top-banner-2

Thứ tư, 16/10/2013, 08:51 GMT+7

Doanh nhân học gì từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ tư, 16/10/2013, 08:51 GMT+7

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào cõi vĩnh hằng trong sự tiếc thương vô hạn của cả dân tộc ta và bạn bè trên thế giới. Sự nghiệp, tư tưởng của Đại tướng sẽ sống mãi cùng với chúng ta, trong hành động và suy nghĩ của từng người Việt Nam, trong đó có doanh nhân.

alt

Cách tưởng nhớ Đại tướng là học tập, vận dụng những tư tưởng quân sự của Đại tướng vào kinh doanh. Sau đây, thử gợi ý một số nội dung, mong được các doanh nhân trao đổi thêm:

1. Xác định quyết tâm chiến đấu trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình cụ thể, làm rõ thế mạnh, thế yếu của đối thủ. Khi bắt đầu cuộc kháng chiến năm 1946, lực lượng chúng ta hầu như chưa có gì trong khi quân địch rất mạnh. Quân ta, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, vừa tích cực xây dựng lực lượng, vừa chiến đấu, lợi dụng những sơ hở và mặt yếu của địch, kéo địch ra khỏi thành phố, đồng bằng, bắt địch phải chiến đấu trên địa bàn rừng núi hiểm trở. Điện Biên Phủ là điển hình cho việc đưa địch vào một thung lũng chỉ có thể tiếp tế bằng đường không trong khi quân ta có thể bao vây chúng.

Các doanh nhân cần học cách phân tích, điều tra kỹ tình hình kinh tế, thị trường, đối thủ cạnh tranh, xác định rõ cơ hội, thách thức, tìm ra mặt mạnh, mặt yếu của đối thủ để xác định chiến lược kinh doanh của mình. Doanh nhân cần phát huy lợi thế của mình về thị trường địa phương, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng trong kinh doanh.
Đại tướng cũng nêu tấm gương kiên cường, chịu đựng gian khổ, tìm mọi cách vượt qua khó khó khăn.

2. Sáng tạo, dũng cảm, vận dụng phương châm “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, tận dụng cơ hội và tạo ra cơ hội để chiến đấu. Đại tướng đã thể hiện sự sáng suốt trong khi ra lệnh “kéo pháo vào lại kéo pháo ra”, biết lúc cần phải rút lui để chuẩn bị chiến đấu có hiệu quả hơn.
Các doanh nhân của chúng ta chưa chú ý đến phân tích và đối phó với rủi ro, thường chỉ có phương án phát triển, ít khi chuẩn bị phương án tạm thời rút lui khi tình thế không thuận lợi.

3. Đánh giá đúng lực lượng, thay vì “đánh nhanh - thắng nhanh” chuyển sang “đánh nhỏ - thắng nhỏ, đánh chắc - thắng chắc” nhưng khi có thời cơ thì cũng sẵn sàng “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, thể hiện tinh thần rất linh hoạt, không giáo điều, công thức.

Trong khi thực lực doanh nghiệp còn yếu nên áp dụng chiến thuật “đánh chắc - thắng chắc, đánh nhỏ - thắng nhỏ”, đồng thời vẫn luôn hướng tới mục tiêu đạt được quy mô và trình độ cao hơn.

4. Đại tướng nêu tấm gương lớn về tự học. Đại tướng đã trở thành danh tướng được thế giới thừa nhận và khâm phục mà không qua trường học quân sự nào. Đại tướng luôn luôn học hỏi từ thực tiễn, thường xuyên rút kinh nghiệm qua từng trận đánh để trưởng thành.

Bên cạnh số ít doanh nhân trẻ đã được đào tạo bài bản, nhiều doanh nhân đã tự học trong kinh doanh. Chính Đại tướng đã nêu tấm gương sáng về tinh thần tự học, sáng tạo ra học thuyết quân sự Việt Nam.

5. Bài học lớn mà Đại tướng để lại là yêu thương chiến sỹ, chan hòa, thông cảm với chiến sỹ, là “Đại tướng của nhân dân”. Chính nhân cách lớn này của Đại tướng đã đem lại sức mạnh tinh thần to lớn cho quân đội ta. Khi gặp khó khăn, Đại tướng thể hiện chữ “nhẫn”, vì đại nghĩa mà nín nhịn với tinh thần “dĩ công vi thượng” của Bác Hồ.

Đại tướng đã đánh thắng những kẻ địch mạnh hơn rất nhiều lần. Biết ơn, tưởng nhở Đại tướng, doanh nhân hãy học tập Đại tướng để chiến thắng trên mặt trận kinh tế, xây dựng đất nước giàu mạnh như Đại tướng hằng mong ước.

Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi doanh nhân (ngày 7/5/2004)

Trong quá trình cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đội ngũ doanh nhân Việt Nam tuy còn nhỏ bé nhưng giàu lòng yêu nước, đã tích cực tham gia đóng góp tiền của và công sức cho sự nghiệp chung. Ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam hoan nghênh giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương Cứu quốc đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, đem vốn làm ích nước lợi dân.

Người chỉ rõ: "Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này".

Ngày nay, doanh nhân Việt Nam là đội ngũ xung kích của toàn dân, không cam chịu nghèo nàn và lạc hậu, góp phần xứng đáng làm nên những "Điện Biên Phủ” lớn, nhỏ trong sự nghiệp đổi mới.

Doanh nhân - người đứng đầu và là "nhạc trưởng" doanh nghiệp phải có ý chí vươn lên theo tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo, nghĩ những điều chưa ai nghĩ, làm những việc chưa có tiền lệ, với ý thức vượt khỏi những ràng buộc của lối mòn, tiếp cận những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến.

Doanh nhân Việt Nam phải thực hiện kinh doanh không những có khoa học và nghệ thuật, mà còn phải có văn hóa, hợp pháp luật, đồng thời chống tiêu cực, quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, nêu cao ý thức tiết kiệm, tích tụ vốn liếng, tài sản, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế, nói tóm lại phải nâng cao trình độ quản lý để doanh nghiệp không ngừng phát triển trở thành những doanh nghiệp có quy mô, tầm cỡ quốc gia và quốc tế trong thời đại Hồ Chí Minh, xứng danh với truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Để phát huy truyền thống doanh nhân Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, tự cường, thông minh, sáng tạo, tinh thần nhân ái, thương dân, nên có "Ngày Doanh nhân Việt Nam" và "Giải thưởng doanh nhân Việt Nam" làm ngày truyền thống hàng năm, trao cho những doanh nhân tiêu biểu không chỉ giỏi sản xuất kinh doanh, làm giàu mà còn đóng góp tích cực vào cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với tinh thần Điện Biên Phủ, đội ngũ doanh nhân Việt Nam hãy phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần thực tiễn và sáng tạo, mang tâm huyết cùng toàn dân xây dựng xã hội mới "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Chúc đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển lớn mạnh, đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp chấn hưng đất nước.

Chào thân ái!.

TS. Lê Đăng Doanh


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Doanh nhân học gì từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc