top-banner-2

Thứ hai, 12/12/2016, 09:36 GMT+7

Đấu giá Vinamilk: Vì sao lại ế ẩm?

Viết bởi An An   
Thứ hai, 12/12/2016, 09:36 GMT+7

Chỉ có 1 mình tỷ phú Thái Lan tham gia đấu giá cổ phần của "cô gái đẹp" Vinamilk. Hơn 1/3 số cổ phần đem ra bán bị ế, không có người mua.

1-dai-gia-thai-mua-co-phieu-vinamilk

Vào buổi chiều muộn cuối tuần trước, SCIC thông báo kết quả đăng ký tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần của SCIC tại Vinamilk. Kết quả này được xem là đáng thất vọng với những người quan tâm đợt đấu giá thoái vốn nhà nước rất quan trọng này.

Theo đó, đến hết hạn đăng ký, chỉ có một mình F&N Dairy Investment dùng 2 pháp nhân của mình tham gia đăng ký mua 5,4% cổ phần của Vinamilk. Suýt nữa thì cuộc chào bán này thất bại hoàn toàn phải tổ chức lại nếu F&N chỉ dùng 1 pháp nhân để đấu giá. Hãy cảm ơn tỷ phú Charoen Sỉivadhanabhakdi !

Vinamilk là một doanh nghiệp thuộc loại hiếm có khó tìm của cả Việt Nam, còn là niềm hy vọng vươn ra khu vực và thế giới, vậy mà lại ế ẩm hơn 1/3 thế này thì đáng ngạc nhiên. Hàng tốt mà bán không chạy thì cần phải xem lại cách bán.

Cách bán chưa hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược

SCIC – đại diện vốn của nhà nước tại Vinamilk hiện nắm giữ 45% cổ phần tại Vinamilk. Với chủ trương nhà nước “không bán bia, bán sữa” số cổ phần này sẽ được mang ra bán hết, với kỳ vọng thu về tiền tỷ USD cho nhà nước. Trong đợt bán này, SCIC cắt 9% cổ phần ra bán đấu giá cạnh tranh trước, và kèm theo quy định mỗi pháp nhân không được mua quá 2,7%.

“Với nhà đầu tư chiến lược muốn tham gia vào doanh nghiệp lâu dài, thì giới hạn này không tạo được sự hấp dẫn. Bởi lẽ, nhà đầu tư chiến lược không bao giờ muốn mua 1 tỷ lệ nhỏ, không đủ tiếng nói trong doanh nghiệp, thậm chí còn không được mời các cuộc họp quan trọng. F&N mua thêm vì họ đã là cổ đông lớn tại Vinamilk ( hiện nắm 11% - PV).”, một cán bộ cấp cao của 1 doanh nghiệp lớn nhận xét.

Còn với nhà đầu tư tài chính, họ không tham gia làm gì, lý do sẽ đề cập ngay bên dưới.

Cơ chế giá không hấp dẫn nhà đầu tư

Cơ chế giá là một trong những mấu chốt quan trọng của mọi phiên đấu giá. Đợt đấu giá này, SCIC và các đơn vị tư vấn đưa ra quy tắc: giá khởi điểm là 144.000 đ/cp và không thấp hơn giá đóng cửa của cổ phiếu VNM trên sàn ngay trước ngày đăng ký đấu giá. Rủi thay, giá cổ phiếu VNM trên sàn lại giảm liên tục trước ngày diễn ra phiên đấu giá, từ mức đỉnh cao 156.000 đ/cp xuống 135.800 đ/cp vào ngày chốt. Thế thì, chả ai dại gì đi đấu giá khi mua trên sàn rẻ hơn tới 6%. Nhất là với nhà đầu tư tài chính, vốn cần lợi nhuận sớm hơn nhiều so với nhà đầu tư chiến lược.

“Thậm chí với nhà đầu tư chiến lược, với độ vênh giá lớn như vậy cũng khiến họ rất lăn tăn. Xác định giá 144.000 đ là quá cứng, và không tạo được sự hấp dẫn với nhà đầu tư. Cần có sự linh hoạt hơn thì mới hy vọng các phiên đấu giá sau thành công.”, một chuyên gia tài chính chia sẻ với người viết.

Tuy giá 144.000 đ /cp là mức giá được coi là hợp lý để sở hữu tiềm năng của Vinamilk nhưng đây không phải mức giá có lợi cho người đầu tư. Lẽ thường, mua sỉ phải được giá tốt hơn mua lẻ nhưng cuộc đấu giá này tạo ra cuộc chơi ngược lại: người mua cả lô to còn bị đắt hơn người mua lẻ trên thị trường.

Cũng phải nói thêm, thời điểm diễn ra cuộc đấu giá này không được “đẹp’. Một là giá VNM so với đầu năm đã quá tốt để khối ngoại chốt lời. Hai là xu hướng khối ngoại rút tiền về Mỹ trước lo ngại Fed tăng lãi suất và chính sách kinh tế mới của tân Tổng thống Donald Trump. Ba là ở thời điểm này nhiều cổ phiếu tốt, cũng thuộc dạng hàng hiếm chuẩn bị lên sàn như Masan Consumer, Cholifood, Vietjet, VietnamAirlines… khiến cho nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn.

Giá mà SCIC đẩy nhanh việc đấu giá này diễn ra sớm hơn nửa năm thôi, thì có lẽ đó là thời cơ vàng để bán VNM.

Quy định đặt cọc gây khó khăn?

Một lãnh đạo công ty chứng khoán có tiếng tại Việt Nam, khi được hỏi về phiên đấu giá ế ẩm này, đã bổ sung thêm 1 vấn đề mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Ông nói: “Thủ tục đấu giá hiện nay khá phức tạp, chưa tạo sự thuận tiện cho nhà đầu tư đặc biệt là tổ chức nước ngoài. Quy định về việc phải đặt cọc để tham gia đấu giá thậm chí làm nản lòng nhiều nhà đầu tư quan tâm.”

Những ai tham gia đấu giá mới hiểu được nỗi khổ về việc phải đặt cọc, theo quy định hiện nay là khoảng 10% giá trị đấu giá. Nhưng sai một ly có thể mất cả nghìn tỷ tiền đặt cọc. Rủi ro đến có khi lãng xẹt như ghi sai giá, ghi nhầm... Cách đây không lâu, một nhà đầu tư đã từng mất trọn tiền đặt cọc mua cổ phần công ty du lịch Đồ Sơn chỉ vì hiểu nhầm, ghi sai giá đấu trọn lô và giá đấu/cổ phần. Câu chuyện bi hài này mới nghe thì thấy buồn cười, nhưng lại là thực tế. Ở nhiều nước, việc đặt cọc tham gia đấu giá là không cần thiết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có nhà đầu tư bỏ ý định tham gia đấu giá Vinamilk đợt này vì vấn đề đặt cọc.

Đợt bán đấu giá Vinamilk này có thể coi là bài học cho các đợt thoái vốn quan trọng tiếp theo của Chính phủ. Vì vậy, đi tìm hiểu nguyên nhân để rút kinh nghiệm là việc mà các nhà tổ chức nên làm.

Cô gái vừa đẹp người đẹp nết mà lại ế ẩm thì cần phải xem lại cách bố mẹ cô ấy kén rể thế nào.

Theo Tri Thức Trẻ

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Đấu giá Vinamilk: Vì sao lại ế ẩm?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc