top-banner-2

Thứ sáu, 09/08/2013, 15:59 GMT+7

Nhân tài là ai, nhân tài là... ta!

Thứ sáu, 09/08/2013, 15:59 GMT+7

Từ thủa xưa, đúc kết kinh nghiệm dùng người, ông bà ta đã nói "Có tài có tật".

alt

Cái tật đấy nó làm khó cho người sử dụng người tài, bởi cá tính góc cạnh như luôn đi ngược lại đám đông, ghét bè phái xu nịnh là đã đủ cho một tập thể không lành mạnh rối hết các quy tắc của họ.

Chưa kể nhân tài còn thẳng tính, cầu toàn và ít kiên nhẫn. Với môi trường làm việc không hợp ý, chưa nói đến nhân tài, thì chỉ cần có năng lực làm việc đáp ứng được yêu cầu công việc thôi, thì nhân sự ấy cũng đã nhấp nhổm... chia tay!

Mấy hôm nay, từ Đà Nẵng nóng hổi tin người tài "bỏ chạy" và chính quyền thành phố cho biết sẽ đưa các vụ việc "nhân tài" bỏ nhiệm sở ra đi!

Dư luận hẳn nghiêng về xót xa cho các nhân tài trẻ tuổi ấy không gặp được môi trường làm việc tốt, đang đi tìm cơ hội tốt hơn để học hành như trường hợp N.V.L đi học thêm tiến sĩ bằng học bổng tự tìm kiếm, hoặc trường hợp cô A. bỏ nhiệm sở đi lấy chồng ngoại quốc và đã xuất cảnh.

Sự ồn ào không phải bởi từ yêu cầu UNND thành phố sẽ khởi động một vụ kiện dân sự, mà nó đến từ cái chữ "nhân tài", dư luận cho rằng vì thành phố này thu hút nhân tài, chiêu hiền đãi sĩ, mà không có phương án sử dụng để người tài phát huy hết năng lực, có cơ hội tìm kiếm tương lai thăng tiến, đảm bảo sự gắn bó lâu dài.

Thực tế đây không phải là chương trình chiêu hiền đãi sĩ của thành phố Đà Nẵng. Với nhu cầu phải có một đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, UBND thành phố Đà Nẵng đã đặt hàng "Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng" tìm kiếm và đào tạo người cho mục tiêu ấy.

Đó là những bản hợp đồng rất chặt chẽ giữa các bên tham gia, gồm học sinh có thành tích học xuất sắc ở bậc phổ thông và cha mẹ ở vai trò giám hộ và đồng trách nhiệm nhận kinh phí từ ngân sách thành phố để đi học các ngành mà thành phố cần.

Rất nhiều học sinh giỏi đã từ chối không tham gia chương trình, bởi tuy được gửi đào tạo ở các trường đại học uy tín ở châu Âu, Mỹ, Úc, nhưng điều kiện là chọn ngành nghề phải theo yêu cầu của thành phố và làm việc tại Đà Nẵng tối thiểu 7 năm.

Quy trình tuyển chọn tại Trung tâm khá chặt chẽ, có tư vấn. Khi hợp đồng không được thực hiện, chủ yếu là không hoàn thành việc học, không làm việc đủ thời gian qui định, sẽ phải đền bù thiệt hại gấp năm lần số chi phí ngân sách đã bỏ ra.

Đó là ràng buộc trách nhiệm. Con người là một sản phẩm phức tạp và tinh vi. Nhân tài lại là một người đặc biệt, có năng lực sáng tạo, đóng góp nổi trội.

Chương trình của Đà Nẵng không hướng đến tạo điều kiện cho nhân tài phát triển, mà chỉ là một chương trình đầu tư đặt hàng đào tạo nhân sự để phục vụ cho công cuộc phát triển. Những lứa sinh viên đầu tiên đào tạo theo chương trình đã về phục vụ tại địa phương một vài năm.

Hợp đồng ấy được hàng trăm người trẻ tuổi thực hiện, dù chắc chắn trong điều kiện làm việc thực tế ở các cơ quan công quyền dù cải tổ thế nào cũng chưa thể đáp ứng được những kỳ vọng như các nước tiên tiến, chắc chắn tạo ra nhiều áp lực về tâm lý cho những người được đào tạo tốt.

Nhưng họ vẫn ở lại để thực hiện hợp đồng, một phần lớn là hiểu rõ sự ràng buộc trách nhiệm, một thứ mà không cần có tài cũng nhận thức được phải cống hiến (hay làm việc trả nợ món tiền đã tạm ứng để du học) khi đã được dùng tiền thuế của người dân đóng góp cho chuyện học tập của bản thân mình.

Chưa có ai trong số đó tỏ ra là "nhân tài", mà chỉ hy vọng họ làm việc có chất lượng cao nhờ đào tạo bài bản. Cống hiến hay trả nợ là tùy cách suy nghĩ của mỗi người. Hàng trăm sinh viên và công chức trẻ khác đang nhìn vào việc này.

Ứng xử của chính quyền và của các nhân vật chính trong chuyện "nhân tài bỏ chạy" nên được cắt nghĩa đúng bản chất. Ở đây tiếc rằng chưa có ai là... nhân tài cả!

Chưa có đề tài khoa học, chưa có phát minh sáng tạo đột phá nào được đưa ra từ đội ngũ "nhân sự đào tạo chất lượng cao" này. Mà các trường đại học quốc tế cũng chỉ đào tạo nhân sự chứ không thể đào tạo được thiên tài ở bậc đại học.

Cái lối suy nghĩ được tận hưởng ưu đãi (không phân biệt được tiền "Nhà nước" chính là tiền thuế dân đóng vào), thì thử hỏi họ có thể trở thành nhân tài được không?

Có tài có tật, nhưng ông bà mình không hề đúc kết chuyện cái tật ấy nó chỉ bo bo quyền lợi cá nhân mà không biết đến cái tình, cái nghĩa, cái trách nhiệm mà người trí thức phải xây đắp rèn luyện về nhân cách.

Theo DNSG

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Nhân tài là ai, nhân tài là... ta!

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien

dai-lam-moc