top-banner-2

Thứ hai, 08/04/2013, 10:01 GMT+7

Ngày mai chưa bắt đầu từ ngày hôm nay

Thứ hai, 08/04/2013, 10:01 GMT+7

Phiên đấu thầu vàng đầu tiên của NHNN diễn ra nhanh gọn, đến mức gây tranh cãi. Nhưng nếu nhìn lại một chuỗi các sự kiện thời gian qua sẽ thấy cách ứng xử của NHNN là nhất quán và có thông điệp rõ ràng.

Ảnh minh họa

Tự mà lo đi!

Cuộc tranh luận xoáy vào việc giá vàng trong nước sau phiên đấu thầu, thay vì giảm thì lại tăng, và vẫn cao hơn giá thế giới trên 3 triệu đồng/lượng. Điều này dễ hiểu, vì trong 26 ngàn lượng vàng chào bán chỉ có 2 ngàn lượng được mua. Điều này có nghĩa lượng cung vàng không "ồ ạt" như dự báo trước đó. Mà cung chưa tăng thì sao giá có thể giảm được? Trước vấn đề này, NHNN đã có câu trả lời rất rõ ràng, trước cả khi phiên đấu thầu diễn ra: NHNN chỉ bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá!

Thứ hai, giá trúng thầu là 43.810.000 đồng/lượng, cao hơn cả mức giá 43.700.000 đồng/lượng ngoài thị trường. Với mức giá này vẫn có 2/21 tổ chức tham gia đấu thầu trúng thầu. Một trong hai đơn vị trúng thầu chính là ACB. Không biết đơn vị kia nghĩ gì, tại sao lại chấp nhận mua vàng của NHNN với giá cao hơn thị trường, nhưng với ACB thì dễ hiểu hơn. ACB chính là ngân hàng đã lỗ gần 1.864 tỷ đồng vì hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ trong năm 2012. Lỗ vì kinh doanh vàng lớn đến vậy, thế mà giờ họ lại tiếp tục "cắn răng" mua với giá cao. Tại sao ACB chấp nhận điều đó? Câu trả lời của Phó Tổng giám đốc ACB, ông Nguyễn Thanh Toại là: các ngân hàng thương mại cũng là người kinh doanh, nếu họ có nhu cầu, dù giá cao hơn một chút, thì họ vẫn mua hoặc mua khi mức giá trên vẫn đảm bảo lợi nhuận. Xét trên hai yếu tố nhu cầu và lợi nhuận thì rõ ràng trong trường hợp này của ACB là nhu cầu. Ngày 30/6 là thời điểm các tổ chức tín dụng phải tất toán tài khoản vàng. Điều này đã được báo trước, đã được NHNN chỉ đạo thực hiện từ lâu. Vì vậy, riêng vấn đề này sẽ không có chuyện NHNN cho gia hạn. Theo báo cáo nội bộ của NHNN, tính đến cuối năm 2012, chỉ còn 12 tổ chức tín dụng có số dư huy động và cho vay bằng vàng, giảm từ con số 20, trong đó có 3 tổ chức còn số dư không lớn. Điều này có nghĩa là chỉ còn 9 tổ chức tín dụng đang "cần" vàng gấp. "Chúng tôi đã cảnh báo họ rồi. Dù phải trả giá đắt họ cũng phải chấp nhận", lãnh đạo một vụ chức năng của NHNN khẳng định như vậy đối với những tổ chức tín dụng đang khó khăn trong tất toán tài khoản vàng. Như vậy, việc NHNN đưa ra mức giá khởi điểm cao hơn giá thị trường là hoàn toàn có lý. NHNN, hay chính xác hơn là ngân sách quốc gia, không thể bỏ tiền ra để bù lỗ kinh doanh vàng của tổ chức tín dụng. Có điều, NHNN biết khả năng "chịu chơi" của tổ chức tín dụng trong hoạt động kinh doanh vàng trước đây, nhưng đã không lường được khả năng "chịu đựng" của họ trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, việc "ế" tới 24 ngàn lượng trong phiên đấu thầu đầu tiên là hơi bất ngờ đối với NHNN.

