top-banner-2

Thứ tư, 06/07/2016, 10:34 GMT+7

Năm 2016 rồi, tại sao người Nhật vẫn tôn sùng điện thoại nắp gập?

Viết bởi An An   
Thứ tư, 06/07/2016, 10:34 GMT+7

Lần gần đây nhất bạn cầm trên tay một chiếc điện thoại nắp gập có thể là 5 năm, 10 năm... Nhưng với người Nhật Bản, đó mới chỉ là ngày hôm qua.

1-vi-sao-nhat-van-dung-dien-thoai-nap-gap

Lần gần đây nhất bạn được cầm trên tay một chiếc điện thoại nắp gập là bao giờ? 5 năm? 10 năm? Hay lâu hơn nữa? Nhưng với người Nhật Bản, việc sử dụng một chiếc điện thoại nắp gập dường như là thói quen hàng ngày.

Không phải điện thoại vỏ sò Nokia cũ kĩ, không phải Motorola RAZR huyền thoại, đây là những chiếc điện thoại cơ bản lẫn smartphone nắp gập thế hệ mới, được gắn mác các thương hiệu nội địa Nhật Bản. Nói cách khác, chỉ cần là nắp gập, chúng sẽ được người Nhật sử dụng và mến mộ.

Vậy năm 2016 rồi, tại sao người Nhật vẫn tôn sùng điện thoại nắp gập?

Điện thoại nắp gập là một nét văn hóa

Nếu đã từng một lần đến với đất nước Nhật Bản, bạn sẽ nhận ra, người dân nơi đây vẫn rất ưa chuộng điện thoại nắp gập. Thậm chí, tại đất nước mặt trời mọc, điện thoại nắp gập còn được tôn lên thành một nét văn hóa đặc trưng, được gọi là: gara-kei.

Trong đó, gara-kei là viết tắt của Galapagos keitai (keitai có nghĩa là chiếc điện thoại, còn Galapagos là nhằm ám chỉ sự biệt lập, hệt như hòn đảo Galapagos, vì quá biệt lập mà cuối cùng đã phát triển hệ sinh vật khác hẳn với những giống loài trên thế giới.

Thậm chí, thuật ngữ Galapagos còn được xem như một hội chứng ở Nhật Bản, ám chỉ xu hướng công nghệ ở nước này có luôn phát triển tách biệt với phần còn lại của thế giới, thông qua những tiêu chuẩn riêng và khó tương thích với tiêu chuẩn của nước ngoài.

Trên thực tế, dù được đánh giá là "khác biệt" và mang hơi hướng "lập dị", nhưng điện thoại nắp gập tại Nhật Bản lại đang cho thấy những dấu hiệu khởi sắc...

Hơn 10 triệu chiếc điện thoại nắp gập được bán ra trong năm 2014

Theo những số liệu thống kê về thị trường điện thoại di động tại Nhật Bản gần đây, được thực hiện bởi hãng nghiên cứu thị trường MM Research Institude Ltd (Nhật Bản), trong năm 2014, thị phần của điện thoại cơ bản nắp gập đã bất ngờ tăng thêm 5,7%.

Nhờ đó, hơn 10 triệu chiếc điện thoại nắp gập đã được bán ra, trong khi thị phần smartphone lại bất ngờ giảm 5,3%. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên trong 7 năm qua điện thoại nắp gập có sự tăng trưởng về thị phần, đồng thời, cũng là năm thứ 2 liên tiếp thị phần smartphone tại Nhật Bản bị sụt giảm.

Minh chứng là KDDI, một trong 3 mạng di động lớn ở Nhật Bản vẫn đang hợp tác với Sharp, tiếp tục bán ra hàng loạt các mẫu điện thoại Galapagos - như chiếc AQUOS K là một ví dụ. Về cơ bản, AQUOS K là một smartphone nắp gập chạy Android, hỗ trợ LTE, tích hợp bộ xử lý lõi tứ và có màn hình cảm ứng.

Nghĩa là AQUOS K vừa đáp ứng được nhu cầu "thông minh" - chạy nhiều ứng dụng hiện đại, vừa đáp ứng được nét văn hóa Galapagos - kiểu dáng nắp gập truyền thống được người Nhật ưa chuộng. Có chăng, điểm khác biệt của AQUOS K so với vô vàn điện thoại nắp gập ngoài kia là kiểu dáng, mẫu mã mới.

Trong đó, một đại diện nhà mạng từng khẳng định: "Yếu tố tiên quyết để bán được điện thoại ở Nhật Bản là kiểu dáng phải "chuẩn mực" - nắp gập. Còn lại, camera nâng cấp, có hệ điều hành để trở nên thông minh hơn, hay tích hợp thêm nhiều ứng dụng trên nền Android chỉ là thứ yếu".

Vậy điều gì đang giúp điện thoại nắp gập vẫn sống khỏe tại Nhật Bản?

Một trong những lý do khiến người dùng tại Nhật Bản lựa chọn điện thoại cơ bản, cụ thể là các mẫu điện thoại nắp gập thay vì smartphone, chính là sự suy thoái đang hiện hữu trong nền kinh tế tại quốc gia này, cũng như sự biến động mức giá của smartphone tại thị trường Nhật Bản.

Theo ghi nhận, Nhật Bản là một trong các thị trường có mức giá smartphone chính hãng bán ra cao nhất trong số các quốc gia phát triển ngày nay. Thế nhưng, điện thoại nắp gập lại là một trong những chủng loại thiết bị cầm tay có giá bán rẻ nhất tại quốc gia này.

Do do, người dân Nhật Bản quyết định chọn lựa điện thoại nắp gập, nhưng vẫn được tích hợp thêm các chức năng thông minh cần thiết như hộp thư thoại, truy cập email và các dịch vụ giá trị gia tăng cơ bản… để sử dụng, thay vì lựa chọn những chiếc smartphone cao cấp và đắt tiền hơn.

Cũng theo xu hướng này, các hãng công nghệ nội địa Nhật Bản không còn chú trọng đến thị trường smartphone như trước, nhất là trong bối cảnh họ đang bị cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Apple hay Samsung… Điều này giải thích tại sao, các hãng công nghệ Nhật Bản chuyển hướng sang điện thoại nắp gập.

Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận, dân số già của nước Nhật là một phần nguyên nhấn khiến điện thoại nắp gập ngày càng được ưa chuộng hơn. Trên thực tế, người dùng lớn tuổi có xu hướng không muốn sử dụng smartphone, họ chọn điện thoại nắp gập...

Vậy còn người trẻ?

Văn hóa Galapagos thậm chí còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới những người trẻ tại Nhật Bản. Như anh chàng có tên Ouki Chiba, hiện là chủ biên của trang tin tức Autoblog JP là một ví dụ. Anh chàng này vừa mua một chiếc iPhone, nhưng khi được hỏi về gara-kei, mắt anh được mô tả là "sáng lên"...

Ouki Chiba cho biết: "Tôi từng rất yêu thích một chiếc điện thoại nắp gập. Nó nhẹ, mỏng và nhỏ gọn. Mọi thứ đều rất quen thuộc, dễ sử dụng, bạn chỉ cần mở điện thoại lên là có thể nghe điện thoại".

Khi gặp phải câu hỏi: anh nhận được gì từ khi sử dụng một chiếc iPhone thay vì điện thoại nắp gập, Ouki Chiba đã im lặng!

Sau cùng, anh cho biết: "Tôi hầu như không bật ứng dụng bản đồ, máy ảnh cũng không sử dụng mấy".

Anh tiếp tục được hỏi: liệu có muốn quay trở lại sử dụng điện thoại nắp gập không?

Ouki Chiba cầm chiếc iPhone lên và ra hiệu: "Tôi mới mua chiếc điện thoại này rồi".

"Nhưng biết đâu được đó...".

Link nguồn: http://cafebiz.vn/nam-2016-roi-tai-sao-nguoi-nhat-van-ton-sung-dien-thoai-nap-gap-20160706075734683.chn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Xem thêm các bài viết cùng chủ đề với bài viết (phía trên):

Năm 2016 rồi, tại sao người Nhật vẫn tôn sùng điện thoại nắp gập?

 

kndn1

bhql2024

hoa-moc-thien-2

tieng-hat-viet-toan-cau-2

hoa-moc-thien

dai-lam-moc