top-banner-2

Thứ tư, 19/07/2017, 08:49 GMT+7

Vì sao Tổng công ty Licogi thua lỗ kỷ lục?

Viết bởi ducanh   
Thứ tư, 19/07/2017, 08:49 GMT+7

Sau nhiều năm kinh doanh hiệu quả, Tổng công ty Licogi bất ngờ báo lỗ lớn trong năm 2016 và quý I/2017, hé lộ “kịch bản” thâu tóm cựu thành viên Bộ Xây dựng.

1-cong-ty-licoty

Trụ sở Tổng công ty Licogi trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Hoa Liên

Năm tài chính 2016, Tổng công ty Licogi báo lỗ sau thuế 437 tỷ đồng, kết quả tồi tệ bậc nhất trong lịch sử hoạt động hơn nửa thế kỷ của thành viên Bộ Xây dựng. Tình hình của Licogi “bi đát” đến độ hãng kiểm toán PwC phải đưa ra cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 1.050 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần âm 126 tỷ đồng.

Licogi thua lỗ tới gần nửa vốn điều lệ (900 tỷ đồng), song không hẳn tất cả các cổ đông đều “buồn”.

Kịch bản thâu tóm hoàn hảo

Licogi là một trong những đơn vị trực thuộc đầu tiên của Bộ Xây dựng, tiền thân là Liên hiệp các xí nghiệp thi công cơ giới thành lập tháng 8/1960 và Công ty Xây dựng số 18 thành lập tháng 5/1961. Tháng 11/2006, Bộ Xây dựng có quyết định chuyển đổi hoạt động của Licogi theo mô hình mẹ - con. Licogi đã từng là thành viên của Tập đoàn Sông Đà trong hai năm trước khi quay về Bộ Xây dựng quản lý trực tiếp vào tháng 10/2012.

Cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cổ phần hóa Licogi với vốn điều lệ 900 tỷ đồng, tương đương 90 triệu cổ phần. Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm 31,5 triệu cổ phần, chiếm 35% vốn điều lệ, Bộ Xây dựng sở hữu 40% vốn và bán đấu giá công khai 21,27 triệu cổ phần (23,63% vốn).

Licogi được ví như một “đứa con ngoan” của Bộ Xây dựng, với kết quả kinh doanh giai đoạn 2011-2015 khả quan, lợi nhuận luôn ở mức dương, có những năm lãi hơn 100 tỷ đồng như năm 2011 (167 tỷ đồng), năm 2012 (143 tỷ đồng), năm 2013 (101 tỷ đồng).

Ngoài ra, sự hấp dẫn của Licogi còn đến từ lượng đất đai khổng lồ tổng công ty này đang nắm giữ (hơn 1.500.000 m2), đặc biệt phần lớn nằm dưới dạng dự án đã được cấp phép, trong đó phải nhắc tới dự án Khu ĐTM Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội với diện tích 351.618 m2; dự án Khu ĐTM Cột 5 – Cột 8 TP Hạ Long, Quảng Ninh (332.828 m2); dự án khu ĐTM Cột 5 – Cột 8 mở rộng (198.603 m2); dự án khu ĐTM Nam Ga – TP. Hạ Long (238.018 m2); dự án Khu dân cư đô thị Yên Thanh – Licogi Yên Thanh Uông Bí, Quảng Ninh (275.672 m2)…

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa nhanh chóng “an bài” khi một nhóm nhà đầu tư thâu tóm thành công quá nửa cổ phần Licogi và với cái giá rất thấp. Trong đợt bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 4/2015, 21,27 triệu cổ phần Licogi được mua với giá 10.006 đồng, cao hơn vẻn vẹn 6 đồng so với mệnh giá.

Trước đó, 35% vốn, tương đương 31,5 triệu cổ phần đã được bán cho nhà đầu tư chiến lược – Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông với mức giá theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt là 315 tỷ đồng, cũng chỉ bằng mệnh giá.

Theo tìm hiểu của người viết, phần lớn các cá nhân mua vào cổ phần Licogi trong đợt IPO tháng 4/2015 có liên quan đến nhau, gồm những cái tên Lê Việt Anh, Nguyễn Thanh Mai, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Thái Anh, Nguyễn Hồng Ngọc, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Trâm Anh, Ngô Thu Trang, Vũ Đình Chiến, Đặng Thị Thanh Tâm...

Theo bản cáo bạch niêm yết vừa công bố của Licogi, tính tới 16/3/2017, các cổ đông cá nhân trên bỗng dưng biến mất, thay vào đó là Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường, sở hữu 20 triệu cổ phiếu, tương đương 22,24% vốn điều lệ của Licogi.

Như vậy, Bộ Xây dựng, Bất động sản Khu Đông và Đầu tư Gia Cường hiện nắm tới 97,95% vốn của Licogi, trong đó hai cổ đông tư nhân sở hữu 57,24%, chiếm tỷ lệ quá bán, có quyền chi phối doanh nghiệp này. Điều cần nhấn mạnh là cả BĐS Khu Đông và Đầu tư Gia Cường đều là “người một nhà”, cùng là công ty thành viên của một tập đoàn bất động sản mới nổi ở Việt Nam, sẽ được đề cập sau.

Và từ đây có thể lý giải tại sao Licogi bất ngờ thua lỗ nặng nề trong thời gian qua, dù trước đó kết quả kinh doanh vẫn khả quan. Theo báo cáo kiểm toán 2016 được lập bởi PwC, Licogi lỗ sau thuế hợp nhất 437 tỷ đồng (trong khi năm 2015 vẫn lãi 68 tỷ đồng) bởi chi phí tài chính tăng mạnh từ 85 tỷ đồng lên 154 tỷ đồng và trích lập dự phòng phải thu khó đòi tăng từ 15 tỷ đồng lên 321 tỷ đồng.

