top-banner-2

Thứ tư, 21/05/2014, 15:45 GMT+7

45 doanh nghiệp được cấp phép tại Myanmar

Viết bởi Kim Cúc   
Thứ tư, 21/05/2014, 15:45 GMT+7

Đến cuối năm 2013, đã có 45 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép hoạt động tại Myanmar, 19 doanh nghiệp đang chờ cấp phép; 7 dự án đã được phía Myanmar cấp phép với tổng giá trị vốn đầu tư đăng ký hơn 600 triệu USD.

 

 

Ngày 11/5/2014, nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tổ chức tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có buổi gặp mặt, động viên các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM).

Báo cáo với Thủ tướng, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch AVIM cho biết, sau 4 năm thành lập, Hiệp hội đã khẳng định vai trò là cầu nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sang khảo sát, nghiên cứu thị trường cũng như giới thiệu các cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Myanmar, góp phần hiện thực hóa các cam kết chung về hợp tác kinh tế đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất.

Đến cuối năm 2013, đã có 45 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép hoạt động tại Myanmar, 19 doanh nghiệp đang chờ cấp phép; 7 dự án đã được phía Myanmar cấp phép với tổng giá trị vốn đầu tư đăng ký hơn 600 triệu USD, tiêu biểu như: Dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cho thuê Hoàng Anh Gia Lai; Dự án khai thác đá mable của CTCP Simco Sông Đà; Dự án liên doanh thăm dò dầu khí của Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP); Chương trình hợp tác nông nghiệp giữa Vietranimex với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar...

VHDN-Kinh-te-Myanmar-1

 Theo kế hoạch, đến năm 2015, hợp tác thương mại Việt Nam - Myanmar dự kiến đạt 1-1,2 tỷ USD đầu tư; kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 600 triệu USD; du lịch đạt 35.000 lượt khách Việt Nam sang Myanmar, tăng trưởng 30%/năm.

Để đạt các mục tiêu này, AVIM đề xuất, lựa chọn các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực tài chính, kinh nghiệm làm đầu mối để đầu tư các dự án lớn, trọng điểm tại Myanmar. Ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực Myanmar cần, Việt Nam có thế mạnh như: nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, chế biến lương thực, sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng, sản xuất cơ khí, phụ tùng thiết bị, kinh doanh dịch vụ, du lịch... Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp như nghiên cứu thị trường, thủ tục đầu tư, thu xếp tài chính...

Về tổ chức chỉ đạo triển khai, Chủ tịch AVIM đề nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan tại Việt Nam và Myanmar xây dựng chiến lược hợp tác đầu tư dài hạn giữa hai nước; nghiên cứu sửa đổi và ký kết bổ sung Hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư mới thay thế Hiệp định cũ năm 2000; kiến nghị sớm thành lập Tổ công tác liên ngành giữa hai nước để định kỳ rà soát việc thực hiện các Hiệp định song phương và thỏa thuận được ký kết giữa hai nước; Thành lập Quỹ đầu tư hải ngoại, Hiệp hội hữu nghị Việt Nam – Myanmar để thúc đẩy và hỗ trợ các DN Việt Nam đầu tư vào quốc gia này.

Hiệp hội AVIM cũng kiến nghị Chính phủ 2 nước một số cơ chế, chính sách cụ thể cho các dự án của các nhà đầu tư Việt nam đang triển khai tại Myanmar, thuộc các lĩnh vực như: ngân hàng, dầu khí, khách sạn- văn phòng, hàng không, nông nghiệp, thủy hải sản...

Tiếp nối cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar, ngày 14/5, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Bộ Công thương Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Myanmar – U Maung Myint, kiêm Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Công nghiệp vừa và nhỏ Myanmar (SMIDB) cũng đã có chương trình làm việc với BIDV và AVIM.

Kiến nghị của AVIM với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các Dự án trọng điểm trong thời gian tới:

(i) Thành lập Ngân hàng Việt Nam tại Myanmar: Đề nghị tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ để Việt Nam sớm thành lập Ngân hàng BIDV tại Myanmar, thực hiện đúng cam kết với Tổng thống Myanmar để hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar.

(ii) Đối với lĩnh vực dầu khí: Đề nghị Myanmar hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho PVEP tiến hành khoan thăm dò tiến tới khai thác dầu khí trên đất liền.

(iii) Đối với Dự án Tổ hợp văn phòng – khách sạn và trung tâm thương mại của HAGL, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để đến quí 2/2015, sẽ tiến hành khánh thành giai đoạn 1 của dự án với gần 500 phòng khách sạn và hơn 81.000m2 diện tích văn phòng cho thuê.

(iv) Đối với hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp: Đề nghị phía Myanmar có những chính sách ưu đãi cho Việt Nam thủ tục đăng ký giống mới, nhập khẩu giống, cơ chế khuyến khích trong sản xuất cánh đồng lúa mẫu lớn và chế biến gạo xuất khẩu...; thúc đẩy các dự án trồng cây công nghiệp; trồng lúa và chế biến gạo xuất khẩu, xay sát chế biến lương thực, trồng và chế biến nông sản xuất khẩu, nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi bò phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến sữa...

(v) Đối với lĩnh vực hàng không: Cùng với việc VietnamAirline tăng 10 chuyến/tuần vào tháng 1, đề nghị Chính phủ Myanmar cho phép Vietnam Airlines tiến hành nghiên cứu khả thi liên doanh với Myanmar để mở các chuyến bay nội địa.

 

 Theo Fica.vn

 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

45 doanh nghiệp được cấp phép tại Myanmar

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc