Khơi dậy và liên kết tiềm năng Tây Bắc |
Thứ bảy, 06/04/2013, 10:48 GMT+7 |
Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Tây Bắc trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, trước hết cần phải xây dựng được cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh để từ đó có thể thu hút vốn của các tổ chức tín dụng và của các nhà đầu tư. Trao chứng nhận đầu tư cho các DN tại Vùng Tây Bắc có tới 12 tỉnh nhưng đến hết 31/12/2012, tổng huy động trên địa bàn Tây Bắc chỉ trên 76 nghìn tỉ đồng, tổng dư nợ trên 100 nghìn tỉ đồng, quy mô quá thấp so với một tỉnh ở đồng bằng. Bởi vậy, kết nối tiềm năng Tây Bắc cũng là chủ đề nóng hổi trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Bắc diễn ra vào 3/4/2013.
Kết nối hạ tầng đi trước Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: muốn phát triển Tây Bắc, kêu gọi đầu tư với tiềm năng, lợi thế và cơ chế ưu đãi, trước hết cần phải xây dựng được cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh, kết nối Tây Bắc với các tỉnh trong vùng và cả nước. Đây là nền tảng chính để thúc đẩy Tây Bắc phát triển. Vì thế, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước, cần xã hội hoá việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng, thúc đẩy Tây Bắc phát triển bền vững. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà kiến nghị, để phát triển vùng Tây Bắc phải có chính sách đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư từ TP HCM, nhất là lĩnh vực du lịch, cung cấp hàng hoá dịch vụ. Ông Lê Mạnh Hà đề nghị các tỉnh trong vùng tạo điều kiện cho các DN lớn của TP đầu tư vào đây như Saigontourist, Saigoncorp, Fahasa… Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhận được sự cam kết từ giới khoa học trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu về phát triển khoa học công nghệ vùng Tây Bắc, kết hợp với đào tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho các tỉnh trong vùng. Về những cản trở của cơ sở hạ tầng trong việc xúc tiến đầu tư tại khu vực, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển giao thông vùng Tây Bắc từ nay đến 2020 là gần 125.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi nguồn vốn đầu tư hạn hẹp và chưa kịp hoàn thiện cơ sở hạ tầng mới như hiện nay, Bộ trưởng Thăng đề nghị địa phương nên tìm cách giữ gìn hạ tầng hiện có, bằng cách kiểm soát chặt trọng tải xe vận chuyển. "Khi ta chưa làm mới, việc giữ hạ tầng cũ là rất quan trọng", Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh. Dòng vốn theo sau Tính đến hết tháng 2/2013, trung bình mỗi tỉnh chỉ huy động được trên 6.300 tỉ đồng và cho vay trên 9 nghìn tỉ đồng. Không cần phải so sánh với những địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước như Hà Nội, TP HCM, con số huy động và cho vay của 12 tỉnh Tây Bắc gộp lại so với một số địa phương khác rất thấp. Ví dụ, tính đến hết tháng 2/2013, số dư huy động và cho vay lần lượt đối với Đồng Nai trên 80 nghìn tỉ đồng - 67,6 nghìn tỉ đồng; Bình Dương: 75.835 tỉ đồng – 53.686 tỉ đồng. Một số lãnh đạo ngân hàng thương mại nhận định, do khu vực Tây Bắc có địa hình phức tạp núi cao nhiều, là khu vực sinh lời thấp, chi phí cao, nhiều rủi ro khách quan (thiên tai, dịch bệnh, khả năng trả nợ của khách hàng thấp)… Đặc biệt, do chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nên luồng vốn đầu tư thương mại, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng thường không đổ vào nhiều. Song, đại diện các ngân hàng đều cho hay, thời gian tới họ sẽ tiếp tục mạnh dạn mở rộng sự hiện diện tại vùng Tây Bắc. Tuy vậy, ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang cho biết: “Thời gian cho vay của ngân hàng thì kéo dài, trong khi không cho DN thế chấp máy móc, hàng tồn kho để vay vốn thì làm sao sản xuất được?”. Cũng theo ông Thập, một trong những nguồn cung cấp vốn cho DN vừa và nhỏ là hệ thống ngân hàng thương mại nhưng hiện nay dư nợ của khối DN này còn rất khiêm tốn mà hầu hết tập trung vào các DN, tổng công ty lớn hay những khoản vay có quy mô nhỏ hẳn như cho vay nông dân, hộ sản xuất. "Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay, nguồn vốn huy động của ngân hàng luôn dư thừa trong khi vốn để sản xuất kinh doanh của DN lại luôn thiếu" - ông Thập nói. Tuy nhiên, đại diện cho cộng đồng DN, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cũng cho biết, theo chỉ số PCI, việc đánh giá khả năng trả lãi của DN được thể hiện qua chỉ số khả năng thanh toán lãi vay. Đáng chú ý là chỉ số này ở hai tỉnh Lào Cai và Điện Biên cao hơn mặt bằng chung của cả nước, dù đã giảm mạnh trong năm 2011. Bốn tỉnh còn lại đều có khả năng trả lãi vay thấp hơn mặt bằng chung của cả nước, nhất là Hòa Bình, nơi mà các DN luôn chỉ kiếm được thu nhập gấp khoảng 2,5 lần các khoản lãi suất vay vốn. TS Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định: ngoài vốn, Tây Bắc cũng cần phát triển mạnh mẽ và nuôi dưỡng cộng đồng DN thông qua việc tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các DN tới hợp tác và đầu tư ở vùng Tây Bắc. “VCCI sẽ chủ động trong việc ký kết các thỏa thuận và chương trình hợp tác với các tỉnh trong vùng Tây Bắc để tổ chức thực hiện hỗ trợ cải thiện chỉ số PCI, thực hiện các chương trình xúc tiên thương mại và đầu tư từ các DN trong và ngoài nước” - TS Lộc nhấn mạnh. Ở góc độ chuyên gia, ông Võ Trí Thành-Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, để mở rộng tín dụng vùng Tây Bắc, cần phải kết hợp tín dụng từ 3 “ông”: Tín dụng thương mại, tín dụng chính sách (Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách Xã hội) và tài chính vi mô từ các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Còn ông Thập cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời cho các DN vừa và nhỏ, mặt khác cần có những giải pháp về phía các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các DN cũng kiến nghị, ngành ngân hàng cần có chính sách phù hợp để giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý, giảm chi phí cho vay cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Nếu cần thiết, các tổ chức tín dụng có thể hỗ trợ các DN thông qua việc cử cán bộ tư vấn, hướng dẫn DN trong quá trình lập hồ sơ vay vốn... Ngay trong khuôn khổ hội nghị, BIDV thực hiện ký kết 5 thỏa thuận tài trợ vốn với tổng mức cam kết tài trợ là 3.344 tỉ đồng. “Chúng tôi cam kết trong giai đoạn 2013- 2015 sẽ tiếp tục thu xếp nguồn vốn trung-dài hạn với tổng mức vốn cam kết theo doanh số là 15.000 tỉ đồng để phát triển hoạt động tín dụng song hành với chính sách và định hướng phát triển kinh tế, phát triển ngành của Tây Bắc” – Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà - công bố. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các địa phương, các Bộ, ngành cần khẩn trương vào cuộc, không chỉ tạo ra chuỗi liên kết trong vùng Tây Bắc mà nên mở rộng sang các địa bàn khác như Hà Nội, các vùng lân cận đồng bằng sông Hồng… Các nhà đầu tư, DN, nhà khoa học tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc đặc điểm, tình hình, các lợi thế, tiềm năng, các giá trị di sản văn hoá, thiên nhiên cần gìn giữ và bảo tồn, vì lợi ích của nhà đầu tư và nhân dân trong vùng. Để từ đó biến tiềm năng của Tây Bắc thành thế mạnh. Theo dddn.com.vn Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|