Trao đổi với người viết, một chuyên gia tài chính cho hay việc có trích lập dự phòng cho các khoản phải thu hay không, và ở mức độ nào là tùy thuộc quan điểm của các nhà điều hành doanh nghiệp đối với khoản phải thu đó. Có vẻ như ban lãnh đạo Licogi tỏ ra rất bi quan đối với các khoản phải thu của mình trong năm vừa qua khi số dư trích lập tăng tới hơn 20 lần.

 

Trong đó có một số khoản phải thu đang trích lập dự phòng 100% vẫn tiếp tục được đổ thêm tiền vào và...trích lập tiếp. Như đối với dự án Khu đô thị Thịnh Liệt – dự án lớn nhất của Licogi, tổng công ty này tới cuối năm 2015 tồn tại khoản phải thu 39 tỷ đồng đối với Ban quản lý Dự án, song trong năm 2016 tiếp tục rót thêm 16 tỷ đồng, nâng số dư lên 55 tỷ đồng vào cuối năm và đồng thời trích lập 100% mất vốn cho khoản phải thu này!?

Bên cạnh đó, nhiều nghiệp vụ của ban điều hành Licogi cũng bị kiểm toán “tuýt còi”. Trong báo cáo tài chính 2016, hãng kiểm toán uy tín PwC đã ngoại trừ không ít các bút toán làm giảm lợi nhuận của Licogi. Tại dự án Khu ĐTM Nam Ga Hạ Long, PwC cho rằng Licogi đã ghi giảm doanh thu hàng bán 17,8 tỷ đồng trái với Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 và Thông tư 200/2014 của Bộ Tài chính. Nếu hạch toán đúng, lỗ trước thuế trong năm của Licogi sẽ giảm 3,3 tỷ đồng. Liên quan tới dự án Khu ĐTM C5-C8 và dự án C8 mở rộng, Licogi đã ghi nhận thêm vào Giá vốn hàng bán 8,1 tỷ đồng mà theo PWC là trái với nguyên tắc tại CMKTVN số 14, khiến lỗ trước thuế tăng lên tương ứng 8,1 tỷ đồng.

Chuyên gia tài chính trên cho hay không ít doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn cổ phần hóa, mặc dù nắm trong tay khối tài sản khồng lồ, song vẫn liên tục báo lỗ. Việc lỗ hay lãi, theo chuyên gia này, các nghiệp vụ kế toán hoàn toàn có thể “mông má” được, thực tế là lãi, nhưng trên giấy tờ biến hóa thành thua lỗ thê thảm. Doanh nghiệp càng lỗ thì giá trị của phần vốn nhà nước càng giảm sút, và bởi vậy cổ đông tư nhân dễ dàng mua lại với mức giá rất rẻ.

Gáo nước lạnh

Quý I/2017, không có số liệu hợp nhất, song công ty mẹ Licogi tiếp tục báo lỗ 40,6 tỷ đồng với doanh thu vỏn vẹn 84,5 tỷ đồng. Trong khi theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 thông qua, công ty mẹ Licogi năm nay dự kiến đạt doanh thu 931 tỷ đồng, lãi trước thuế 29,5 tỷ đồng, lãi hợp nhất trước thuế 180 tỷ đồng.

Trong một diễn biến “rất” liên quan, Bộ Xây dựng ngày 25/3/2017 nhận được văn bản số 16/2017/CV-KĐ của Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông đề xuất mua lại toàn bộ 40,71% vốn nhà nước tại Licogi. Nếu được chấp thuận, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Khu Đông – Gia Cường tại Licogi sẽ lên tới 98%, và với tình trạng kinh doanh thua lỗ như hiện nay, chắc chắn sẽ đi kèm với cái giá rất thấp.

Tuy nhiên mục tiêu của nhóm cổ đông tư nhân này đã bị “dội” một gáo nước lạnh khi kết luận buổi làm việc ngày 17/3/2017 của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp có vốn góp của Bộ Xây dựng đã xác định giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước 40,71% tại Licogi và chuyển quyền đại diện phần vốn về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào quý I/2017.

Bởi vậy, Bộ Xây dựng cuối tháng 5/2017 đã có văn bản phản hồi Công ty Khu Đông rằng đề nghị mua lại phần vốn nhà nước trong Licogi không thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng.

Bán vốn nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực không thuộc danh mục nhà nước cần chi phối như xây lắp, bất động sản, là đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên thực tế cho thấy rất nhiều vụ việc thất thoát tài sản nhà nước đã xảy ra trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Trong thời gian tới, nếu có chủ trương thoái nốt 40,71% vốn nhà nước còn lại trong Licogi, thiết nghĩ cần có sự theo dõi, kiểm tra sát sao của các cơ quan chức năng, không để xảy ra tình trạng trục lợi, lợi ích nhóm gây thiệt hại tài sản nhà nước mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần yêu cầu làm nghiêm, quyết liệt.

Để làm rõ vấn đề, PV đã liên hệ ông Vũ Tiến Giao, người từng giữ chức Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Licogi giai đoạn 11/2006 – 6/2017, ông Giao cho biết đã nghỉ hưu, tuy nhiên khẳng định việc thua lỗ hàng trăm tỷ đồng là do trích lập dự phòng tài chính lớn, và giới thiệu phóng viên làm việc với...nhóm cổ đông tư nhân đang thâu tóm Licogi. Trong khi đó, liên hệ với Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ông Dương Xuân Quang thì vị này từ chối trả lời, mặc dù ông Quang đồng thời là người chịu trách nhiệm công bố thông tin của Licogi.

Theo Nghi Điền - Nguoiduatin.vn - 16/7/2017


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Vì sao Tổng công ty Licogi thua lỗ kỷ lục?

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc