'Một thời ngang dọc': Tiểu thuyết mở đầu thể loại tân phái võ hiệp của Việt Nam |
Thứ năm, 27/06/2019, 10:12 GMT+7 | |
Cuốn sách tuy còn có những mặt non yếu nhất định về tư tưởng như mang màu sắc ngang tàng anh hùng cá nhân, phảng phất tính chất mê tín dị đoan trong một số chi tiết, nhưng nói chung là có nội dung tốt, mang hàm ý yêu nước. Tiểu thuyết Một thời ngang dọc của Hoàng Ly đặt trên bối cảnh đất nước ta dưới thời đô hộ. Khi vua Hàm Nghi bị bắt, Tôn Thất Thuyết lên đường sang Long Châu (Trung Quốc) tiếp tục hoạt động, chờ thời cơ trở về khôi phục giang sơn. Đi đến bên bờ sông Đà ở Lai Châu (Tây Bắc), Tôn quyết định chôn giấu số vàng trong kho tàng triều Nguyễn tích lũy bao năm mà Tôn mang theo ở một địa điểm bí mật, lại vẽ một tấm bản đồ để sau này biết đường tìm kiếm, dùng số vàng đó chiêu binh mãi mã, trả thù cho đất nước. Tất cả những đám sơn tặc đều tìm cách chiếm đoạt kho vàng đó nhưng không lần ra tấm bản đồ. Hồng Lĩnh, chàng trai trẻ người Kinh, vì cha là một chiến sĩ yêu nước bị tên phản bội Trần Tắc báo cho Pháp bắt đưa lên máy chém, nên chàng bỏ lên miền núi Thập Vạn Đại Sơn làm lạc thảo. Bởi có tài bắn súng tuyệt kỹ nên chàng được đám giang hồ đặt cho cái tên “Thần Xạ Đại Sơn Vương”. Trên đường đi tìm Trần Tắc để báo thù nhà, chàng đã cứu được Phượng Kiều, éo le thay Phượng Kiều lại chính là con gái Trần Tắc, bị bọn thổ phỉ Thoòng ở Cao Bằng bắt để buộc Trần Tắc nộp nửa mảnh bản đồ mà chúng nghi là Trần Tắc giữ. Tri Châu Trần Tắc biết chàng là tướng lạc thảo Thập Vạn Đại Sơn nên tìm cách ám hại, nhưng nhờ Phượng Kiều giúp đỡ, chàng đã thoát và lạc đến xứ sở người H’Mông ở Hoàng Su Phì, được thủ lĩnh H’Mông giúp đỡ. Trần Tắc dẫn quân Pháp đến đánh để tiêu diệt chàng, nhưng chàng được thủ lĩnh vùng Cầu Mây yểm trợ. Bọn thổ phỉ vùng Hoàng Liên Sơn bắt được Trần Tắc, tra khảo nơi giấu nửa mảnh bản đồ. Trên đường theo dõi bọn này, Hồng Lĩnh đã giết được Trần Tắc trả mối thù nhà, lại lấy được nửa mảnh bản đồ. Khi gặp thủ lĩnh H’Mông, chàng được ông trao cho nửa mảnh kia, đem ráp lại để chàng tìm kho tàng của ông cha dùng vào việc lớn của dân tộc Việt Nam: quét sạch ngoại xâm ra khỏi bờ cõi.
Tác giả đã đưa ra hai trận tuyến giữa những người được coi là “lục lâm thảo khấu”, một số đứng về phía chính nghĩa hay trót lầm lỗi nhưng biết quay về với chính nghĩa, một số đứng về phía phi nghĩa, cấu kết với những thế lực thống trị tàn bạo, nham hiểm chống lại đất nước, chống lại nhân dân. Những phẩm chất như hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn, giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha, tình đoàn kết giữa các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam cũng được chú ý nêu bật để đối lập với âm mưu và hành động tham lam, tàn ác của bọn thực dân và tay sai của chúng, đặt quyền lợi ích kỷ lên trên tình người, diễn lại một lần nữa tấm thảm kịch khủng khiếp “Vàng và Máu”. Cuốn sách tuy còn có những mặt non yếu nhất định về tư tưởng như mang màu sắc ngang tàng anh hùng cá nhân, phảng phất tính chất mê tín dị đoan trong một số chi tiết, nhưng nói chung là có nội dung tốt, mang hàm ý yêu nước. Một thời ngang dọc được nhận định là tác phẩm đã hình thành một loại “tân phái võ hiệp Việt Nam”. Ngoài “chất liệu truyền thống” của thể loại truyện võ hiệp là võ thuật, Hoàng Ly còn đưa vào tác phẩm của mình súng ống đủ loại, chiến xa, chiến hạm,… Nhân vật trong “Một thời ngang dọc” không chỉ giỏi võ mà còn bắn súng ngắn “tắt đom đóm trong đêm tối”, hay rót đại pháo, moóc-chê “năm phát như một không cần làm phép tính lôi thôi”. Tiểu thuyết của ông xây dựng trên lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, đề cao đạo lý làm người với những phẩm chất tốt đẹp như: hiếu đễ, thủy chung, tiết liệt, bao dung… Hơn thế nữa, trong tác phẩm của ông còn thể hiện tính nhân văn cũng như sự hiểu biết sâu sắc về con người và những nét văn hóa đặc thù của từng địa phương.
MN * Nội dung được Trường Sơn Media thực hiện theo GPKD Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):
|