Lại là tiền... |
Thứ ba, 09/04/2013, 14:26 GMT+7 |
Mới đây, người đứng đầu Uỷ ban khoa học, công nghệ môi trường Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng đã đưa ra một đề xuất “người dân cần phải đặt cọc một khoản tiền khi đi khiếu kiện. Nếu họ kiện không đúng thì phải mất khoản tiền đó, còn nếu kiện đúng sẽ được hoàn lại”. Đề xuất của ông được xem như một góp ý xây dựng Luật tiếp công dân. Ảnh minh họa Nếu gọi là tiếp dân thì qua thực tiễn có ba vấn đề. Một là tiếp dân để giải quyết công việc thuộc về chức năng, nhiệm vụ, điều đó bất cứ cơ quan nào cũng phải làm, nếu có liên quan đến các quyết định hành chính mà liên quan đến công dân và tổ chức xã hội thì phải tiếp để giải quyết công việc đó. Hai là, tiếp công dân để nghe phản ánh các kiến nghị, các tâm tư nguyện vọng của công dân muốn góp ý để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan. Ba là, tiếp công dân để nghe tâm tư, nguyện vọng của công dân đối với tình hình đất nước, nó rộng lớn hơn, thường là Quốc hội, HĐND các cấp. Xã hội cần nhiều ý kiến khác nhau để phát triển, nên xét về mặt nguyên tắc, chúng ta tôn trọng “góc nhìn khác” của ông Dũng. Tuy nhiên, xét sâu xa, góc nhìn ấy có thực sự vì dân hay không lại là chuyện khác. Đề xuất của ông Dũng khiến dư luận nhớ đến câu chuyện gây lo lắng xảy ra giữa năm 2012. Tại một hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sau khi tổng kết tình hình, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cần sớm ban hành luật về tiếp công dân, về biểu tình để “làm cơ sở đấu tranh, xử lý những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo gây rối”. Vậy làm luật đáng ra để “đấu tranh”, “xử lý” hay đảm bảo quyền công dân, cho chính chính quyền cơ hội để sửa sai? Cho dù đối tượng được ông Dũng đề xuất là những người thuộc trường hợp đã được giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định, trình tự pháp luật mà cứ tiếp tục đi khiếu nại, tố cáo, thì không thể không đặt câu hỏi về quyền được tiếp của công dân và tính mục đích tạo điều kiện hay cản trở của đề xuất cũng như dự luật này. Chúng ta phải công nhận rằng, tình hình khiếu nại, tố cáo đang diễn ra phức tạp, với tình trạng đông người, vượt cấp…, nhưng đó là sự phức tạp phản ánh thực tế đời sống buộc chính quyền phải đối diện và cần cách xử lý đi từ bản chất vấn đề. Trình tự thủ tục mà chính quyền đang nương vào đó để xử lý có ý nghĩa gì khi xa rời thực tế đời sống ấy. Xây những con đê che chắn từ nó tốt hơn hay phòng chống những con nước lớn từ lòng dân tốt hơn? Nếu đa số khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi, giải toả, đền bù nhà đất chưa thoả đáng, thì việc sửa luật đất đai hiện nay nhất thiết phải gỡ nút thắt này, mà giải pháp công bằng nhất trong quan hệ giữa chính quyền với dân có lẽ là trưng mua theo giá thị trường quyền sử dụng đất. Đó là cách chủ động nhất để giảm thiểu khiếu nại, tố cáo. Còn lại, hãy xây dựng một luật tiếp công dân theo đúng nghĩa của nó: luật về quyền được tiếp của công dân. Theo dddn.com.vn
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|