top-banner-2

Thứ sáu, 12/05/2017, 12:44 GMT+7

Thời điểm ‘vàng’ để doanh nghiệp gia đình tái cấu trúc bộ máy quản trị

Viết bởi ducanh   
Thứ sáu, 12/05/2017, 12:44 GMT+7

Sau một thời gian hoạt động, các doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh kinh doanh, phát triển thị trường, muốn huy động vốn để lên sàn hoặc tìm những đối tác lớn để hợp tác. Lúc này, sức ép cần phải tái cấu trúc cơ cấu bộ máy quản trị cấp cao để thay đổi thích nghi với hoàn cảnh thị trường và phát triển doanh nghiệp bền vững trong tương lai là điều bất kì doanh nghiệp nào cũng phải cân nhắc.

1-doanh-nghiep-tai-cau-truc-van-hoa-doanh-nhan 

Bà Vũ Thị Mai - Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai tham gia chương trình CEO - Chìa khóa thành công bàn luận về vấn đề này

Theo bà Sian Steele - Chuyên gia Mạng lưới Doanh nghiệp gia đình toàn cầu, PwC nhận định rằng: “Khi doanh nghiệp trải qua một giai đoạn thay đổi hoặc tăng trưởng nhất định, khi doanh nghiệp muốn phát triển một đội ngũ nhân sự mới hay muốn chuyển hướng hoạt động kinh doanh và cần đến những kỹ năng, kinh nghiệm khác thì việc tái cấu trúc thượng tầng rất hữu ích. Thường thì doanh nghiệp sẽ thuê một CEO từ bên ngoài có khả năng mang lại những kỹ năng mới cho doanh nghiệp, tách bạch hai vị trí Chủ tịch HĐQT và CEO”.

Thực tế cho thấy rằng việc tái cấu trúc bộ máy cấp cao là nhiệm vụ khả quan nằm trong mục tiêu chiến lược thay đổi và phát triển doanh nghiệp bền vững. Tái cơ cấu sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giảm chi phí và tạo động lực làm việc cho đội ngũ nhân sự. Đồng thời, giúp doanh nghiệp bắt kịp với những thay đổi trên thị trường, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Quá trình tái cấu trúc này được ví như việc chữa bệnh cho doanh nghiệp, không thể chữa dứt căn bệnh nếu như không biết được chính xác căn bệnh và nguyên nhân đích thực của nó. Muốn biết chính xác căn bệnh cũng như nguyên nhân, chúng ta không thể không khám bệnh một cách tỉ mỉ và làm các xét nghiệm, kiểm tra chuyên sâu. Không thể bắt tay ngay vào quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp khi chưa tiến hành một cuộc khảo sát toàn diện và chuyên sâu.

Có rất nhiều doanh nghiệp đang mong muốn tách bạch Chủ tịch HĐQT và CEO để thuê một người điều hành bên ngoài về làm việc. Việc này sẽ liên quan đến nhiều vấn đề vĩ mô của doanh nghiệp như: triết lý kinh doanh, sứ mệnh, hoài bão, giá trị cốt lõi, các chuẩn mực đạo đức, hành vi, văn hóa doanh nghiệp, các mục tiêu, định hướng chiến lược, chiến lược công ty. Nhưng để tách bạch, công ty cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, không chỉ vấn đề tìm kiếm CEO phù hợp mà doanh nghiệp cũng phải chuyển mình để phù hợp với văn hoá mới, sự kết nối giữa HĐQT và người điều hành.

Tuy nhiên, việc đó không phải doanh nghiệp nào cũng làm được và thành công. Bởi lẽ việc tái cấu trúc như vậy sẽ có xu hướng làm giảm hiệu quả trong việc kết nối các chiến lược công ty và các quá trình triển khai nó trong thời gian đầu nếu người điều hành vẫn “non tay”. Và nếu thuê một người chưa có nhiều thời gian gắn bó dài với doanh nghiệp về để thực hiện điều hành sẽ là một sự xáo trộn lớn mà doanh nghiệp cần phải chuẩn bị tâm thế.