Từ con số 26.000 lượng vàng chào thầu này cũng có thể đoán được, số vàng mà các tổ chức tín dụng cần có để tất toán tài khoản khá lớn. Vì ở phiên đầu tiên, tất nhiên, NHNN đã phải tính toán rất kỹ lượng hàng tung ra để không gây "sốc" cho thị trường, từ từ cung vàng ra để cân bằng cung cầu. Mới từ từ mà đã lên đến mấy chục ngàn lượng thì không hiểu số vàng thực mà các tổ chức tín dụng đang thiếu để tất toán tài khoản vàng sẽ là bao nhiêu? Dù có là bao nhiêu đi nữa thì rõ ràng thông điệp đầu tiên mà NHNN đưa ra trong phiên đấu thầu vừa rồi đối với họ là: "hãy tự mà lo đi"! "Ngày mai" - ngày mà thị trường vàng có thể hoạt động đúng theo cơ chế cung cầu của thị trường chưa thể bắt đầu khi các tổ chức tín dụng chưa tất toán xong tài khoản vàng.

Sắp có nợ xấu vàng?

Đây không chỉ là khẳng định của NHNN về những gì họ đã và đang làm, mà cũng là thông điệp cho các đơn vị tham gia kinh doanh vàng miếng.

Trước khi tổ chức phiên đấu thầu, hôm 21/3/2013, NHNN đã ra công văn số1889/NHNN - QLNH nói rõ: NHNN yêu cầu các đơn vị sau khi mua vàng của NHNN, hàng ngày phải báo cáo tình hình mua bán vàng thế nào, khối lượng ra sao cho NHNN. Các tổ chức không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành tiền đồng hoặc các hình thức bằng tiền khác. Tổ chức tín dụng không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc NHNN cho phép... Như vậy, có thể hiểu tổ chức nào mua được vàng từ NHNN trước hết phải dành cho việc tất toán tài khoản vàng.

Thứ hai, cho dù lượng vốn bằng tiền đồng hiện đang "tồn" ở các ngân hàng khá lớn, nhưng ngân hàng cũng không được cho vay để khách hàng mua vàng trả cho ngân hàng. Song, NHNN lại cho phép các ngân hàng thực hiện các biện pháp cần thiết để thu hồi các khoản cho vay bằng vàng hoặc chuyển đổi dư nợ sang đồng Việt Nam. Như vậy, về lý thuyết, các ngân hàng có thể chuyển nợ xấu vàng, nếu có, thành nợ xấu tiền đồng, chứ không được làm phát sinh thêm nợ xấu! Con số nợ xấu vàng sẽ là bao nhiêu, có lẽ phải chờ đến 30/6 tới mới thống kê được.

Cửa đã mở nhưng vẫn khó qua

Thực tế, giờ NHNN rất "mở" cho các đơn vị tham gia thị trường. "Chúng tôi chỉ chờ họ có đủ giấy tờ theo quy định là cấp phép", lãnh đạo một vụ chức năng của NHNN khẳng định. Cửa cho hoạt động kinh doanh vàng miếng đã mở, nhưng khó qua. Vì theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải đáp ứng đủ 5 điều kiện, trong đó có 3 điều kiện quan trọng. Đó là: có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất; có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Một trong những việc khó nhất đối với doanh nghiệp muốn tham gia kinh doanh vàng miếng là chứng minh được đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế cho nhà nước ở mức 500 triệu đồng/năm. Trong khi đó, để trốn thuế, các doanh nghiệp này đã trót thường xuyên khai giảm doanh thu. Giờ lấy đâu chứng nhận về số thuế đã nộp đạt tiêu chuẩn của NHNN!? Mặt khác, trong quy định về mua bán vàng miếng của NHNN, NHNN có quyền hủy hợp đồng với người mua, bán. Còn đơn vị đặt thầu mà bỏ sẽ mất tiền đặt cọc. Kinh doanh kiểu không bao giờ lo lỗ thì… ai chẳng làm được (?). Và với chủ trương không bình ổn giá của NHNN thì đơn vị kinh doanh vàng miếng có lợi lộc gì khi tham gia đấu thầu vàng khi mà NHNN luôn "không được lỗ".

Tóm lại, cách bình ổn của NHNN là tạo cơ chế để thị trường tự bình ổn. Không có điều kiện đầu cơ làm giá, lợi nhuận thấp thì các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại lấy đâu nhiệt huyết kinh doanh vàng. Lúc đó tự khắc thị trường sẽ "bình ổn"!

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Ngày mai chưa bắt đầu từ ngày hôm nay

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc