top-banner-2

Thứ năm, 17/05/2018, 14:33 GMT+7

Hành trình vượt khó của 'Vua quạt đất Bắc'

Viết bởi Nam Anh   
Thứ năm, 17/05/2018, 14:33 GMT+7

Danh hiệu “Vua quạt đất Bắc” đã phần nào phác hoạ nên chân dung của CEO Trần Văn Lê – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Cơ điện & Thương mại Phương Linh – một doanh nhân xứ Nghệ đã đi lên từ hai bàn tay trắng…

Học để vượt khó

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân chân chất, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên mảnh đất Thanh Chương, Nghệ An, tuổi thơ của anh là những năm tháng thời chiến đầy khó khăn, cơ cực, phải bắt ốc mò cua…. cùng gia đình kiếm kế sinh nhai. Cũng như bao đứa trẻ lớn lên trên mảnh đất miền Trung nắng cháy, khô cằn, ngay từ bé, anh đã được cha mẹ răn dạy phải học, chỉ có học mới thoát khỏi cảnh bần nông con trâu đi trước cái cày.

Suốt 12 năm học, Trần Văn Lê luôn đứng đầu lớp. Học hết phổ thông, anh lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của quê hương. Trong quá trình công tác, do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh được đề cử dự tuyển và thi đỗ vào trường Kỹ thuật của Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc Phòng). Môi trường quân đội đã dần tôi luyện cho anh một bản lĩnh thép, sẵn sàng đương đầu  và vượt qua mọi khó khăn. Sau 4 năm học tập, rèn luyện tại mái trường quân đội, anh về công tác tại một đơn vị kinh tế của Tổng cục Công Nghiệp, Bộ Quốc Phòng. Chiến tranh kết thúc cũng là thời điểm kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn.

tran-van-le-ceo-chia-khoa-thanh-cong-vhdn-2

Anh Trần Văn Lê - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện & Thương mại Phương Linh

Như rất nhiều công nhân viên chức không sống nổi bằng đồng lương eo hẹp, anh quyết định ra ngoài để bươn trải cuộc sống. Khó khăn chồng chất khó khăn. Anh đã phải làm đủ nghề để có thể trang trải cuộc sống. Mê mải kiếm sống nhưng vẫn cái nghèo vẫn cứ đeo bám, và anh bỗng như thấy mình thiếu cái gì đó. Rồi một ngày, anh quyết định tham gia khóa học Quản trị kinh doanh dành cho giám đốc tại trường Kinh tế Quốc dân. Với anh, chỉ có học mới mong thoát được nghèo. Ngày đi làm, tối lại lọc cọc đạp xe mấy chục cây số đến trường. Chính những buổi học ấy đã thay đổi toàn bộ suy nghĩ của Trần Văn Lê. Anh đã biết thế nào là hàng hóa, là marketing, thế nào là thị trường, là khách hàng, là lợi nhuận…. Và anh quyết định phải thử sức với một điều gì đó mới mẻ hơn.

Làm giàu từ đồ “đồng nát”…

Muốn làm ông chủ, trước hết phải đi làm thuê, chính suy nghĩ đó đã kéo Trần Văn Lê bỏ hết việc buôn bán để xin làm thuê cho một ông chủ chuyên đánh các mặt hàng đồ cũ, máy móc hỏng, phế liệu. Trong những lần đi bốc hàng, anh có cơ hội được hiểu thêm về máy móc, kỹ thuật. Thời đó, người ta đánh từng lô đồ cũ về rồi lại bán lại để ăn chênh lệch. Không ít người giàu lên nhờ cách đó. Nhưng anh lại có suy nghĩ khác: “Tại sao không sửa chữa lại một chút, làm tăng giá trị của nó để bán được giá cao hơn?”.  Ý nghĩ đó cứ thôi thúc mãi trong đầu. Và anh  quyết định xin nghỉ việc, tự mở một cửa hàng nhỏ thu mua máy bơm, quạt gió, mô-tơ cũ. Anh kể: “có khi tôi chỉ bán 3-4 cái máy đã bằng tiền lãi người ta bán cả lô máy chất đầy xe ô tô”.

Mấy năm buôn mặt hàng này, vốn liếng tích lũy ngày một dày.  Rồi đến thời điểm cách buôn bán hàng “đồng nát” như vậy cũng dần thoái trào, vì đời sống người dân đã khá hơn, họ ưa dùng đồ “đập hộp” chứ không dùng đồ second-hand nữa. Lê nhận thấy, muốn “giàu bền” thì phải đi vào sản xuất. Thế là Trần Văn Lê quyết định lập công ty.

tran-van-le-ceo-chia-khoa-thanh-cong-vhdn-1

Một phân xưởng sản xuất của Công ty Phương Linh

Khát vọng vươn xa

Tháng 6 năm 2000, công ty TNHH TM & Xây dựng Phương Linh ra đời với không ít những khó khăn, thất bại. Ban đầu, Công ty Phương Linh chỉ có 10 công nhân, sản xuất các loại quạt công nghiệp đơn giản. Trả lời cho câu hỏi: lý do vì sao lại là mặt hàng này mà không phải các mặt hàng tiêu dùng khác, Giám đốc Lê cho biết: Thời điểm đó, nhu cầu về thông gió, hút bụi xử lý môi trường tăng cao, hàng từ châu Âu thì đắt, mà cũng khó kiếm, hàng Trung Quốc thì chất lượng thấp. Đó chính là thị trường ngách để chúng tôi chiếm lĩnh.

Thời đó, quạt cây chống nóng được bán ngoài thị trường với giá 850.000 đồng/cái, thì quạt của Công ty Phương Linh chất lượng tốt hơn, nhưng bán với giá rẻ hơn vài chục nghìn đồng. Chẳng mấy chốc danh tiếng của Công ty Phương Linh vang xa. Từ chỗ hàng chỉ tiêu thụ cho khách lẻ, dần dà các doanh nghiệp nhà nước đã chủ động tìm đến anh để đặt hàng. Khi đã vào nhịp và tìm được đúng hướng đi, Công ty Phương Linh phát triển nhanh như vũ bão.

Đến nay, Phương Linh đã sản xuất hầu hết các loại quạt công nghiệp và thay thế được hàng nhập khẩu. Sản phẩm có mặt ở hầu hết mọi miền đất nước và đặc biệt ở những công trình trọng điểm quốc gia, được khách hàng nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đón nhận và đánh giá cao.

Từ chỗ là người thợ, chấp nhận làm thuê, giúp việc cho các ông chủ cơ sở sản xuất, đổ bao mồ hôi, nước mắt trên thương trường, nay anh đã là ông chủ chuyên sản xuất quạt công nghiệp vào hàng lớn nhất ở miền Bắc. Còn anh thường được bạn bè, đồng nghiệp gọi thân thiết bằng cái tên “vua quạt đất Bắc”.

tran-van-le-ceo-chia-khoa-thanh-cong-vhdn-3

CEO Trần Văn Lê tham chương trình CEO – Chìa khóa thành công (do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoanggia Media Group thực hiện) trong vai trò là CEO

Suốt gần 20 năm, một chặng đường dài thấm đẫm bao gian nan, cả mồ hôi và nước mắt, chỉ bằng một suy nghĩ giản đơn: “Thế giới làm được, người ta làm được thì mình cũng làm được”, mà anh đã từng bước đưa thương hiệu Phương Linh của mình vươn xa trong sự đồng lòng và quyết tâm của cả tập thể gần 100 cán bộ - công nhân viên. Và Phương Linh sẽ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trên thị trường quạt công nghiệp Việt Nam, đồng thời từng bước  mở rộng cánh cửa để vươn ra thế giới trong quyết tâm trở thành công ty hùng mạnh số một của Việt Nam và Đông Nam Á về sản xuất quạt công nghiệp và thiết bị xử lý không khí.

Lê Hải

* Nội dung được thực hiện theo GPKD của Trường Sơn Media


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Hành trình vượt khó của 'Vua quạt đất Bắc'

 

hoa-moc-thien-2

E-banner-wedding-2

bia-kndn

miss-charm

hoa-moc-thien

E-banner-meeting-1

dai-lam-moc