Đó cũng chính là câu chuyện được đề cập trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Tái cấu trúc thượng tầng” được phát trên VTV1, lúc 10h Chủ Nhật ngày 14/05/2017 để các Chuyên gia mổ xẻ vấn đề và đưa ra giải pháp. Chương trình đưa ra câu chuyện của một doanh nghiệp gia đình kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ đã có 20 năm kinh nghiệm trên thị trường. Từ khi thành lập đến nay, CEO vừa là người nắm giữ vai trò điều hành cao nhất vừa là Chủ tịch HĐQT của công ty. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện chiến lược mới thì sự chồng chéo trong việc điều hành và quản trị đang khiến CEO gặp nhiều áp lực, thách thức. HĐQT nhận thấy, việc kiêm nhiệm này sẽ tạo ra nhiều sức ép cho CEO và lo lắng doanh nghiệp sẽ không thực hiện được các chiến lược mới cũng như hoạt động kinh doanh hiện tại bị ảnh hưởng. Trước tình hình đó, các cổ đông đã đưa ra ý kiến sẽ tách bạch hai vị trí này bằng việc CEO vẫn nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT còn vị trí điều hành sẽ giao cho một CEO chuyên nghiệp thuê từ ngoài vào.

2-doanh-nghiep-tai-cau-truc-van-hoa-doanh-nhan

CEO Vũ Thị Mai đang được hai chuyên gia trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công tư vấn về câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp

Tham gia giải quyết vấn đề này, bà Vũ Thị Mai - Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ Mỹ nghệ Hướng Mai. Với 26 năm trên thương trường, bà đã gây dựng và phát triển xưởng gỗ năm xưa trở thành một trung tâm thương mại đồ gỗ 9 tầng với diện tích gần 10.000 mét vuông, ba xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với gần 200 nghệ nhân lành nghề. Đồ gỗ Hướng Mai không chỉ là thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ hàng đầu tại Đồng Kỵ mà còn là điểm tham quan, du lịch và mua sắm các sản phẩm đồ gỗ của du khách trong và ngoài nước. Đây là những thành quả của một chặng đường bền bỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ của bà. Bởi nghề gỗ đã ăn sâu vào tiềm thức, nên bà rất hào hứng chia sẻ về vấn đề này.

Với kinh nghiệm dày dặn trong ngành gỗ, bà Mai cho rằng: “Không cần phải tách bạch vai trò Chủ tịch HĐQT và CEO như vậy. Bởi việc vừa đảm nhiệm hai vai trò đã giúp bộ máy quản trị và điều hành tối ưu hoá. Việc tìm được một người đủ năng lực, khả năng và hiểu biết về đảm nhiệm vai trò CEO là điều không dễ dàng. Và quan trọng hơn nữa, để gánh vác trách nhiệm điều hành cao nhất phải là người trong gia đình thì họ mới lăn xả và sống chết vì doanh nghiệp”.

Tham gia tư vấn cho CEO Vũ Thị Mai về vấn đề này, ông Phạm Đình Đoàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ: “Theo tôi trước tiên CEO và các cổ đông cần thống nhất doanh nghiệp nên đi đến đâu trong 3 năm, 5 hay 10 năm nữa trong bối cảnh kinh tế như hiện nay của Việt Nam. Doanh nghiệp cần lời tư vấn, cố vấn, sau đó cần chuẩn bị nguồn nhân lực, tài chính… Nếu tuyển được CEO có tâm huyết và kinh nghiệm để thay vị trí điều hành, còn CEO hiện tại sẽ tập trung vào việc của HĐQT. Còn nếu DN không tìm thấy được CEO giỏi thì có thể tuyển các vị trí CFO, CO và xúc tiến các vị trí về xuất khẩu để nghiên cứu thị trường của các nước khác cần những gì để giao thương…nhằm mục tiêu xuất khẩu trong thời gian tới”. Tiếp nối quan điểm, Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Tổng Giám đốc Công ty PwC Việt Nam cho rằng: “Đầu tiên cần xác định mục tiêu của DN trong thời gian tới, muốn đạt được những mục tiêu đó doanh nghiệp cần có một quy trình. Việc tách hay không hai vị trí CEO và Chủ tịch HĐQT thì DN cũng cần phải xây dựng một cơ chế quản trị phù hợp, minh bạch, rõ ràng”.

Tái cấu trúc thượng tầng cần được xem xét, cải tiến thường xuyên để phù hợp với những thay đổi liên tục của tình hình bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, nhằm giúp hoạt động tốt hơn, hiệu quả sử dụng nguồn lực cao hơn. Đây là điều khiến các doanh nghiệp nâng cao nguồn lực, khả năng cạnh tranh nếu có một công cuộc tái cấu trúc thành công.

Chương trình CEO - Chìa Khóa Thành Công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng gia phối hợp thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Bất động sản Novaland.

Xem lại chương trình tại : CEO - Chìa khóa thành công trên Youtube

Fanpage chính thức tại: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme

Hotline đăng ký tham gia chương trình : 098 148 6868

 Quỳnh Trâm

* Nội dung được Trường Sơn Media thực hiện theo GPKD


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Thời điểm ‘vàng’ để doanh nghiệp gia đình tái cấu trúc bộ máy quản trị

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc