top-banner-2

Thứ tư, 22/05/2013, 10:02 GMT+7

4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thương mại điện tử

Thứ tư, 22/05/2013, 10:02 GMT+7

Từ ngày 1/7/2013, sẽ có 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thương mại điện tử.

4 nhóm hành vi bị cấm

Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành quy định về thương mại điện tử, sẽ có 4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong trong hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể, nhóm thứ nhất là một số vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, như: tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử, trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới; Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh...

Ảnh minh họa

Nhóm thứ hai là vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử như giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử; Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận;...

Nhóm thứ ba là vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử gồm thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử; Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử...

Nhóm thứ tư, là các vi phạm khác như đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...

Các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử

Nghị định cũng quy định rõ về các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử.

Theo đó, Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.

Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm: Sàn giao dịch thương mại điện tử; Website đấu giá trực tuyến; Website khuyến mại trực tuyến và các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

Nghị định cũng quy định, hoạt động thương mại điện tử được thực hiện dựa trên 4 nguyên tắc. trước hết, hoạt động thương mại điện tử phải đảm bảo nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong giao dịch thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, phải xác định phạm vi hoạt động kinh doanh trong thương mại điện tử. Nếu thương nhân, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và xúc tiến thương mại trên website thương mại điện tử không nêu cụ thể giới hạn địa lý của những hoạt động này, thì các hoạt động kinh doanh đó được coi là tiến hành trên phạm vi cả nước.

Ngoài ra, cần xác định nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử. Người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng và người bán trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng.

Cuối cùng, các chủ thể ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.

Theo dddn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

4 nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thương mại điện tử

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bhql2024

kndn1

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc