh nhân tổ chức cuối tuần qua. Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ví von: “Hội nhập là một cuộc hôn nhân giữa các chàng trai FDI (mang tên xuyên quốc gia) với các cô gái thôn quê (mang tên kinh tế cá nhân) để sinh ra những đứa con chuỗi giá trị kinh tế, mang lại lợi ích hai bên. Tuy nhiên, hiện nay những “đứa con” này chưa được hình thành và đây là điểm yếu cần khắc phục. Và để hoàn thiện điều này sự bền bỉ và nội lực lớn của nữ doanh nhân đang là điều kiện cần thiết.” Bà Victoria KwaKwa - Giám đốc ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận định: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mở ra một thị trường rất lớn với 600 triệu dân và GDP 2.400 tỉ USD. Trong khi đó các FTA với EU, Hàn Quốc và TPP mở ra thị trường 505 triệu dân và 20% GDP toàn cầu. Đây là cơ hội lớn nhưng để nắm bắt được doanh nghiệp Việt Nam cần đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh. "Người tiêu dùng ngày một đòi hỏi cao hơn về sản phẩm, có nhiều thông tin để tiếp cận nên đồi hỏi sản phẩm phải tốt hơn. Quá trình hội nhập cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn. Cơ hội nhiều và cạnh tranh cũng lớn, sự đổi mới sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam thắng trong cuộc chơi này. Các doanh nhân nữ Việt Nam được đánh giá là tài năng và mạnh mẽ hàng đầu Châu Á và tôi tin tưởng họ sẽ thành công khi hội nhập", bà Victoria KwaKwa nói. Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Cơ điện lạnh REE chia sẻ: “Thực sự tôi làm nhiều, được nhiều nhưng đưa ra lý luận về tư duy sáng tạo thì còn rất thiếu, tư duy với tôi phải gắn liền với kinh nghiệm thực tiễn. Nói về đổi mới sáng tạo thì có một thực tế rất buồn và tiếc cho nền kinh tế Việt Nam. Chặng đường đầu tiên của đổi mới là năm 1986 nhưng từ đó tới nay những đổi mới trong doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu. Ngay cả bản thân REE thời điểm đó chúng tôi bị động trong mọi hoạt động của mình. Đến khi cổ phần hoá thử thì chúng tôi đã giải tỏa cơn ngột ngạt của chính mình và thể chế để mạnh dạn đổi mới mình trong một tư duy mở hơn.” Theo bà Mai Thanh, đừng nghĩ rằng đổi mới là phải ở một quy mô rộng, mang hàng hóa mình xuất khẩu ở nhiều nơi mà hãy hành động ngay thị trường địa phương của chính mình vì nó còn quá rộng lớn. Tư duy là cần phải làm những gì khác biệt để cho mình chứ chưa hẳn là thay đổi thế giới. Tư duy đổi mới sáng tạo không phải là những gì quá trừu tượng mà mình phải luôn đặt câu hỏi cho chính mình trong hoạt động của mình trên thị trường. Nếu nhà lãnh đạo biết đặt câu hỏi đúng trong mọi lĩnh vực thì sự đổi mới sáng tạo mới được kích thích và phát triển liên tục. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ chia sẻ rằng, mọi người thường nói doanh nhân cứ hay nghĩ tới tài chính và tăng trưởng tài chính. Tuy nhiên với bà người lãnh đạo cần phải có tầm nhìn còn việc tài chính người khác lo. "Trong quá trình 27 năm lãnh đạo PNJ thẳng thắn mà nói tôi chưa gặp thất bại nhưng tôi không bao giờ tựu mãn với những gì đạt được. Điều cần thiết để có những thành công phải luôn luôn đổi mới từ sản phẩm cho đến tư duy quản trị của lãnh đạo. Chúng tôi luôn đổi mới ngay cả khi mình đang đứng trên đỉnh. Lúc đó sẽ nhìn nhận đánh giá lại xem tại sao lại tốt như vậy. Không phải tốt rồi là không cần phải thay đổi. Điều quan trọng nữa là chúng tôi chưa bao giờ quan tâm tới đối thủ mà chỉ tập trung hãy tập trung vào nhu cầu thực của thị trường để phát triển chính mình mà thôi", bà Dung cho biết. Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, TGĐ Công ty Imex Pan – Pacific cho rằng, để có được nền tảng kinh doanh tốt doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ về phân khúc khách hàng. Cần phân loại rõ ràng, đánh giá so sánh với các thị trường lân cận, xem đâu là thế mạnh của mình chứ không làm lan man. Tư duy sáng tạo cũng cần phải tập trung đúng ngành nghề của mình. Hơn nữa cần phải nâng tầm tư duy của toàn bộ nhân viên để tránh xảy ra những mâu thuẫn trong đường hướng phát triển. Điều này cần phải duy trì để có thể sẵn sàng hành động khi cơ hội thực sự đến, thể chế là nguyên nhân kìm hãm nhưng cũng có thể là sự giải phóng khi được điều chỉnh phù hợp. Theo ttvn.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|