Cách làm du lịch đáng ngưỡng mộ khiến Đà Nẵng thành công đến vậy |
Viết bởi An An |
Thứ sáu, 09/12/2016, 10:02 GMT+7 |
Cái tên "Thành phố đáng sống nhất Việt Nam" được tạo ra chính nhờ du lịch tại thành phố Đà Nẵng. Giờ đây, ngành du lịch thành phố này đang nếm trái ngọt từ chính danh xưng trên. “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam” là danh xưng mà người ta đặt cho thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng ít ai biết rằng, cách đây hơn chục năm, Đà Nẵng vẫn chưa được gọi như thế và mới chỉ được biết đến như là một “làng chài” ven biển miền Trung với những bãi biển đẹp và hoang sơ. Giờ đây, khi đây đã là danh xưng không thể bỏ qua khi nhắc đến Đà Nẵng, ngành du lịch thành phố này đã bắt đầu được những “trái ngọt”. Phát triển du lịch – con đường 40 năm mà Đà Nẵng đã lựa chọn Ngay sau ngày giải phóng, chính quyền thành phố đã quyết định chọn du lịch là con đường đi của mình. Sau 1975 và trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những thay đổi cơ bản về cơ sở vật chất để phục vụ du lịch. Từ chỗ thành phố chỉ có một vài khách sạn sau giải phóng thì đến năm 1997, Đà Nẵng đã có tổng cộng 58 khách sạn với gần 2.000 phòng, trong đó đã có một số khách sạn 3 sao. Từ năm 1997 đến năm 2008, hệ thống cơ sở lưu trú ở đây đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2008, thành phố có 138 khách sạn với hơn 4.000 phòng. Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, du lịch được định hướng phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố sau một cuộc họp cấp tỉnh vào năm 2003. Trong giai đoạn này, thành phố cũng đã đầu tư xây dựng thêm một loạt hạ tầng du lịch quan trọng, giúp vẽ nên những hình ảnh đầu tiên về một thành phố du lịch, như bán đảo Sơn Trà, Công viên biển Phạm Văn Đồng (nay là Công viên Biển Đông) hay bãi tắm du lịch kiểu mẫu Mỹ Khê và T18. Cuối cùng, giai đoạn từ năm 2008 đến nay chính là lúc du lịch Đà Nẵng đã phát triển khởi sắc và ghi những dấu ấn rất ấn tượng với khách quốc tế. Một loạt các khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp 5 sao ven biển giúp đáp ứng nhiều nhu cầu du lịch, và du lịch kết hợp với công tác như InterContinental, Novotel, Hyatt, Vinpearl, Pullman đã ra đời…Phải nói rằng, việc những thương hiệu mang tầm cỡ quốc tế này chọn Đà Nẵng để đổ bổ hoặc để xuất hiện đã làm du lịch nơi đây trở nên “có giá” hơn rất nhiều. Cùng với đó, một thành phố năng động, hấp dẫn đối với khách du lịch cũng được tạo ra. Hàng loạt công trình vui chơi giải trí lớn về du lịch đã được hoàn thành và đưa vào hoạt động như Cáp treo Bà Nà, khu giải trí Fantasy Park, Vòng quay Mặt trời (Sun Wheel), Công viên Châu Á, Khu giải trí Helio Center… Vào giai đoạn này, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành cũng đã phát triển mạnh. Cuối năm 2014, trên địa bàn thành phố có 183 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có tới 108 doanh nghiệp là lữ hành quốc tế. Kết quả: du lịch Đà Nẵng giờ đây đang được hưởng “trái ngọt” Không quá khi nói giờ đây ngành du lịch tại thành phố Đà Nẵng đang có phát triển nhanh và ổn định nhất trong các ngành du lịch cấp tỉnh, thành phố trên toàn Việt Nam. Chẳng nói đâu xa, hãy cứ nhìn số liệu thống kê vào năm ngoái: 11 tháng đầu năm 2015, du khách quốc tế đến Việt Nam liên tục sụt giảm…Trong khi đó, riêng ở Đà Nẵng, du khách quốc tế đến đây vẫn tăng đến 33,1%”. Vậy có là sai không trong câu nói của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: “Đà Nẵng mang đến cho du lịch Việt Nam niềm tự hào” ? Chỉ trong vòng hơn 10 năm, tình từ thời điểm 9 tháng đầu năm 2006 đến 9 tháng đầu năm 2016, tổng lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng đã tăng gấp 5 lần. Thậm chí trong các năm gần đây, lượng khách quốc tế đến thành phố này đã tăng bình quân hơn 25%/năm. Trong khi đó, con số này đối với ngành du lịch của cả Việt Nam chỉ là trên dưới 15%. Doanh thu ngành du lịch cũng tăng bình quân tới 30,6%/năm. Số liệu gần nhất được công bố bởi Cục thống kê Đà Nẵng vào năm 2014 cho biết tổng thu du lịch Đà Nẵng đạt tới 9.740 tỷ đồng. Cuối cùng, hãy nhìn vào đóng góp của du lịch vào kinh tế Đà Nẵng để thấy được sức phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch nơi đây. Nếu như tại ngay cả nhiều quốc gia có thế mạnh về du lịch ở châu Á như Thái Lan, Singapore…thì mức đóng góp 5% của du lịch vào GDP quốc gia đã là cao thì ở Đà Nẵng, con số này đã bị vượt xa từ lâu. Theo những số liệu công bố mới nhất của Cục thống kê thành phố, tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành du lịch trong tương quan giá trị sản xuất của toàn thành phố (chỉ số tương tự như đóng góp của du lịch vào GDP quốc gia) tại Đà Nẵng vào 3 năm 2011, 2012 và 2013 đều cao và vượt xa con số 5%. Công thức thành công của du lịch Đà Nẵng: Một chính quyền cởi mở với mỗi người dân đều là đại sứ du lịch Để có được những thành quả trên, một điều không thể không nhắc đến chính là những chính sách, sự hỗ trợ của chính quyền thành phố, kết hợp với sự đồng lòng của người dân nơi đây để xây dựng nên một thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Trước hết, vai trò của chính quyền địa phương được thể hiện trên góc độ có tầm nhìn trong quy hoạch và phát triển hạ tầng. Tầm nhìn này đã đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Đà Nẵng trong mấy chục năm qua và thêm mấy chục năm nữa mà sẽ không gặp phải những thách thức về tình trạng quá tải như nhiều thành phố lớn. Tiếp sau đó, chính quyền Đà Nẵng cũng đã thể hiện vai trò khi ban hành những chính sách đúng đắn, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược. Đơn cử như Tập đoàn Sun Group đã đầu tư một loạt dự án lớn như sân golf Bà Nà Hills, resort núi Bà Nà hay khu tổ hợp Notovel Danang Premier Han river…, những điạ danh không thể không nhắc đến khi nói về Đà Nẵng. Đà Nẵng luôn cố làm sao để thành phố liên tục có cái mới, liên tục có những điểm thú vị để thu hút và giữ chân khách du lịch. Chắc hẳn sẽ ít có nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam mà bạn sẽ được dùng wifi miễn phí, được đi xe buýt mui trần hay dùng mạng xã hội để tra cứu địa chỉ bán thực phẩm an toàn. Thậm chí Đà Nẵng còn lập riêng 1 trang web quảng bá thông tin du lịch, ứng dụng khám phá du lịch trên điện thoại. Sắp tới đây, chính quyền thành phố còn có ý định sẽ khai thác các đường bay mới, trực tiếp từ Đà Nẵng đến các nước Trung Quốc, Nhật Bản nhằm khai thác 2 thị trường lớn trong các nhóm các nước Đông Băc Á này. Cuối cùng, không thể không nhắc đến nỗ lực của chính quyền nhằm giúp dân cư thành phố hiểu rằng mỗi người trong số họ đều là một đại sứ thương hiệu của Đà Nẵng. Còn nhớ vào mùa bắn pháo hoa năm trước, chính chính quyền Đà Nẵng đã từng vận động người dân mở cửa nhà mình để tỏ sự thân thiện với khách du lịch, cho khách du lịch sử dụng miễn phí toa lét nhà trong trường hợp các cơ sở công cộng quá tải. Theo Tri Thức Trẻ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|