top-banner-2

Thứ ba, 07/01/2014, 08:29 GMT+7

Mặt trái của du lịch

Viết bởi lehang   
Thứ ba, 07/01/2014, 08:29 GMT+7

Được mệnh danh là ngành công nghiệp không khói, du lịch đem lại lợi nhuận khổng lồ cho nhiều quốc gia hoặc thậm chí là một địa phương nhỏ.

Tuy nhiên do quản lý không tốt, các vấn đề về môi trường đã nảy sinh.
Vừa qua, có một bộ phim tài liệu gây sự chú ý khi chỉ ra rằng du lịch đang trở nên không thể kiểm soát được ở một số nơi trên thế giới, hủy hoại môi trường và văn hóa bản xứ. Bộ phim Gringo Trails do nhà nhân loại học người Mỹ Pegi Vail thực hiện trong hơn một thập kỷ qua đã cho thấy tác động của việc tăng trưởng không có kế hoạch của ngành công nghiệp du lịch ở các nước đang phát triển.

Một người Nepal dọn dẹp rác trên dãy Himalaya trong chiến dịch bảo vệ môi trường tổ chức năm 2010 - Ảnh: AFP

Sự kinh hoàng của rác

Nhiều câu chuyện điển hình trên thế giới về mặt trái của du lịch được đưa vào bộ phim. Đoạn giới thiệu bộ phim khiến ai đó có thể phải suy nghĩ khi một nhân vật kể lại rằng có một bãi biển đẹp tuyệt trần, chưa mấy ai biết đến và chưa bị hủy hoại. “Dù bạn có làm gì đi chăng nữa, đừng kể cho ai biết về bãi biển này” - nhân vật trong đoạn giới thiệu nói. Và rồi tiếp đó là cảnh bãi biển ở đảo Pha Ngan của Thái Lan với hàng ngàn du khách nhảy múa trong bữa tiệc lớn tổ chức tại đây nhân lễ hội trăng rằm. Khung cảnh sáng hôm sau là một bãi biển đầy rác, chai lọ và những kẻ say nằm ngủ như chết trên bãi cát.

Bộ phim bắt đầu ở Bolivia và kết thúc cũng ở nước này, tập trung vào tác động của cuốn tự truyện Lạc trong rừng rậm do tác giả người Israel Yossi Ghinsberg viết. Theo CNN, năm 1981 Ghinsberg đến khu rừng nhiệt đới ở Bolivia và bị lạc. Câu chuyện về sự sống sót thần kỳ sau ba tuần của ông ta đã kích thích máu phiêu lưu của nhiều người mê du lịch khám phá. Họ đổ dồn về Bolivia, gây sức ép lên hệ sinh thái dễ tổn thương của quốc gia Nam Mỹ này.

Vấn đề Vail nêu ra trong bộ phim không phải là mới nhưng cũng không cũ. Tại Nepal, nơi hằng năm đón cả ngàn nhà thám hiểm đến để leo lên đỉnh Everest hoặc “nhẹ nhàng” hơn là leo bộ qua các rặng núi của dãy Himalaya, rác thải là một vấn đề lớn.

Anh Sagar Gurung, một người làm du lịch ở Nepal, cho Tuổi Trẻ biết các dịch vụ leo núi thám hiểm mang tính thương mại giờ đây đã khiến giấc mơ leo núi của nhiều người trở nên dễ dàng hơn. “Việc leo núi cần rất nhiều thứ như bình oxy, thực phẩm, nhiên liệu, dụng cụ hỗ trợ và phát sinh rác thải, bao gồm cả chất thải của con người” - anh cho biết.

Tôn Nữ Quỳnh Hương, một cô gái Việt Nam từng leo bộ lên dãy Himalaya, cho biết tình trạng này rất phổ biến và ngày một nhiều hơn, nhất là vào mùa cao điểm leo núi. Trao đổi với Tuổi Trẻ, Quỳnh Hương nói: “Càng lên cao làng mạc thưa dần, thời tiết khắc nghiệt nên cơ sở hạ tầng thiếu thốn và việc xử lý rác thải cũng khó khăn. Thế nhưng không phải ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh. Nếu không tìm thấy thùng rác, người ta phải để lại rác trên đường để nhẹ bớt hành lý”.

Phát triển du lịch bền vững

Trả lời phỏng vấn kênh CNN, Vail nói ông ngạc nhiên khi có quá ít dân du lịch nghĩ về vai trò của chính mình và cũng có quá ít tiếng nói từ dân địa phương. Từng đi qua 75 quốc gia, Vail đưa ra lời khuyên cho những ai đi du lịch: “Đầu tiên, không cần biết kinh phí đi du lịch của bạn là đắt hay rẻ nhưng việc tìm hiểu thông tin về điểm đến, văn hóa và môi trường bản địa chẳng mất xu nào cả. Hãy học những điều nên làm và không nên làm khi đến đó”.

Cô gái leo dãy Himalaya Quỳnh Hương cho rằng ý thức của khách du lịch rất quan trọng. Cô nói: “Khi tôi đến Everest Base Camp, mặc dù thùng rác vẫn đặt quanh đó nhưng người ta vẫn vứt rác đầy bên cạnh, gây ô nhiễm môi trường và cảnh quan. Người dân Nepal sống trên dãy Himalaya đang phải chịu đựng sự ô nhiễm từ ngành du lịch”.

Theo Vail, khi càng có nhiều du khách đến một địa điểm du lịch, vấn đề có thể nảy sinh khi cơ sở hạ tầng ở đó chưa đáp ứng kịp sự tăng trưởng về lượng khách hoặc các công ty lữ hành lớn sẽ ùa vào địa điểm đó để thu lợi.

Anh Sagar cho biết càng ngày người ta càng chấp nhận rộng rãi thực tế về ô nhiễm môi trường trong du lịch, nhưng cũng đang có những cam kết để giải quyết vấn đề với những giải pháp thực tế. “Là một người làm du lịch, quan điểm của tôi là nên có một giải pháp không làm ảnh hưởng đến doanh thu của ngành, đồng thời các công ty lữ hành và chính phủ phải nhất trí và thực hiện một lịch trình hướng đến việc đảm bảo sự quản lý hiệu quả và bền vững đối với vấn đề chất thải” - Sagar nói.

Kinh nghiệm từ Bhutan

Bhutan là một đất nước được nhắc đến trong bộ phim tài liệu Gringo Trails với vẻ đẹp của thiên nhiên và truyền thống. Nổi tiếng với sự trong sạch về môi trường và hạnh phúc thuộc loại nhất thế giới, Bhutan luôn là điểm đến mơ ước của nhiều du khách đam mê khám phá. Tuy nhiên, những chính sách về thị thực và giá cả đã hạn chế khá nhiều du khách muốn đến vương quốc này. Chuyện này không phải không có lý do.

Cô Mendharawa Dorji, giám đốc một công ty lữ hành ở Bhutan, nói với Tuổi Trẻ rằng chính sách du lịch của nước này là “chất lượng cao, tác động thấp”. “Chính sách này đã giúp Bhutan tránh được việc có quá đông du khách tràn đến đây và cũng để Bhutan phát triển bền vững hơn” - cô Mendharawa cho biết. Tại Bhutan, phát triển bền vững là một trong bốn trụ cột của chỉ số hạnh phúc quốc gia, chỉ số khiến nước này nổi tiếng trên toàn cầu về sự hạnh phúc.

Theo Tuoitre

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Mặt trái của du lịch

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc